clock

Tài Chính

13:32 24-11-2022

Điều lo lắng nhất đã qua, túi tiền nhà đầu tư chứng khoán, vàng tăng trở lại

Điều lo lắng nhất đã qua, túi tiền nhà đầu tư chứng khoán, vàng tăng trở lại

Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đêm 23/11 (giờ Việt Nam) công bố biên bản họp kỳ trước với một nội dung quan trọng: phần lớn các thành viên đồng thuận cho rằng, việc giảm tốc độ tăng lãi suất sẽ phù hợp hơn.

Một số thành viên Fed cho rằng, việc làm chậm tốc độ tăng lãi suất có thể làm giảm nguy cơ bất ổn trong hệ thống tài chính. Nhiều người lo ngại về độ trễ khó đoán và mức độ tác động từ các hành động chính sách thắt chặt của Fed đối với kinh tế trong các năm tiếp theo.

Điều này đồng nghĩa với việc Fed sẽ áp dụng những bước tăng lãi suất ở mức thấp hơn trong các đợt tăng năm 2022 và 2023.

Tín hiệu giảm tốc tăng lãi suất còn được hỗ trợ bởi thông tin số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần trước của Mỹ cao hơn so với dự báo. Nó cho thấy, thị trường việc làm của Mỹ có thể đang suy yếu và việc thắt chặt tiền tệ cần được tính toán kỹ.

Lạm phát giảm nhanh tại Mỹ cũng góp phần ủng hộ tín hiệu chính sách mới.

 Lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) qua các thời kỳ. (Biểu đồ: M. Hà)
Trong tuần trước, Mỹ công bố lạm phát suy giảm nhanh. Lạm phát tháng 10 của Mỹ tăng 7,7% so với cùng kỳ, thấp hơn mức 8,2% ghi nhận trong tháng 9 và xa dần kỷ lục 9,1% ghi nhận trong tháng 6.

Sự thay đổi trong cách tính toán về chính sách tiền tệ đã giúp giải tỏa nỗi lo lắng của giới đầu tư không chỉ ở Mỹ, mà còn nhiều nước trên thế giới. Đồng USD ngay lập tức giảm khá mạnh; Chứng khoán Mỹ có phiên tăng thứ 2 liên tiếp…

Gần đây, thị trường tài chính Mỹ ghi nhận khá nhiều tín hiệu bất ổn. Trái phiếu chính phủ Mỹ bị bán mạnh và giảm giá sâu, qua đó khiến lợi tức trái phiếu nước này lên mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

 Lợi tức trái phiếu 10 năm của Mỹ giảm trong vài phiên gần đây. (Biểu đồ: M. Hà)
Đây là hậu quả của lãi suất cao và một đồng USD tăng mạnh.

Trong cuộc họp sắp tới (vào 14/12), theo CNBC, các nhà đầu tư dự đoán Fed sẽ chỉ tăng 50 điểm phần trăm.

Từ đầu năm tới nay, Fed đã có 6 lần tăng lãi suất, với tổng cộng 375 điểm từ mức thấp kỷ lục 0-0,25% lên 3,75-4%/năm như hiện tại. Trong 3 lần gần nhất, Fed tăng 75 điểm phần trăm mỗi lần và gây ra tác động rất lớn lên thị trường tài chính thế giới.

Đồng USD có lúc tăng hơn 20% (hồi cuối tháng 9) so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới (trong đó có bảng Anh, euro, yen Nhật, Nhân dân tệ…). Hiện, đồng USD còn tăng khoảng 12% so với rổ các đồng tiền này.

Dù vậy, việc có giảm mức độ tăng lãi suất hay không và khi nào Fed sẽ đảo chiều chính sách tiền tệ… còn phụ thuộc vào các số liệu kinh tế của Mỹ trong thời gian tới.

Trước đó, nhiều dự báo cho rằng, mục tiêu lãi suất của Mỹ sẽ là 5%/năm trong năm 2023, từ mức 4% như hiện tại.

Mục tiêu không thay đổi của Fed vẫn là kéo lạm phát về mức mục tiêu 2% như thường thấy trước đây.

Thế giới bớt lo

Đồng USD gần đây hạ nhiệt nhanh chóng trên phạm vi toàn thế giới

Tính tới 11h10 sáng 24/11, chỉ số DXY giảm xuống mức 105,66 điểm, thấp nhất trong vòng 3 tháng qua. So với đỉnh cao 115 điểm ghi nhận hồi cuối tháng 9, đồng USD đã giảm 8,1%.

Tại Việt Nam, đồng USD cũng hạ nhiệt. Tỷ giá trung tâm giảm từ mức trên 23.770 đồng/USD hôm 25/10 xuống 23.671 đồng/USD sáng 24/11.

 Tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước tính đến 24/11/2022. (Biểu đồ: M. Hà)
Giá USD bán tại Vietcombank sáng 24/11 còn 24.854 đồng/USD, thấp hơn so với 24.888 đồng/USD hôm 25/10. USD tự do cũng giảm từ đỉnh khoảng 25.500 đồng/USD xuống còn khoảng 25.050 đồng/USD.

Tính từ đầu năm tới nay, giá USD bán ra tại Vietcombank chỉ còn tăng 8,4% so với VND.

Giá vàng thế giới sáng 24/11 tăng khá mạnh lên 1.756 USD/ounce. Giá vàng SJC trong nước lên mức 66,6 triệu đồng/lượng (mua) và 67,6 triệu đồng/lượng (bán).

Theo VietNamNet