clock

Thế Giới

11:24 26-10-2015

Dệt may Ấn Độ đang chờ thời điểm đổ bộ vào Việt Nam

Nhiều khả năng các DN dệt may Ấn Độ sẽ tranh thủ mở xưởng tại Việt Nam để lợi dụng những ưu đãi mà hiệp định TPP mang lại.

Việc thị trường Ấn Độ có nhiều bất lợi như sức ép cạnh tranh từ phía đối thủ ngày càng lớn, luật lao động chặt chẽ hơn, hệ thống cơ sở hạ tầng yếu kém và không có nhiều chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp là những nguyên nhân chính cho khả năng trên.

Đặc biệt, ngành dệt may tại đây đang cảm thấy lo ngại khi Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa được ký kết, qua đó cho phép nhiều loại hàng hóa của Việt Nam được miễn thuế khi vào thị trường Mỹ.

Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng các công ty sản xuất Ấn Độ có thể chuyển nhà máy đến Việt Nam để được hưởng lợi miễn thuế vào thị trường Mỹ cũng như các thị trường thành viên khác thuộc TPP. Trước đây, các doanh nghiệp Ấn Độ cũng đã từng dịch chuyển sang Bangladesh nhằm tận dụng việc giảm thuế xuất khẩu cũng như chi phí lao động rẻ hơn.

Theo tờ Financial Express, Việt Nam đã vượt qua Ấn Độ để trở thành nước xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ 3 thế giới. Mối đe dọa sẽ ngày một lớn hơn khi thị trường Mỹ hiện chiếm 22-30% hàng xuất khẩu may mặc của Ấn Độ trong vài năm qua, và DN Ấn Độ đang phải chịu mức thuế khoảng 14-32% tại Mỹ.

Trong khi đó, với TPP, sẽ có 12 nước thành viên, kể cả Việt Nam, được nhận những ưu đãi đặc biệt về thuế quan. Hơn nữa, tầm ảnh hưởng của hiệp định thương mại tự do này cũng lớn khi chiếm 40% GDP toàn cầu và là thỏa thuận thương mại lớn thứ 3 thế giới.

Giám đốc điều hành Shailesh Pathak của tập đoàn Bhartiya Group cho biết họ đang tạo ra 6.000 việc làm tại Chennai và Bengaluru- Ấn Độ, và rất có thể 4.000 việc làm trong đó sẽ chuyển sang thị trường Việt Nam trong 12 tháng tới.


 

Tuy nhiên, một số công ty dệt may khác vẫn còn lo lắng bởi những rủi ro tiềm tàng từ thị trường Việt Nam và quyết định chờ cho đến khi nội dung Hiệp định TPP được công bố toàn bộ, được dự kiến là vào tháng tới.

Giám đốc Naishadh Parikh của Arvind Mills và là chủ tịch mới được bổ nhiệm của Liên đoàn Công nghiệp Dệt may Ấn Độ (CITI) nhận định thỏa thuận TPP cho thấy một nguy cơ dịch chuyển đầu tư và việc làm từ Ấn Độ sang các nước thành viên trong nhóm TPP, đặc biệt là Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến khi nội dung hiệp định trên được công bố hoàn toàn thì quyết định chuyển bớt việc làm khỏi Ấn Độ là còn quá sớm do động thái này cũng chịu nhiều yếu tố tác động khác, như độ quen thuộc với thị trường.

Ông Parikh cho biết theo các thông tin được tiết lộ, những thành viên hiệp định TPP phải tuân thủ các tiêu chuẩn theo quy định của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Điều này đồng nghĩa với việc chi phí nhân công của một số doanh nghiệp tại những nước thành viên TPP chưa đáp ứng được tiêu chuẩn này có thể sẽ tăng lên.

Bên cạnh đó, vấn đề nguyên vật liệu ngành may mặc cũng đang là mối quan tâm của nhiều công ty Ấn Độ. Quy định của Mỹ về nguyên liệu may mặc có thể yêu cầu các nhà máy của những nước thành viên phải sử dụng sợi vải của các quốc gia trong hiệp định TPP nểu muốn được hưởng ưu đãi về thuế.

Chủ tịch SP Oswal của tập đoàn Vardhman cho rằng một quy định như vậy sẽ khiến Việt Nam buộc phải tăng sản lượng sản xuất sợi vải cũng như các thiết bị khác để sản xuất cho xuất khẩu sang thị trường Mỹ hoặc phải mua những nguyên liệu này từ các nước thành viên TPP khác. Nếu như điều này xảy ra, những công ty Ấn Độ xuất khẩu sợi vải và các trang thiết bị dệt may sang thị trường Việt Nam sẽ gặp nhiều thiệt hại.

Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu may mặc của Việt Nam đạt 21 tỷ USD, chỉ đứng sau Trung Quốc và Bangladesh, nhưng kim ngạch xuất khẩu vải dệt chỉ đạt 3 tỷ USD. Trên thực tế, ngành sản xuất hàng may mặc của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào vải dệt từ những nước khác, như Ấn Độ. Từ năm 2014 đến nay, kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ chỉ đạt 16,85 tỷ USD nhưng kim ngạch xuất khẩu vải dệt lại đạt 20,81 tỷ USD.

Theo ông Oswwal, các doanh nghiệp dệt may Trung Quốc sẽ tận dụng lợi ích từ hiệp định TPP và đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam nhằm hưởng ưu đãi thuế quan vào thị trường Mỹ. Trong tình hình chi phí lao động gia tăng tại Trung Quốc, các công ty nước này đang tìm kiếm những thị trường tiềm năng khác để dịch chuyển sản xuất và hiệp định TPP, cũng như vị trí đại lý, khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn. Báo cáo của hang CII Wazir cho thấy chi phí lao động tại Trung Quốc đã tăng gấp 3 lần trong 7 năm qua.

Hiện tại, thị phần của xuất khẩu dệt may Ấn Độ và thị trường Mỹ không tăng trưởng nhiều, chiếm 5,2% năm 2005 và chỉ chiếm 6,3% năm 2014, do sự bùng nổ của các doanh nghiệp Việt Nam. Theo báo cáo của chính phủ Mỹ, thị phần hàng dệt may Việt Nam tại Mỹ đã tăng từ 3,2% năm 2005 lên 9,3% năm 2014.

Việc ký kết hiệp định TPP khiến ngành dệt may Ấn Độ đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Trước đó, ngành dệt may của quốc gia này đã gặp bất lợi trước các đối thủ cạnh tranh như Bangladesh và Pakistan khi họ được miễn thuế vào thị trường Liên minh Châu Âu (EU), vốn cũng là một thị trường xuất khẩu hàng may mặc lớn của Ấn Độ.

Rõ ràng, các công ty dệt may Ấn Độ sẽ có lợi thế nhất định khi dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam, nhưng với tình trạng thiếu nguyên liệu bông cũng như vải dệt, hiện chưa có nhiều tập đoàn may mặc Ấn Độ sẵn sang dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam ngay lúc này. Một quan chức cấp cao của tập đoàn dệt may Gurgaon cho rằng để xây dựng một nhà máy sản xuất tại Việt Nam nhằm tận dụng ưu đãi thuế quan, các công ty Ấn Độ sẽ phải đầu tư khoảng 10 tỷ Rupee. Trong tình hình kinh tế giảm tốc hiện nay, không có nhiều công ty Ấn Độ có đủ khả năng dịch chuyển sản xuất và đầu tư ngay lập tức sang thị trường khác như vậy.

Hơn nữa, kể cả khi các doanh nghiệp Ấn Độ đã sẵn sang đầu tư vào Việt Nam, ngành dệt may Trung Quốc đã chiếm trước ưu thế khi đầu tư sớm vào đây.

Về phía Ấn Độ, nước này đang có những động thái nhằm hỗ trợ ngành dệt may như đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với 15 nước khác. Chính quyền Bombay cũng dự kiến khoản cho vay 300 triệu USD nhằm xây dựng khu công nghiệp dệt may gần thành phố Hồ Chí Minh cũng như thúc đầy sự tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp Ấn Độ và Việt Nam.

Hiệp định TPP mới được ký kết gần đây đã khiến nhiều quốc gia được hưởng lợi trong ngành dệt may, như Mexico, nhưng Việt Nam là nước có thể gây tổn thương nhiều nhất cho Ấn Độ. Rõ ràng, khoản đầu tư 300 triệu USD của chính phủ Ấn Độ có vẻ quá nhỏ để có thể tạo nên những ảnh hưởng tích cực đáng kể.

Trong khi đó, những bất lợi tại thị trường Ấn Độ đã khiến nhiều công ty may mặc dịch chuyển khỏi quốc gia này trong những năm gần đây. Hãng Raymond đã đầu tư 100 triệu USD tại Ethiopia, còn nhiều công ty khác đã dịch chuyển sản xuất sang Bangladesh. Một số doanh nghiệp dệt may Ấn Độ thì đang xem xét mua lại nhà máy sản xuất tại Uzbekistan và Kazakhstan.

Nam Hoàng/ Trí Thức Trẻ