clock

Trong Nước

12:30 16-11-2015

Đại biểu Quốc hội “truy” Thống đốc Bình những vấn đề gì?

Trong 2,5 ngày chất vấn các trưởng ngành, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình sẽ không tránh khỏi việc “đăng đàn” để trả lời những vấn đề đang được cử tri, đại biểu Quốc hội quan tâm, đó là, tính pháp lý của việc mua ngân hàng 0 đồng, giảm lãi suất, xử lý nợ xấu…

Đánh giá về việc thực hiện Nghị quyết Quốc hội của Thống đốc Bình, Quốc hội nhận định thị trường vàng và tỷ giá được coi là điểm sáng của ngành ngân hàng trong thời gian qua khi “bình định” được thị trường vàng và “cầm cương” được tỷ giá với một loạt giải pháp đồng bộ.

Kết quả cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng đạt được nhiều kết quả tốt, đảm bảo việc chi trả tiền gửi của dân cư tại các ngân hàng diễn ra bình thường, không xảy ra hiện tượng rút tiền hàng loạt với quy mô lớn, thanh khoản của các ngân hàng được cải thiện rõ rệt, huy động vốn không bị giảm và có thêm các khoản tiền gửi mới.

Tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo, cổ đông/nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối trong hệ thống các tổ chức tín dụng từng bước được xử lý và kiểm soát thông qua nhiều giải pháp đồng bộ, đặc biệt là thông qua công tác thanh tra, giám sát; hợp nhất, sát nhập ngân hàng và ban hành các quy định pháp lý mới.

Tính đến cuối năm 2014 chỉ còn 3 cặp ngân hàng thương mại cổ phần có sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau; sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp chiếm tỷ lệ rất nhỏ với tổng vốn điều lệ của hệ thống.

Tuy vậy, vấn đề nợ xấu, mua ngân hàng 0 đồng, giảm lãi suất… vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận, đại biểu Quốc hội.

Bất ngờ giải pháp “ngân hàng 0 đồng”

Từng rất nóng trên diễn đàn Quốc hội khi nói về lĩnh vực ngân hàng với những yếu kém của hệ thống, nguy cơ đổ vỡ, nợ xấu mù mờ với nhiều con số, tỷ giá thì nhảy múa, thị trường vàng thì mặc sức tung hoàng, lãi suất tự do bất chấp “trần” lãi suất… khi chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tại kỳ họp thứ 4.

Tuy nhiên, những vấn đề này sẽ không còn là mối quan tâm lớn nữa khi vấn đề “ngân hàng 0 đồng” xuất hiện vào cuối nhiệm kỳ. Đây là một trong những giải pháp được NHNN dùng để xử lý những ngân hàng đáng nhẽ đã bị phá sản.

Theo đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh, đoàn Hải Phòng, giải pháp mua ngân hàng 0 đồng được đánh giá tốt trong điều kiện ngân sách eo hẹp.

 Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh, đoàn Hải Phòng

“Tuy vậy, đây chỉ là giải pháp tình thế và trong vài năm tới phải có những giải pháp khác. Song Quốc hội sẽ không bao giờ cho phép lấy tiền ngân sách đắp vào khoản lỗ của các ngân hàng”, đại biểu Vinh nhấn mạnh.

Song nhiều đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi về việc ai sẽ phải đứng ra chịu trách nhiệm về việc để cho những ngân hàng yếu kém này tồn tại bao nhiêu năm qua mà không bị phát hiện? Tính pháp lý của việc mua ngân hàng 0 đồng?....

Bà Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đặt dấu hỏi, khi NHNN mua lại cổ phần của các TCTD thì một câu hỏi được đặt ra là quyền lợi của cổ đông thiểu số sẽ được bảo vệ như thế nào?

“Có ý kiến cho rằng trong trường hợp này TCTD là công ty không niêm yết, việc TCTD đó kiểm soát nội bộ, kiểm toán không đầy đủ, kỷ luận công bố thông tin cho cổ đông không được thực thi nghiêm tục, đến khi NHNN tuyên bố TCTD lỗ lớn và giá trị đầu tư của cổ đông không có gì thì cổ đông nhỏ lẻ mới biết”, bà Nga nhận định.

Theo bà Nga, đây là một vấn đề cần nghiên cứu từ góc độ xây dựng thiết chế pháp lý nhằm bảo về quyền lợi của cổ đông thiếu số nói chung và tăng cường vai trò quản lý của NHNN theo hướng có chế tài đủ sức răn đe và buộc các TCTD phải được quản trị thực chất theo quy định và thông lệ tốt. NHNN cần chủ động đề xuất thiết chế pháp lý này.

Trước nhiều ý kiến trái chiều về giải pháp mua ngân hàng 0 đồng, Quốc hội đã đưa vào Nghị quyết Quốc hội để giám sát việc xử lý các ngân hàng yếu kém và việc Ngân hàng Nhà nước mua lại các ngân hàng thua lỗ với giá 0 đồng.

Cần phải giảm thêm lãi suất cho vay

Về lãi suất, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá là đã giảm nhiều, mặt bằng lãi suất hiện nay chỉ bằng khoảng 40% ở nửa cuối năm 2011 và thấp hơn giai đoạn 2005-2006.

Đánh giá về những kết quả mà hệ thống ngân hàng đã đạt được trong thời gian qua, đại biểu Quốc hội Nguyễn Cao Sơn, đoàn Hòa Bình, đánh giá tín dụng tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước; thị trường ngoại hối, mặt bằng lãi suất tương đối ổn định; nợ xấu giảm còn 2,9%.

Tuy vậy, đại biểu Sơn cũng kiến nghị NHNN nghiên cứu giảm lãi suất tín dụng trung và dài hạn xuống dưới 7%/năm. Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc xử lý nợ xấu để khơi thông dòng vốn.

Về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, đoàn TP.HCM, cho rằng lạm phát Việt Nam hiện đang thấp hơn lạm phát bình quân của khu vực, dự kiến cuối năm sẽ được 2%, nhưng lãi suất đang ở mức cao.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, đoàn TP.HCM.

“Tại sao mình không kéo xuống được? NHNN sợ tỷ giá bất ổn? Nhưng cơ hội đã đến, đó là cơ hội từ hội nhập sâu rộng cho thấy đầu tư nước ngoài đang đổ vào đây. Báo cáo tháng 10 cho thấy dòng vốn nước ngoài đang đổ vào Việt  Nam, tỷ giá trong nước không lên nổi, từ 22.400 đồng/USD xuống còn 22.300 đồng/USD. Đây là cơ hội NHNN có thể giảm lãi suất mà không sợ cú sốc tỷ giá. Như vậy, chúng ta có thể tiến tới giảm lãi suất cho vay”, đại biểu Ngân bình luận.

Theo đại biểu Ngân, NHNN có thể giảm thêm 50 điểm lãi suất tái cấp vốn, từ 6,5% hiện tại xuống 6% để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp.

“Tôi nghĩ đây là thời cơ và có lẽ NHNN sẽ quyết định trong thời gian tới, còn thời gian nào thì tôi không rõ. Có thể ở thời điểm cuối năm nhu cầu vốn đang tăng, yếu tố tỷ giá đang lo ngại với đồng USD nên NHNN chưa có động thái. Nhưng mấy nay đồng NDT đang tăng lên, dòng vốn nước ngoài đang đổ vào Việt Nam. Điều đó cho thấy một tín hiệu là chúng ta đã có thể làm chủ được thị trường”, đại biểu Ngân nhận định.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, cho rằng có thể giảm lãi suất cho vay vì chênh lệch lãi suất tiền vay tiền gửi đang có biên độ rộng. Hiện nay, bình quân lãi suất cho vay hiện nay là 9%, bình quân huy động 4,5%. “Như vậy mức chênh khoảng 4%, với mức này thì có thể giảm được”, đại biểu Kiêm nhấn mạnh.

Một lý do nữa có thể giảm được lãi suất, đó là những khoản vay với lãi suất cao trong những năm trước đã giảm nhiều vì thời gian qua ngân hàng đã thu nợ và nhiều khoản vay đã đến kỳ đáo hạn. “Do vậy, tôi nghĩ rằng lãi suất cho vay cần phải giảm xuống, nhất là lãi suất cho vay trung và dài hạn sẽ giảm được chứ còn giảm mặt bằng chung thì khó”, đại biểu Kiêm bình luận.

Bình luận về việc tại sao lãi suất cho vay chưa giảm, đại biểu Kiêm cho rằng có 3 nguyên nhân. Thứ nhất, về tổ chức hoạt động của các ngân hàng chưa tốt, chất lượng tín dụng kém, chi phí hoạt động cao cho nên lãi suất không giảm xuống được.

Thứ hai là khả năng thiếu vốn, đặc biệt là vốn trung và dài hạn ở một số lĩnh vực vẫn còn, dù cho thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện. Cho nên những dự án hiệu quả đi vay vẫn gặp phải chịu mức lãi suất cao.

Thứ ba là vai trò kiểm tra giám sát của NHNN. “Có thể một thời điểm nào đó, một số sự việc nào đó khiến ngân hàng bức bách về vốn, chỗ nhiều khó khăn cho dòng vốn đến nên ngân hàng đã không tích cực trong việc thực hiện theo yêu cầu của chính sách tiền tệ khiến cho lãi suất cũng bị tăng lên. Do vậy, NHNN cần phải kiểm soát sao cho đảm bảo tính bình đẳng, cạnh tranh bình đẳng giữa các ngân hàng với nhau”, đại biểu Kiêm bình luận.

 

Theo Bizlive