clock

Bất Động Sản

04:59 08-10-2016

Doanh nghiệp BĐS hào hứng với cổ phần hóa đất vàng

Có nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang sở hữu hàng nghìn, hàng chục nghìn mét vuông đất vàng có vị trí đắc địa tại các thành phố lớn đang trong quá trình cổ phần hóa.

Và những doanh nghiệp sở hữu nhiều đất vàng thường hứa hẹn việc cổ phần hóa sẽ nhanh chóng thành công, bởi mua cổ phần DNNN cổ phần hóa có sở hữu các khu đất vàng luôn được giới đầu tư quan tâm, đặc biệt là các "ông lớn" bất động sản. Tham gia đấu giá IPO cổ phần DNNN, thâu tóm công ty yếu kém là cách nhanh nhất để các "ông lớn" bất động sản gia tăng quỹ đất. Lịch sử đã có nhiều tiền lệ.

Kem Tràng Tiền - doanh nghiệp sử dụng 1.500m2 đất vàng trên phố Tràng Tiền, Công ty Bánh tôm Hồ Tây với hàng trăm mét vuông đất bên hồ Trúc Bạch, sát Hồ Tây, Khách sạn Phú Gia ngay bên bờ Hồ Gươm, hay Tổng công ty Vật tư nông nghiệp (Vigecam) luôn là "miếng bánh ngon" hấp dẫn nhà đầu tư khi tiến hành cổ phần hóa, thoái vốn.

Thương vụ đấu giá trọn lô đất có giá hơn 52% cổ phần tại Khách sạn Kim Liên của SCIC đã thu hút hàng loạt nhà đầu tư tên tuổi tham gia như Cơ điện lạnh (REE), Văn Phú - Invest, GP Invest...

Mức giá trúng thầu cuối cùng lên tới 274.200 đồng/CP, tương đương tổng giá trị 1.000 tỷ đồng, gấp hơn 7,4 lần mức giá chào thầu thuộc về ThaiGroup của ông Nguyễn Đức Thụy. Tổ hợp khách sạn Kim Liên nằm trên khu đất 3,5ha ở phố Đào Duy Anh, với 9 toà nhà gồm 437 phòng khách sạn và 5 nhà hàng, được cho là vị trí đắc địa nhất nhì ở trung tâm Hà Nội.

Sự kiện Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Tràng Thi sở hữu nhiều bất động sản trên con đường đẹp nhất Hà Nội, bắt đầu từ hồ Hoàn Kiếm cũng đã được bán với giá rất cao trong năm 2015, lên tới 82.000 đồng/CP.

Mới đây là đất ở Khu Triển lãm Giảng Võ, đất của Cao su Sao Vàng hay hàng loạt DNNN cổ phần hóa có quỹ đất lớn, vị trí đắc địa đều được các "đại gia" thâu tóm qua phương thức đấu giá, đã cho thấy các DNNN cổ phần hóa, thoái vốn cực kỳ hấp dẫn doanh nghiệp bất động sản.

Khi tiến hành cổ phần hóa, thoái vốn, hầu hết các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước (trừ Tập đoàn Bưu chính - Viễn Thông) đều không tính giá trị lợi thế quyền thuê đất nhà nước vào giá trị doanh nghiệp hoặc vào giá khởi điểm nên đất do nhiều "ông lớn" nhà nước quản lý được định giá rất rẻ.

Mặt khác, việc bán đấu giá cổ phiếu theo lô có giá bán thường cao hơn nhiều so với giá khởi điểm, bên cạnh đó, với quyền thuê đất vài chục năm (thường là 50 năm) và sẽ được gia hạn thêm nếu không tranh chấp, thì một khi mua được DNNN cổ phần hóa tức gần như đồng nghĩa rằng mảnh đất đó thuộc bên mua.

Cũng theo phương án cổ phần hóa DNNN, Nhà nước bán toàn bộ vốn tại doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược được mua tới 70% cổ phần của các tổng công ty. Có nghĩa là sau cổ phần hóa, nhà đầu tư có thể chi phối số phận các khu đất vàng này. Như vậy, một số DNNN có lợi thế về đất đã bị các nhà đầu tư thâu tóm, thực chất chỉ để lấy đất, triển khai các dự án bất động sản.

Với tiềm lực tài chính dồi dào thì việc tham gia đấu giá IPO cổ phần DNNN, thâu tóm công ty yếu kém là cách nhanh nhất để các "ông lớn" bất động sản gia tăng quỹ đất.

Gần đây, Vingroup, Novaland, BRG, FLC Group, TNG Holdings, Tân Hoàng Minh... đều tham gia vào các đợt IPO lớn, có quỹ đất đẹp. Tiêu biểu là thương vụ Vincom trở thành nhà đầu tư chiến lược tại Công ty TNHH Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC) với tỷ lệ vốn 80%, mua lại Công ty Bất động sản Hồng Ngân đang sở hữu thành phố Xanh (Mỹ Đình 1) hơn 17ha, tăng tỷ lệ tại Xavinco - công ty được lập để phát triển "siêu đô thị" 11ha tại 233-233B Nguyễn Trãi (Hà Nội).

Thương vụ IPO Vinatex có tới hai "đại gia" bất động sản là cổ đông chiến lược, đó là Vingroup sở hữu 10% và TNG Holdings sở hữu 14%. Sau IPO, cổ đông nhà nước tại Vinatex chỉ còn lại 51%.

 

MAI LIN