clock

Doanh Nghiệp

13:30 20-12-2022

Đã sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 6.000 văn bản gây khó cho doanh nghiệp

Sau khi rà soát 22.000 văn bản, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định còn nhiều quy định chồng chéo, ảnh hưởng đến doanh nghiệp.


Tại Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật 2022, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá chủ đề “Nhận diện, tháo gỡ vướng mắc pháp lý, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển” phù hợp trong bối cảnh đất nước đang nỗ lực khắc phục hậu quả của đại dịch và đẩy mạnh các chương trình phát triển phát triển kinh tế - xã hội.

Trong gần 3 năm qua, tình hình thế giới diễn biến phức tạp tác động đến mọi lĩnh vực. Môi trường quốc tế bất ổn cùng hậu quả của Covid-19 khiến quá trình ổn định, cải thiện kinh tế gặp nhiều khó khăn.

Cộng đồng doanh nghiệp cũng đương đầu nhiều khó khăn như đứt gãy chuỗi cung ứng, gián đoạn sản xuất, chi phí gia tăng, thị trường biến động. Do đó, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp có vai trò quan trọng, đặc biệt việc tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn về pháp lý.

Trong năm 2022, Bộ Tư pháp và các cơ quan đã rà soát 22.000 văn bản liên quan, đồng thời kiến nghị bổ sung, sửa đổi hoặc bãi bỏ gần 6.000 văn bản có sự chồng chéo.

Phó thủ tướng lưu ý nhiều doanh nghiệp vẫn còn khó tiếp cận các gói, chương trình hỗ trợ phục hồi của Chính phủ. Ảnh: BTC.
Dù đã có nhiều chương trình, chính sách tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp, công tác này chưa đáp ứng kỳ vọng. Nhiều doanh nghiệp, nhất là nhóm vừa và nhỏ, còn gặp khó khăn khi tiếp cận các gói hỗ trợ.

Nguồn lực dành cho công tác pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp còn hạn chế. Hiệu quả thực hiện chưa cao.

Nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp với mục tiêu hoạt động tốt trong nước vừa có thể cạnh tranh quốc tế. Yêu cầu về chất lượng và nội dung pháp lý sẽ ngày càng cao hơn.

Một trong những nhiệm vụ giải pháp được đưa ra trong Nghị quyết 57 là tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện.

Theo Phó thủ tướng, cần thảo luận kỹ thực trạng công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; bàn sâu về môi trường thể chế, hành lang, khuôn khổ pháp lý; việc tiếp cận dịch vụ hỗ trợ pháp lý; nhận diện vướng mắc, điểm nghẽn gây khó khăn cho doanh nghiệp khi tiếp cận quyền lực chính đáng; xác định quy định còn bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, những vấn đề mới nảy sinh chưa kịp điều chỉnh

Thứ hai là đánh giá, dự báo nhu cầu trợ giúp pháp lý của doanh nghiệp. Hoạt động này cần có tiếng nói của cơ quan Nhà nước, chuyên gia, tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý và từ cộng đồng doanh nghiệp.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cũng cho rằng cần đề xuất những giải pháp tập trung vào các nội dung như tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ, chương trình hỗ trợ pháp lý; phòng ngừa, giải quyết tranh chấp thương mại; giảm thiểu rủi ro khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.

Ngoài ra, cần đề xuất, kiến nghị những bước đi, lộ trình phù hợp từng giai đoạn nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.

“Xác định rõ thẩm quyền của các cơ quan liên quan, lộ trình cần đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm vì sự phát triển bền vững. Cần có cách thức hỗ trợ để doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, xây dựng và tăng cường chức năng pháp chế, nâng cao năng lực tự bảo vệ mình”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Trong môi trường hội nhập kinh tế, những rủi ro về kiện tụng sẽ ngày càng phổ biến. Do đó doanh nghiệp cần có khả năng phòng vệ để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp lẫn Việt Nam.

Bên cạnh đó, các địa phương, bộ ngành nghiên cứu các đề xuất của doanh nghiệp để có phương án hỗ trợ, giải quyết kịp thời.

Theo Zing