clock

Tài Chính

05:45 02-10-2015

Đầu tư chứng khoán: Đợi dòng tiền "thông minh"

Dòng tiền vẫn đang tập trung vào những cổ phiếu có triển vọng kinh doanh tốt cuối năm.

Cuối tuần qua, theo thống kê sơ bộ, VN30 giảm 0,22% và HNX30 giảm 0,33%, trong khi nhóm vốn hóa vừa và nhỏ tăng trên cả hai sàn. Trong đó, nhóm cổ phiếu thanh khoản thấp thuộc ngành hàng tiêu dùng tăng khá tốt như LIX, DQC, TLG.

Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng ghi nhận sự tích cực về giá như KDH, HDG và điểm sáng của phiên thuộc về nhóm cổ phiếu ngành nhựa như BMP, TTP, đặc biệt DAG tăng trần lên 12.000 đồng/CP.

Theo chia sẻ của chuyên viên ngành, diễn biến giá cổ phiếu ngành nhựa đang cho thấy sự quan tâm của nhà đầu tư (NĐT) do đây là ngành đang được hưởng lợi từ sự giảm giá nguyên liệu đầu vào.

Trong tháng 8, giá bột nhựa HDPE và PVC tiếp tục giảm thêm lần lượt 8% và 6% so với tháng trước theo đà giảm của giá dầu. Do đó, kết quả kinh doanh quý III/2015 khả quan của các doanh nghiệp ngành nhựa là điều NĐT có thể chờ đợi.

Nhìn chung, kể từ cuối tháng 8 đến nay, thị trường đi ngang, thế nhưng cơ hội của NĐT vẫn lớn. Theo đó, ngoài các yếu tố tích cực về ngành (nêu trên), chỉ số giá tiêu dùng (CPI). 2 tháng liên tiếp giảm và lần đầu tiên CPI tháng 9 giảm 0,21% trong vòng 10 năm trở lại đây.

Tính từ đầu năm đến nay, CPI cả nước chỉ tăng 0,4%. Trong bối cảnh giá hàng hóa giảm, một số NĐT tỏ ra quan ngại về rủi ro giảm phát đối với nền kinh tế. Tuy vậy, giới chuyên môn cho rằng khả năng xảy ra giảm phát đối với Việt Nam là thấp.

Thực tế, lạm phát lõi theo năm (tức là GSO ước tính dựa trên chỉ số giá tiêu dùng sau khi loại trừ nhóm lương thực – thực phẩm, năng lượng và mặt hàng do nhà nước quản lý gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) hiện đang ở mức 2,15%, cao hơn lạm phát chung cho thấy giá cả vẫn đang nhích nhẹ.

CPI giảm trong thời gian qua chủ yếu là do suy giảm giá dầu thế giới dẫn đến chi phí vận chuyển và sinh hoạt thấp, trong khi hầu hết các mặt hàng khác đều ghi nhận chỉ số dương so với cùng kỳ 2014. Sang năm sau, CPI có thể tăng trở lại do hiệu ứng sụt giảm của giá dầu được phản ánh xong.

Như vậy, thách thức chung trên toàn cầu đang đặt các nhà điều hành chính sách trước hai rủi ro là giảm phát và suy giảm tăng trưởng. Trong khi đó, nhìn sang các nước trong khu vực, Ngân hàng Trung ương Đài Loan và Philippines đã có phản ứng trái chiều đối với định hướng điều hành chính sách tiền tệ.

Cụ thể, Đài Loan cắt giảm 12,5 điểm cơ bản lãi suất điều hành xuống còn 1,75%, trong khi Philippines giữ nguyên lãi suất điều hành ở mức 4%.

Đối với Việt Nam, xác suất để Ngân hàng Nhà nước giảm thêm lãi suất điều hành (lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng) là thấp vì có những yếu tố khác cần được ưu tiên hơn như tỷ giá và thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong khi giảm phát và suy giảm tăng trưởng chưa phải là nỗi lo.

Với diễn biến của chính sách, nhiều người dự báo chỉ số VN-Index cứ tiến về 575 là có bán, sau đó mua đối ứng, như ngày 28/8 và 10/9, đi cùng với biên độ được siết chặt.

Bởi theo kinh nghiệm, dòng tiền thông minh thường tham gia giai đoạn này, và dòng tiền lớn không nhất thiết mua một lần nhiều cổ phiếu, mà mua rải rác, vì biên độ hẹp, mua khối lượng lớn dễ tạo biến động giá mạnh.

Và tuy giá không thay đổi nhiều, thanh khoản không giảm mạnh, đáy sau cao hơn đáy trước, nên mặc dù đi ngang nhưng có thể là tín hiệu tích cực trong ngắn hạn.

Ở một kịch bản khác, chuyên viên phân tích của Công ty Chứng khoán VDSC cho rằng, thị trường khi đi ngang lâu thì khả năng sẽ có giũ bỏ để kiểm định nguồn cung.

Quá trình kiểm định cung sẽ xác định được những mã nào đầu tư nhỏ lẻ, tạm thời, xem lực cầu có thực sự hiện diện. Khi đó, dòng vốn lớn từ tổ chức và các nhóm tự doanh sẽ là nhân tố quan trọng tham gia đẩy thị trường, lúc đó giá cổ phiếu mới có thể tăng mạnh.

Xét từ cả hai kịch bản trên, giới phân tích khuyên NĐT nên duy trì quan điểm tham gia vào thị trường và tích lũy, với kỳ vọng VN-Index tiến tiếp lên 590, nhưng thời gian để chỉ số đạt mức này còn phụ thuộc vào sự tích cực của luồng thông tin sắp tới về kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp..

 

LAM ANH/ DNSG