clock

Trong Nước

12:40 16-11-2015

Điểm lại “lời hứa” của các bộ trưởng

Theo chương trình nghị sự, từ sáng 16/11 đến hết buổi sáng ngày 18/11, tất cả các thành viên Chính phủ, Thủ tướng, Phó thủ tướng và các bộ trưởng đều phải có mặt để trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội. Hình thức chất vấn rất khác và các bộ trưởng không có nội dung chuẩn bị trước như các kỳ họp trước.

Từ trái qua phải: Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang.

Theo đó, hình thức chất vấn cuối nhiệm kỳ sẽ đánh giá lại toàn bộ việc thực hiện của Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm soát Nhân dân tối cao đối với các Nghị quyết về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ khóa 13 đến năm 2015.

Để có cái nhìn toàn cảnh, BizLIVE xin điểm qua một số nội dung, lĩnh vực là vấn đề nóng được đại biểu Quốc hội chất vấn và được đưa vào 8 Nghị quyết Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

“Nếm phân bằng lưỡi”… sao phân giả vẫn tràn lan?

Đăng đàn trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã trả lời các đại biểu Quốc hội về các vấn đề quanh thực trạng ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế tạo, quản lý thị trường trước gian lận thương mại…

Khi đó, để nói về sự nhiệt tình, công tâm của cán bộ thị trường, trưởng ngành công thương đã dùng từ “nếm phân bằng lưỡi” để miêu tả. Vậy đến nay, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đã được xử lý thế nào?

 Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng

Tại phiên thảo luận kinh tế xã hội ngày 2/11, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, đoàn Ninh Thuận cho biết tình trạng phân bón giả không hề thuyên giảm. Theo ước tính của đại biểu, mỗi năm chúng ta thiệt hại khoảng 2 tỷ USD do sử dụng phân bón giả, phân bón kém chất lượng.

“Thực trạng này thì rất dễ nhận thấy, nhưng giải pháp khắc phục cho đến nay vẫn không mấy mang lại hiệu quả và cách xử lý thì chưa thật nghiêm minh”, đại biểu Cương bức xúc.

Về vấn nạn hàng giả hàng nhái, hàng lậu cũng được chương trình giám sát Quốc hội đánh giá chưa hiệu quả. Tình trạng này vẫn tràn lan và gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng, gây thất thu ngân sách Nhà nước và đẩy các doanh nghiệp làm ăn chân chính vào khó khăn, ảnh hưởng đến các nhà đầu tư.

Đề nghị Chính phủ nghiên cứu sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan không còn phù hợp với tình hình hiện nay nhất là đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường để ngăn chặn và xử lý các hành vi buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Một nội dung nữa cũng được đưa vào Nghị quyết Quốc hội đó là triển khai thị trường cạnh tranh đối với điện, than, xăng nhưng theo đánh giá của Quốc hội thì việc thực hiện còn chậm.

Đối với giá điện, giá xăng dầu, theo báo cáo của Chính phủ mới đang dừng ở mức từng bước tổ chức thực hiện quản lý giá điện, giá xăng dầu theo nguyên tắc thị trường có sự điều tiết của Nhà nước và theo xu hướng giá thế giới; các văn bản quy phạm pháp luật về điều tiết giá điện và vận hành thị trường điện còn chưa thật đầy đủ, cần tiếp tục xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động kinh doanh điện.

Bình ổn giá… còn rất bất cập

Trưởng ngành tài chính sẽ phải đối diện với những câu hỏi khá gai góc của các đại biểu Quốc hội khi giải pháp điều hành giá của các mặt hàng xăng, học phí, viện phí… trong thời gian qua có thời điểm còn chưa thật sát thực tế. Việc triển khai giá dịch vụ khám chữa bệnh tại cơ sở y tế công lập còn chậm so với lộ trình. Mặc dù giá tăng nhưng chất lượng dịch vụ có lúc, có nơi còn chưa tương xứng với mức tăng giá dịch vụ khám, chữa bệnh.

Việc công khai, minh bạch trong quản lý giá còn bất cập. Công tác bình ổn giá vẫn còn những tồn tại nhất định; tác động của chính sách bình ổn giá đến thị trường chưa nhiều; việc triển khai còn những hạn chế và chưa kịp thời. Một số văn bản về quản lý giá còn chưa bảo đảm tính thống nhất, việc ban hành ở địa phương còn chậm, chất lượng chưa cao, cứng nhắc, không phù hợp.

Việc quản lý các doanh nghiệp thẩm định giá vẫn còn bất cập, còn tình trạng đưa ra các kết luận thẩm định thiếu chính xác hoặc thiếu cơ sở, cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm đạo đức nghề nghiệp; việc quản lý thẻ của thẩm định viên còn chưa thật chặt chẽ.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng

Vấn đề gây bức xúc cho giới đầu tư trong và ngoài nước trong thời gian qua đó là cơ cấu lại thị trường chứng khoán, bảo hiểm. Tuy nhiên, đến nay việc phát triển, phân định các khu vực thị trường cổ phiếu, trái phiếu và hình thành thị trường sản phẩm phái sinh còn hạn chế; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa đạt hiệu quả cao.

Ngân sách và nguồn thu ngân sách luôn là điểm nóng. Hầu như, kỳ họp nào vấn đề ngân sách cũng tốn nhiều giấy mức của báo chí. Vậy nhưng vấn đề này gần như chưa có nhiều giải pháp mạnh. Đỉnh điểm bức xúc của đại biểu tại kỳ họp này, đó là tình trạng hụt thu ngân sách và Chính phủ “xin” 10.000 tỷ đồng tiền bán cổ phần để chi thường xuyên.

Trong khi đó tình trạng nợ đọng thuế vẫn không có giải pháp. 76.000 tỷ đồng tiền nợ đọng thuế của doanh nghiệp còn đó mà ngành tài chính chưa có giải pháp quyết liệt để xử lý.

Bên cạnh đó, tốc độ tăng nợ công nhanh hơn tốc độ tăng thu ngân sách Nhà nước trong khi tốc độ tăng GDP thấp ảnh hướng tới tính bền vững; cơ cấu nợ công chưa hợp lý; việc quản lý, sử dụng vốn vay cũng chưa thật sự đạt hiệu quả cao.

Sẽ đòi nợ vụ "bôi trơn" sổ đỏ tại Hà Nội

Hay như Bộ Tài nguyên và môi trường với điểm nóng về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, sai phạm trong việc quản lý và sử dụng đất, giải quyết khiếu nại của công dân về đất, ô nhiễm môi trường… Nhiều đại biểu Quốc hội cho biết sẽ “đòi nợ” Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường về sai phạm trong việc cấp sổ đỏ ở Hà Nội và tình trạng ô nhiễm môi trường của nhiều doanh nghiệp xả thải trực tiếp ra môi trường mà không qua xử lý…

Theo đánh giá của Quốc hội, việc xử lý giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai vẫn chưa tốt. Các cơ quan hành chính nhà nước chưa giải quyết dứt điểm 528 vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài. Hiệu quả thanh tra trách nhiệm chưa cao; việc thực thi pháp luật, kỷ cương, kỷ luật trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo chưa nghiêm; việc quản lý và sử đụng đất đai có nhiều sai phạm. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai chưa được triển khai ở nhiều địa phương do khó khăn về kinh phí. Tiến độ phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn chậm.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang.

Mặc dù đã đưa vào Nghị quyết Quốc hội, tuy nhiên, việc xử lý tình trạng gây ô nhiễm môi trường vẫn chưa được xử lý hiệu quả.

Trong số 209 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động vẫn còn 20 khu công nghiệp chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đối với 165 khu công nghiệp đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung thì công suất xử lý nước thải của một số khu còn chưa đáp ứng được lượng nước thải phát sinh.

Việc triển khai xây dựng, hoàn thiện chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển khu kinh tế ven biển mới chỉ dừng lại ở khâu “rà soát” nên chưa đáp ứng yêu cầu tại Nghị quyết của Quốc hội. Chất lượng quy hoạch một số khu kinh tế chưa tốt, đầu tư phát triển còn dàn trải, cơ cấu đầu tư trong khu kinh tế chưa hợp lý; còn dựa vào nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, chưa huy động được nhiều các nguồn lực xã hội; thiếu chiến lược thu hút các dự án đầu tư mang tính động lực, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển ngành và lĩnh vực tại từng khu kinh tế.

Các trưởng ngành khác cũng sẽ phải trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những lời hứa của mình trong thời gian qua nhưng chưa thực hiện hiệu quả như Bộ Kế hoạch và đầu tư với tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, chậm cổ phần hóa, tái cơ cấu..

Hay như Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn với tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, tái cơ cấu chậm, chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chậm được triển khai…

Hay như Bộ Xây dựng với những sai phạm trong xây dựng, thi công, dự án, chất lượng công trình thấp, triển khai nhà ở xã hội còn chậm, quản lý đô thị chưa tốt… Rồi Bộ Giao thông vận tải với tình trạng ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, bến đỗ…

Bộ Y tế với những bất cập trong việc xử lý giảm tải trong các bệnh viện tuyển trên, bảo hiểm y tế, y đức và chất lượng khám, chữa bệnh, xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về khám, chữa bệnh và bảo hiểm y tế, tăng cường năng lực giám định bảo hiểm y tế…

Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Văn hóa và du lịch cũng sẽ phải đối mặt với những câu hỏi về trách nhiệm và lời hứa của mình trong thời gian qua nhưng chưa được thực hiện một cách hiệu quả.

Hay như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình với những câu hỏi chất vấn về giải pháp ngân hàng 0 đồng, nợ xấu, tình trạng vàng giả…

 

Theo Bizlive