clock

Doanh Nghiệp

11:15 26-04-2016

Digiworld: Bỏ Nokia đi, tìm hướng mới với Obi, Wiko và Intex

Các nhà phân phối đang bị dồn vào cửa hẹp khi các hãng điện thoại thay đổi cách thức tiếp cận thị trường. Trong bối cảnh đó việc định hướng cho mình một chiến lược tối ưu và riêng biệt đang là bài toán sống còn của các nhà phân phối.

Gần 10 năm qua, thị trường di động Việt Nam tăng trưởng nhanh hơn mức tưởng tượng. Để duy trì tốc độ tăng trưởng đó, có một vài nhà phân phối cầm nhịp như Digiworld (DGW), Petrosetco (PET) và FPT Trading… Đây là những đơn vị nhập khẩu điện thoại, sau đó phân phối (bán sỉ) đến các đại lý như Thế Giới Di Động, FPT Shop, Nguyễn Kim, Viễn Thông A.

Các nhà phân phối đang bị dồn vào cửa hẹp

Theo dữ liệu từ IDC, trên thị trường hiện chỉ có vài thương hiệu điện thoại chi phối là Apple, Samsung và Oppo. Không những thế, hiện nay xu hướng thay đổi của các thương hiệu này trong cách tiếp cận thị trường là trực tiếp phân phối các sản phẩm của mình tại Việt Nam hoặc tự bán hàng qua kênh trực tuyến, thay vì thông qua đại lý.

Từ đó cánh cửa thị phần ngày càng hẹp với các nhà phân phối.

Dự cảm được khó khăn này, nhà phân phối lớn như FPT đã có ý định thoái lui khỏi thị trường. FPT công bố sẽ bán mảng FPT Trading & FPT retail để tập trung vào Telecom. Trong khi đó tình hình kinh doanh của Petrosetco đang đi xuống khi không còn được làm nhà phân phối cho các hãng lớn, và doanh thu bán lẻ cũng khiêm tốn dần.

Đối với DGW, khi Nokia thay đổi chiến lược, bỏ phần cứng (điện thoại) để chuyển sang phần mềm khiến số lượng máy ra thị trường giảm mạnh, năm 2015 DGW bị mất hẳn 64% doanh số từ Nokia. Việc thay đổi của đại gia Nokia không chỉ làm ảnh hưởng đến DGW, mà ảnh hưởng toàn bộ thị trường điện thoại di động từ bán buôn đến bán lẻ.

Trong bối cảnh đó, việc lựa chọn một chiến lược tốt sẽ giúp cho các nhà phân phối hóa giải được khủng hoảng và lách qua khe cửa hẹp để tồn tại và phát triển trên thị trường. DGW có vẻ là đơn vị thức thời trong bước chuyển mình của thị trường để duy trì được tình hình kinh doanh ổn định.

Bỏ lại Nokia, Digiworld mở đường tìm hướng với Obi, Wiko và Intex

Trong đại hội cổ đông thường niên 2016 được tổ chức sáng nay, ban giám đốc Digiworld vẫn tái khẳng định tiếp tục xem ICT là mảng kinh doanh chính, đặc biệt là khi doanh thu của nhóm sản phẩm điện thoại di động vẫn đang tăng trưởng tốt 186% so với quý 1 cùng kỳ năm ngoái.

Theo nguồn GFK Việt Nam, năm 2015 có 14,1 triệu chiếc điện thoại di động thô ng minh (smartphone) được bán ra và sẽ tăng lên 19,4 triệu chiếc năm 2016. Mặt hàng này sẽ tiếp tục tốc độ tăng trưởng cao trong 3 năm tới trước khi đạt điểm bão hòa. Đây là thuận lợi cho nhà phân phối như DGW nhưng công ty xác định: Làn sóng dịch chuyển từ điện thoại cơ bản sang smartphone đang ngày càng mạnh mẽ, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng sẽ mạnh hơn ở phân khúc cấp thấp.

Để bù lại khoảng trống do Nokia để lại, DGW phải tích cực đi tìm những thương hiệu mới. Nhà phân phối này đã và đang đưa về thị trường các thương hiệu điện thoại mới như Wiko, Obi, Intex... và hàng tá các nhãn hàng khác trong mảng sản phẩm CNTT.

Như vậy, thay vì đặt hết canh bạc vào tay các nhãn hàng điện thoại di động lớn, DGW tìm kiếm và giúp các nhãn hàng mới phát triển thị trường như Obi, Wiko, và gần đây nhất là bắt tay với người khổng lồ Ấn Độ Intex. Bởi lẽ với kinh nghiệm hơn 18 năm và năng lực thực hiện các dịch vụ phát triển thị trường, việc thúc đẩy sự phát triển của các thương hiệu mới tại thị trường Việt Nam là không quá khó với Digiworld. Việc Wiko và Obi gia tăng giá trị trong một thời gian ngắn đã thể hiện rõ điều này.

Đối với sản phẩm mới là Intex, sở dĩ DGW tự tin trong canh bạc này chính là việc Intex được công nhận là thương hiệu di động Ấn Độ số 1 tại thị trường nội địa (theo số liệu IDC công bố vào Quý 3 năm 2015). Các sản phẩm di động của Intex được đông đảo người tiêu dùng yêu thích với chất lượng cao, cấu hình mạnh và mức giá hấp dẫn.

Sự khác biệt trong hệ thống phân phối: Phủ toàn bộ kênh nhỏ lẻ

Trước tình hình thị trường phân phối bán sỉ chỉ còn là "cửa hẹp" cho các đơn vị phân phối như Digiworld, ông Đoàn Hồng Việt - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cho rằng công ty không phải nhà cung cấp bán sỉ đơn thuần mà thực chất là nhà phân phối cộng thêm, cung cấp đồng thời 5 mảng dịch vụ gồm phát triển thị trường, marketing (tiếp thị), sale (bán hàng), logistics (vận chuyển) và after sale (chính sách hậu mãi).

Về phía đầu ra, DGW không tập trung hết vào các chuỗi bán lẻ lớn (chiếm khoảng 55% thị phần) mà tập trung phủ toàn bộ kênh nhỏ lẻ trên 63 tỉnh thành hiện vẫn chiếm hơn 45% thị phần. Đây mới chính là nguồn đại lý ổn định và bền vững. Các cửa hàng này có khả năng bán dãy sản phẩm rộng từ cao cấp cho đến phổ thông, giá rẻ. Đó là chưa kể, các chuỗi này không thể vươn tới ngõ ngách thị trường nông thôn, miền núi vì doanh số thường nhỏ, lợi nhuận đem lại không cao và chi phí khá lớn.

Ông Đoàn Hồng Việt cho biết, Digiworld hiện có 6.000 điểm bán lẻ, 600 - 800 đội bán hàng tại các cửa hàng nhỏ lẻ, giúp các cửa hàng phát triển sản phẩm và bán hàng. Đây chính là sự khác biệt của Digiworld.

Một chuyên gia về thị trường nhận định, DGW đóng vai "con ong chăm chỉ", khai phá những khách hàng mới để tiếp tục tồn tại không chỉ là giải quyết bài toán sống còn của doanh nghiệp. Song song với lợi ích của doanh nghiệp, người tiêu dùng cũng có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với sản phẩm mới, trải nghiệm giá trị khác biệt trên thị trường di dộng rộng lớn này.

Gia Khang/Theo Trí thức trẻ