clock

Thị Trường

08:22 14-11-2022

Điều chỉnh tăng tiếp chi phí xăng dầu?

Sau khi đã nâng chi phí đưa xăng dầu về nước tại kỳ điều chỉnh ngày 11.11 vừa qua, Bộ Tài chính ngày 12.11 tiếp tục đề nghị Bộ Công thương, doanh nghiệp đầu mối rà soát, đánh giá và báo chi phí cụ thể của mặt hàng xăng dầu để tính toán có thể nâng tiếp vào kỳ điều chỉnh giá tới.

Gián tiếp đánh mất “gien” tự chủ của doanh nghiệp
Theo công văn số 11758, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công thương, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu khẩn trương rà soát đánh giá việc thực hiện và báo cáo nội dung chi phí. Trong đó bao gồm chi tiết chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về VN, premium trong nước (khoản chênh lệch giữa giá trong nước so với thế giới - PV) và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng. Trong đó, lưu ý các khoản chi phí vận chuyển, bảo hiểm, hao hụt, giám định… và không bao gồm thuế giá trị gia tăng. Thời kỳ thu thập số liệu báo cáo từ ngày 21.10 - 14.11.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề nghị các báo cáo phải có sự so sánh, phân tích đánh giá so với kỳ báo cáo trước và kiến nghị, đề xuất gửi về Bộ trước 10 giờ ngày 15.11. “Các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu báo cáo trung thực, chịu trách nhiệm trước pháp luật và các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tính chính xác, hợp lý, hợp lệ của các thông tin, số liệu báo cáo của mình”, Bộ Tài chính lưu ý.

Một số cửa hàng tại TP.HCM vẫn treo bảng hết xăng trong 2 ngày qua  NG.NGA

Đề nghị trên của cơ quan điều hành giá đưa ra chỉ một ngày sau công điện của Thủ tướng Chính phủ về quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu 2 Bộ trưởng Bộ Tài chính, Công thương và các doanh nghiệp (DN) đầu mối định kỳ trước ngày 20 hằng tháng phải rà soát, tổng hợp, thống kê các chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu, chủ động xem xét điều chỉnh theo quy định, bảo đảm sát thực tiễn của thị trường và hoạt động kinh doanh của DN. “Thực hiện ngay nhiệm vụ này để phục vụ kỳ điều hành giá ngày 21.11.2022”, công điện của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 8.11, căn cứ số liệu do 28 DN đầu mối cung cấp, Bộ Tài chính đã điều chỉnh tăng chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về VN, với xăng E5 RON92 đã tăng thêm 290 đồng lên 640 đồng/lít và xăng RON95 tăng thêm 560 đồng lên 1.280 đồng/lít. Tuy nhiên, qua theo dõi, Bộ Tài chính cho rằng chi phí định mức này đã cao hơn chi phí nhập khẩu thực tế của các lô xăng dầu gần đây.

Cụ thể, ngày 20.10, Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex) nhập một lô xăng RON92 có chi phí là 359 đồng/lít (định mức là 640 đồng/lít); RON95 là 819 đồng/lít (trong khi định mức là 1.280 đồng/lít). Kế đó, ngày 6.11, một lô cũng của Petrolimex vừa về tới cảng có chi phí là 458 đồng/lít đối với RON92 và 803 đồng/lít đối với RON95, đều thấp hơn chi phí định mức Bộ Tài chính mới sửa đổi ngày 8.11. Số liệu mà Bộ Tài chính có để tính toán dựa trên số liệu thực tế mà DN nhập và kê khai tại cảng.

Liệu có phải cơ chế điều hành thị trường xăng dầu của chúng ta đã gián tiếp đánh mất “gien” tự chủ trong kinh doanh, nên buộc phải duy trì cơ chế áp giá cơ sở ?

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách

Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng yêu cầu của Bộ Tài chính thực chất là xem xét các số liệu một cách chi tiết nhất, làm theo chỉ đạo nóng của Thủ tướng. Nếu thấy chi phí bất hợp lý, gây bất lợi cho DN, phải điều chỉnh tiếp cho sát thực tế thì thị trường mới hết đứt gãy được.

Theo TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, về cơ bản thì sẽ không bao giờ có một công thức hay mô hình siêu tính toán nào lại “thắng” được quy luật cạnh tranh, giá cả nhằm bảo đảm cân bằng cung - cầu trong nền kinh tế thị trường được. Trong kinh doanh, có lúc thắng, lúc thua, lời ăn lỗ chịu, mạo hiểm mới gọi là kinh doanh. Nếu để các DN tự quyết, việc kêu lỗ lã, chi phí này nọ sẽ không xảy ra. Tự vận hành và tự chịu trách nhiệm. Nếu chúng ta cứ “chạy theo DN” khi làm chính sách không theo cơ chế thị trường thì chấp nhận rủi ro là khả năng cạnh tranh trong thị trường của DN ngành xăng dầu sẽ bị thui chột, đánh mất đi độ nhạy bén cũng như tính sẵn sàng chấp nhận rủi ro.


“Chúng ta vẫn cứ phải loay hoay chỉnh sửa cơ chế áp giá cơ sở vốn dĩ đã bộc lộ quá nhiều bất cập mà không thể mạnh dạn có những thay đổi mang tính đột phá. Liệu có phải cơ chế điều hành thị trường xăng dầu của chúng ta đã gián tiếp đánh mất “gien” tự chủ trong kinh doanh, nên buộc phải duy trì cơ chế áp giá cơ sở?”, ông Việt đặt câu hỏi.

Vì sao cung không thiếu nhưng vẫn khan hiếm?
Cập nhật thị trường bán lẻ xăng dầu tại TP.HCM, Hà Nội đến chiều tối hôm qua (13.11) cho thấy tại các cửa hàng vẫn là cảnh người dân xếp hàng chờ đổ xăng. Càng về chiều, nhiều cửa hàng lại tiếp tục “hết xăng”. Chủ cửa hàng H.X.Q (TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho hay cửa hàng chấp nhận lấy hàng với chiết khấu thấp bán lỗ, nhưng không dễ gì để có hàng. Thường từ 2 - 3 ngày mới có một xe xăng, dầu lấy từ Petrolimex. Tương tự, cũng tại Thủ Đức, đại diện Cửa hàng xăng dầu số 1 của Công ty TNHH thương mại SMV cho hay công ty có 4 cửa hàng xăng dầu nhưng nguồn cung mỗi ngày chỉ khoảng một xe mà cũng phải “xếp hàng dài, căng thẳng, khó khăn lắm” mới có được. “Một xe về chia không đủ cho cả 4 cửa hàng nên nay cây xăng này đủ hàng, thì ngày mai nhường cho cây khác. Cứ luân phiên cả tháng nay như vậy”, nhân viên ở cửa hàng này cho hay.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên vẫn khẳng định nguồn cung không thiếu, dồi dào và đến nay, cả nhập khẩu và sản xuất trong nước đạt 90% sản lượng cả năm. Các chuyên gia đều cho rằng ông Diên nói không sai vì Bộ đã cấp nâng hạn mức nhập khẩu, cộng số hạn ngạch cấp và sản lượng sản xuất trong nước chắc chắn là không thiếu. Nhưng vấn đề là có sự “phớt lờ” số liệu nhập khẩu giảm sút trầm trọng.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá VN, nói thẳng rằng không những cấp hạn ngạch mà còn tăng hạn mức nhập khẩu nữa thì không thể thiếu. Tuy nhiên, theo ông, Bộ trưởng đã không đến tận kho các DN đầu mối để biết họ có nhập đủ hay không thì rất khó để biết chính xác.

“Nhập khẩu chỉ chiếm 20%, nhưng vẫn nhập không đủ, chỉ đạt 60%. Lưu ý là trong quý 3, chỉ có 19/33 DN đầu mối có nhập hàng, mà nhập còn không đủ hạn mức. Từ đó mới thiếu cục bộ, lan tỏa ra các vùng, rồi chi phí tăng… Trong thực tế, nhập khẩu xăng dầu ngày nay cũng có khó khăn hơn, không dồi dào như trước do xung đột địa chính trị thế giới, nhưng không đến nỗi không mua được hàng. Cái khó của DN là hạn mức tín dụng giao trước đây lúc giá thấp, nay giá cao hơn, chi phí tăng, cộng vào tổng tiền nhập thiếu so với trước. Rồi chi phí tính không đủ kéo dài thời gian. Đặc biệt, hệ thống phân phối xăng dầu quá chồng chéo, sở hữu chéo… góp phần không nhỏ gây bất ổn thị trường. Thương nhân đầu mối mà chạy quanh mua hàng, gom hàng như đi quân cờ…”, ông Thỏa nói.

Ông Thỏa nhấn mạnh việc điều hành DN, thị trường, xuất nhập khẩu, điều phối… đều một tay Bộ Công thương nắm. Thế nên lại để xảy ra khan hiếm kéo dài, đảo lộn cuộc sống người dân, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất kinh doanh của DN là trách nhiệm của Bộ này và cần phải có giải pháp nhanh chóng khắc phục.

Nếu số liệu tính toán chỉ ra chi phí tăng từ Bộ Công thương một cách minh bạch và tin cậy thì có căn cứ để tăng chi phí nữa cho xăng dầu là hoàn toàn đúng. Nhưng nếu chúng ta cho rằng chi phí vận chuyển trong nước cao nên cần tăng giá để bù lỗ, là cách điều hành “chạy theo sau DN”, rất khó bền lâu và càng gián tiếp khẳng định đề án giảm chi phí logistics xăng dầu nhập khẩu do Bộ Công thương triển khai mấy năm qua đã không có hiệu quả.

PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội

Theo Thanh Niên