clock

Thế Giới

13:57 10-11-2015

Cuộc gặp lịch sử Trung - Đài: Góc nhìn từ kinh tế

Lãnh đạo cao nhất của hai bên, Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình và Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu vừa có cuộc gặp lịch sử tại Singapore lần đầu tiên kể từ khi kết thúc cuộc nội chiến năm 1949.

Với chính sách "Một Trung Quốc", TQ vẫn xem Đài Loan là vùng lãnh thổ thuộc về TQ và cam kết sẽ thống nhất một ngày nào đó, dù phải dùng vũ lực. Trung Quốc từng công khai đe dọa sử dụng đến vũ lực trong trường hợp cần thiết để giữ Đài Loan trong vòng kềm tỏa của mình.

Bắc Kinh thường xuyên tập trận và phô trương sức mạnh quân sự ngay trên eo biển Đài Loan. Chính Đài Bắc đã đưa ra con số có ít nhất 1.600 tên lửa TQ chĩa về phía hòn đảo này. Tháng 6/2015 quân đội TQ tập trận với bài tập tấn công một tòa nhà rất giống Phủ Tổng thống Đài Loan. Quan hệ qua eo biển Đài Loan chỉ được cải thiện sau khi ông Mã Anh Cửu lên làm tổng thống năm 2008. Hai bên đã ký một thỏa thuận thương mại song phương, hợp tác về kinh tế du lịch.

Thuế quan đánh vào hàng trăm loại hàng hóa đã được giảm bớt hoặc xóa bỏ, giúp thúc đẩy thương mại giữa hai bờ eo biển lên mức lịch sử. Ngoài ra, ba mối liên kết, gồm đường bay trực tiếp, hàng hải và dịch vụ bưu chính, cũng được thiết lập. Thành phố Đông Quản được mệnh danh là "Công xưởng thế giới", đã từng là "thiên đường" của các công ty Đài Loan tại đại lục. Trong giai đoạn cao điểm nhất, tại Đông Quản có đến hơn 6.000 công ty Đài Loan hoạt động tại đây.

Trong cuộc họp lịch sử, hai bên không ký kết thỏa thuận hay hợp đồng, mà chỉ có các trao đổi nhằm thúc đẩy hòa bình và tìm cách giảm căng thẳng, trong đó có việc di chuyển các hỏa tiễn mà TQ nhắm vào Đài Loan. Một mục tiêu quan trọng khác là chính thức hóa các cuộc gặp song phương vả thuyết phục TQ để Đài Loan được công nhận rộng rãi hơn trong cộng đồng quốc tế.

"Ngoại giao xuyên eo biển Đài Loan nếu được bình thường hóa sẽ tăng ổn định trong mối quan hệ Trung - Đài và cả tình hình an ninh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương", Dan Blumenthal, Giám đốc Nghiên cứu Châu Á tại Viện Doanh nghiệp Mỹ cho biết. Ông Mã Anh Cửu chỉ còn vài tháng trong nhiệm kỳ tổng thống và không thể tiếp tục tranh cử lần nữa.

Việc ông gặp Chủ tịch Tập Cận Bình là nỗ lực của đảng cầm quyền muốn sự ủng hộ của TQ trong lần bầu cử tổng thống sắp tới của Đài Loan. Cuộc họp này là một canh bạc đối với ông Mã vào thời điểm cử tri Đài Loan đang bất bình về một nền kinh tế chậm chạp và mong muốn khẳng định bản sắc của hòn đảo riêng biệt.

Trong khi đó, các nhà quan sát cho rằng, thượng đỉnh giữa hai ông Tập - Mã nhằm theo đuổi cùng lúc nhiều mục tiêu. Một là chuyển hướng chú ý của công luận quốc tế ra ngoài khu vực Biển Đông, điểm nóng thời sự hiện nay. Với vấn đề Đài Loan, ông Tập xuất hiện như là một sứ giả hòa bình tại một thời điểm cả thế giới tố cáo TQ hung hăng và phi pháp khi lấn chiếm Biển Đông. Hai là chứng minh với phần còn lại của thế giới - đặc biệt là với Hoa Kỳ, rằng ông Tập Cận Bình đang làm chủ tình hình. Có nghĩa là Bắc Kinh "có thể xoa dịu tình hình trong bối cảnh căng thẳng khu vực đang gây lo ngại".

Các mốc chính trong quan hệ Đài Loan - Trung Quốc

1949: Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch chạy sang Đài Loan lập chính phủ

1971: Đài Loan mất ghế ở Liên Hiệp Quốc

1979: Mỹ lập quan hệ ngoại giao với TQ nhưng tuyên bố bảo vệ Đài Loan

1993: Trung-Đài tiếp xúc trực tiếp lần đầu tiên ở Singapore

2005: Bắc Kinh thông qua luật cấm Đài Loan tách khỏi Hoa lục

2008: Mã Anh Cửu lên làm tổng thống, nối lại đối thoại cao cấp giữa hai bên

Vào lúc Tổng thống Mã đang chạy nước rút cho thời gian cuối cùng của nhiệm kỳ, người Đài Loan đang cân nhắc lợi hại của chính sách nhiều tham vọng của ông là giao tiếp với TQ để củng cố kinh tế trong nước.

Khi ra vận động tranh cử tổng thống vào năm 2008, ông Mã đã cam kết đạt tỷ lệ tăng trưởng kinh tế là 6%, và thu nhập bình quân đầu người hơn 30 ngàn USD/năm. Các thỏa thuận đạt được với TQ kể từ khi ông lên nhậm chức đã đẩy kim ngạch thương mại song phương lên các mức cao kỷ lục và đưa sang Đài Loan mỗi năm 2,8 triệu du khách từ lục địa TQ.

Nhưng các số liệu của Chính phủ Đài Loan cho thấy các cam kết ban đầu đã không thành hiện thực. Tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức 3,74% trong năm ngoái và tỷ lệ thất nghiệp là gần 4%.

Thu nhập bình quân đầu người trung bình vào khoảng một nửa mục tiêu đã cam kết. Vì vậy, ông Mã và lãnh đạo Đài Loan cho rằng, cần phải tăng cường bang giao với TQ để hỗ trợ cho nền kinh tế Đài Loan, bất chấp lo ngại TQ thông qua lợi ích kinh tế để can dự sâu hơn vào chính trị Đài Loan.

Tuy nhiên, dư luận Đài Loan cho rằng, càng gần TQ thì Đài Loan càng rơi vào tình thế "lợi bất cập hại". Việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông và gia tăng các hoạt động quân sự ở Biển Hoa Đông có thể giúp Bắc Kinh chia cắt Đài Loan từ cả phía Bắc và Nam.

Những hành động gây hấn trên biển của Trung Quốc đã khuyến khích Mỹ, nước bảo trợ lớn nhất của Đài Loan, tập trung xây dựng các mối quan hệ với Nhật Bản và Philippines khi tái cân bằng các nguồn lực quân sự tới khu vực. Vì thế, khi xích lại gần đại lục thì Đài Loan lại càng xa tâm điểm chú ý của Washington.

 

LAM HỒNG/ DNSG