clock

Trong Nước

08:54 07-03-2023

Diễn biến lạ của cổ phiếu công ty cà phê sau màn "cầu cứu" vì tăng giá 21 lần trong 1 tháng

Giá cổ phiếu CFV liên tục tăng trần trong bối cảnh kết quả kinh doanh năm 2022 của công ty sụt giảm so với năm trước.

11 phiên tăng trần lạ lùng của CFV

Ngày 15/8/2022, thị trường chứng khoán trong nước chứng kiến sự tăng giá bất thường của mã cổ phiếu CFV của CTCP Cà phê Thắng Lợi. Trong vòng 1 tháng trời, CFV đã có đến 23 phiên tăng trần liên tục, không ngừng nghỉ.

Điều này đã kéo thị giá của cổ phiếu công ty cà phê này từ mức 4.300 đồng/cổ phiếu lên mức 91.300 đồng/cổ phiếu (16/9/2022) tương đương mức tăng 2.123% chỉ trong vòng hơn 1 tháng trời. Điều đáng nói là thanh khoản rất thấp, chỉ khoảng 100 - 300 cổ phiếu/phiên.

Trước sự tăng giá bất thường này, công ty đã có văn bản giải trình gửi đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

“Việc cổ phiếu công ty liên tục tăng trần và khối lượng như vậy là rất bất thường, tất cả các phiên tăng trần chỉ có một lệnh đặt mua và bán giá trần trong phiên. Công ty nghi ngờ có một số cá nhân lợi dụng lỗ hổng của TTCK tác động đến giá cổ phiếu công ty vì động cơ cá nhân”, văn bản CFV ghi.

“Để đảm bảo giá trị cổ phiếu về đúng giá trị thực, minh bạch thông tin trên thị trường, Công ty đề nghị UBCKNN và HNX tiến hành kiểm tra các cá nhân thực hiện giao dịch dẫn tới việc biến động tăng trần bất thường của CFV”, Cà phê Thắng Lợi bày tỏ mong muốn.

Sau màn "cầu cứu" này, cổ phiếu CFV đã lao dốc một chặp với hàng loạt phiên giảm sàn, số phiên tăng giá chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, màn giảm giá này đã chính thức kết thức vào ngày 17/2/2023 vừa qua.

Diễn biến lạ của cổ phiếu công ty cà phê sau màn cầu cứu vì tăng giá 21 lần trong 1 tháng - Ảnh 1.

Biến động giá cổ phiếu CFV. Nguồn: Cafef

Sau phiên giao dịch ngày 17/2, cổ phiếu này dừng lại ở mức 8.600 đồng/cổ phiếu. 11 phiên tiếp theo đó, từ phiên giao dịch ngày 20/2 đến phiên giao dịch sáng nay ngày 6/3, CFV lại tăng trần liên tục.

Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, cổ phiếu này đã tăng trần lên mức 44.600 đồng/cổ phiếu, có 600 cổ phiếu được khớp lệnh. Như vậy, chỉ trong có vài ngày mà cổ phiếu này đã tăng giá gần 520%, một mức tăng không thể tin nổi với mã cổ phiếu luôn có thị giá bọt bèo như cốc trà đá.

Trước đó, ngày 2/3/2023, cà phê Thắng Lợi đã có văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội về việc giá cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp từ 24/2 - 2/3/2023. CFV cho biết giá cổ phiếu tăng trần hoàn toàn do diễn biến của thị trường chứng khoán. Do đó, Công ty không có cơ sở để giải trình liên quan giá cổ phiếu tăng trần liên tiếp.

Cà phê Thắng Lợi kinh doanh ra sao?

 

Công ty TNHH MTV cà phê Thắng Lợi là doanh nghiệp nhà nước được thành lập ngày 20/04/1977, với chức năng nhiệm vụ chính là trồng và chăm sóc, kinh doanh cà phê xuất khẩu và các mặt hàng nông sản.

Công ty có 4 phòng chuyên môn nghiệp vụ và 17 đơn vị sản xuất, phục vụ trực thuộc. Công ty đang quản lý tổng nguồn vốn của nhà nước tại công ty là 131 tỷ đồng.

Tại Đắk Lắk, Cà phê Thắng Lợi sở hữu diện tích đất đai lên đến 2.081,19 ha, trong đó 1.822,39 ha là đất trồng cây lâu năm; 258,81 ha đất sản xuất nông nghiệp; 18,63 ha là đất lâm nghiệp.

Diễn biến lạ của cổ phiếu công ty cà phê sau màn cầu cứu vì tăng giá 21 lần trong 1 tháng - Ảnh 2.

Công nhân phơi cà phê. Ảnh: CFV.

Ngày 3/6/2019, cổ phiếu của Công ty chính thức được giao dịch trên thị trường UPCoM, với vốn điều lệ ban đầu hơn 62 tỷ đồng. Theo báo cáo quản trị bán niên 2022, tính đến nay, vốn điều lệ Công ty đã tăng lên hơn 126 tỷ đồng, với 2 cổ đông lớn là UBND tỉnh Đắk Lắk (nắm giữ 36% cổ phần, tương đương hơn 4.5 triệu cổ phiếu) Công ty do ông Đỗ Hoàng Phúc - Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của CFV.

Giá cổ phiếu CFV liên tục tăng trần trong bối cảnh kết quả kinh doanh năm 2022 của công ty sụt giảm so với năm trước.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2022 có thể thấy, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của CFV trong năm đạt gần 451 tỷ đồng, tăng hơn 28% so với năm 2021. Tuy nhiên, biên lãi gộp giảm làm lợi nhuận gộp đi lùi, kéo theo lãi sau thuế chỉ bằng khoảng 20% năm trước, với 1.2 tỷ đồng.

Doanh thu hoạt động tài chính đạt 6,5 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính là 4 tỷ đồng. Giá vốn bán hàng cũng tăng mạnh từ 326 tỷ đồng năm 2021 lên 433 tỷ đồng.

Lợi nhuận gộp giảm 32% về còn 17,86 tỷ đồng. Trừ đi thuế phí, đơn vị báo lãi sau thuế 1,2 tỷ đồng, giảm 79,66% so với năm 2021 và so với mục tiêu lãi 4 tỷ đồng được đề ra tại ĐHĐCĐ 2022 thì công ty chỉ hoàn thành 30% kế hoạch.

Trong danh mục tiền của công ty cũng có sự suy giảm mạnh, từ mức 8,3 tỷ đầu của đầu quý đến hết năm chỉ còn 1,1 tỷ đồng. Trong đó giảm mạnh nhất là tiền gửi ngân hàng, chỉ còn 731 triệu đồng, dù trước đó đầu quý con số này lên đến gần 8,3 tỷ đồng.