clock

Trong Nước

14:09 14-12-2015

Đi tìm ly sữa học đường đúng chuẩn

Tới đây, các chủ nhân tương lai của đất nước sẽ sử dụng loại sữa tốt nhất được sản xuất ngay trên đồng đất Việt Nam. Đó là một quá trình khó khăn, vượt qua nhiều ràng buộc.

“Cơ duyên” giữa những bà mẹ lo xa

Sữa học đường là hoạt động mang tính toàn cầu do Liên Hợp quốc kêu gọi trong 1 thế kỷ qua và đã có 40 quốc gia hưởng ứng.

Với Việt Nam, dù ngân sách eo hẹp, nhưng từ năm 2011, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án tổng thể Phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030; trong đó có chương trình sữa học đường quốc gia, giao Bộ Y tế chủ trì.

Chưa có đề án tổng thể, nhưng nhiều nơi, chính quyền địa phương, phụ huynh học sinh và doanh nghiệp đã chủ động tổ chức cho trẻ uống sữa ở trường. Bộ Y tế đang xây dựng chuẩn mực đối với ly sữa dành cho lứa tuổi học trò.

Do chưa có hành lang pháp lý nên việc chọn sữa cho trẻ không đồng nhất, dễ biến tướng. Sữa dởm vào trường học tại Tiền Giang hay sữa học đường bị làm “xiếc” tại Hải Phòng chỉ là vài trong số nhiều sự lùm xùm mà báo chí đưa ra.

Bởi, trường học nhiều khi cũng là “thành trì” khó vượt nếu các bậc phụ huynh muốn xem con cái mình ăn uống những gì. GS.TS Lê Thị Hợp, nguyên Viện trưởng Dinh dưỡng quốc gia kể: Năm 2013, Viện đi khảo sát tại huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An.

Tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ diễn ra phổ biến. Biết Nghĩa Đàn là nơi Tập đoàn TH sản xuất ra sữa tươi TH true MILK đang “làm mưa làm gió” trên thị trường, bà muốn gặp Chủ tịch Tập đoàn này để kêu gọi tài trợ nguồn sữa, cải thiện tình hình.

Khi đó, bà Thái Hương – Chủ tịch Tập đoàn TH cũng đang ấp ủ thực hiện chương trình sữa học đường và cách làm của nữ doanh nhân táo bạo này là phải tìm bằng được công thức sữa giàu dinh dưỡng, phù hợp nhất cho trẻ Việt Nam ở lứa tuổi vàng (từ 2-12 tuổi) làm tiền đề triển khai.

“Như một cơ duyên, chưa kịp tìm đến gặp thì chị Thái Hương gọi điện, đề nghị cùng phối hợp tiến hành thực nghiệm ngay tại Nghĩa Đàn. Tôi báo cáo Bộ trưởng Y tế và được đồng ý ngay” – bà Hợp kể.

Sau đó, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, chuyên gia Pháp cùng TH thực nghiệm nghiên cứu lâm sàng công thức sữa học đường trên 3.600 học sinh tại 12 trường học tại đây.

Sản phẩm nghiên cứu ra được đặt tên TH School Milk, sản xuất hoàn toàn từ sữa tươi của TH, bổ sung vi chất phù hợp với thể trạng của trẻ. Mỗi học sinh uống 1 ly/ngày, 5 ngày/tuần, liên tục trong năm học 2013-2014.

“Các chỉ số chiều cao, cân nặng và tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng được cải thiện rõ rệt. Những ngày triển khai chương trình, Bộ trưởng Y tế yêu cầu báo cáo thường xuyên; bà Thái Hương liên tục gọi điện hỏi thăm tình hình” – bà Hợp nói.

TH School Milk sau đó được Bộ Y tế xác nhận có hiệu quả trong cải thiện tình trạng dinh dưỡng và vi chất dinh dưỡng của trẻ em.

Tháng 6/2015, sản phẩm này được công nhận là thực phẩm tốt nhất ASEAN. Đây cũng là cơ sở để Bộ Y tế nghiên cứu và ban hành quy chuẩn sữa học đường quốc gia.

Dùng sữa tươi: Tốt cho trẻ, khỏe người nuôi bò

Chất lượng sữa học đường nhận được sự quan đặc biệt của các lãnh đạo cấp cao. Tháng 9 năm 2014, trong lễ phát động Chương trình Sữa học đường Vì tầm vóc Việt, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân kêu gọi các doanh nghiệp thi đua để sản xuất ra sữa học đường có chất lượng cao, giá cả hợp lý.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam – người trực tiếp chỉ đạo Chương trình Sữa học đường cũng yêu cầu: “Chúng ta hãy chung tay để các con, cháu lớn khôn bằng dòng sữa mẹ và bằng cả những dòng sữa thấm đẫm tình yêu, trách nhiệm, niềm tin và cả niềm tự hào...".

Tuy nhiên, đưa sữa vào học đường tự thân là cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sữa. Nhiều hãng sữa đã áp dụng các chương trình khuyến mãi, trích hoa hồng lên đến 50% đã bóp méo chất lượng, biến trường học gần như một “chợ” sữa.

Dù không lộ rõ nhưng đây cũng là cuộc cạnh tranh âm ỉ nhưng không kém phần quyết liệt giữa dòng sữa bột (là những nhà nhập khẩu lâu năm, tiềm lực mạnh, lợi nhuận cao) với doanh nghiệp nuôi bò, sản xuất sữa trong nước.

Vượt qua những điều đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thẳng thắn, công khai nói về định hướng trong câu chuyện nhạy cảm này:

“Bộ Y tế lo ngại sữa kém chất lượng tràn vào trường học. Vì thế, trong nội dung chương trình, chúng tôi đã soạn thảo xong quy định về tiêu chuẩn sữa học đường, làm từ sữa tươi nguyên liệu có bổ sung vi chất dinh dưỡng phù hợp với thể trạng trẻ em Việt Nam”.

Việc lựa chọn sữa tươi làm nguyên liệu cho sữa học đường là lựa chọn phổ biến, mang tính bắt buộc tại hầu hết các quốc gia. Bởi vì, khác với sữa bột (được chế biến qua nhiệt, chất dinh dưỡng bị biến đổi hoặc chủ động tách ra làm sản phẩm khác), sữa tươi tốt nhất cho lứa tuổi học trò khi giữ nguyên được các giá trị dinh dưỡng.

Ngoài ra, nữ Bộ trưởng Y tế còn nêu một ý nghĩa quan trọng không kém khi lựa chọn sữa tươi:

“Với hơn 12 triệu học sinh mầm non, tiểu học trong cả nước sẽ cần hơn 87 triệu lít sữa tươi. Điều này thực sự là động lực khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, chế biến sữa tươi trong nước phát triển”.

Học sinh trường tiểu học thị trấn Nghĩa Đàn uống sữa tươi sạch TH School MILK trong đợt kiểm nghiệm lâm sàng chất lượng sữa.

Ở Việt Nam, do công nghệ chăn nuôi trước đây chưa khắc phục được khó khăn về khí hậu nên sản lượng/chất lượng sữa bò tươi chưa đáp ứng được nhu cầu.

Người dân chủ yếu sử dụng sữa bột (tồn tại ở các dạng sản phẩm: sữa bột đóng hộp, sữa đặc hoặc sữa dạng lỏng pha lại từ sữa bột). Cho đến năm 2008, sữa bột nhập khẩu để chế biến sữa nước vẫn ở mức 92%.

Nói về ý nghĩa của việc ban hành Quy định về tiêu chuẩn sữa học đường - cũng là “luật chơi” mà các doanh nghiệp phải tuân thủ, bà Thái Hương nói:

“Sau khi Nhà nước ban hành Quy định về tiêu chuẩn sữa học đường, không chỉ tập đoàn TH mà bất cứ doanh nghiệp nào đủ điều kiện sản xuất cũng có thể đấu thầu tham gia Shương trình Sữa học đường, góp sức cho tương lai”.

Với bà, quan trọng nhất phải là cái tâm:

“Hãy làm sữa học đường bằng tình thương của người mẹ. Làm thế, chúng ta mới đồng hành thực sự với cải cách giáo dục, tạo ra cuộc cách mạng về nguồn lực xã hội. Lớn lên bằng sữa học đường, các em sẽ có lòng biết ơn và quay lại đóng góp cho đất nước. Với tôi, làm được sữa học đường sẽ không cần đi chùa nữa”.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2014, sản xuất sữa tươi trong nước tăng mạnh, đạt mức 549,5 triệu lít sữa tươi, gấp nhiều lần nhu cầu 87 triệu lít sữa tươi dành cho trường học, kéo sữa bột nhập khẩu xuống dưới 70%.

Theo Trí Thức Trẻ