clock

Trong Nước

12:38 16-11-2015

Doanh nghiệp “chết lâm sàng” tăng mạnh

Trong 10 tháng đầu năm 2015, số lượng doanh nghiệp giải thể, đặc biệt số doanh nghiệp thuộc diện "chết lâm sang" vẫn tiếp tục tăng mạnh bất chấp những chỉ số tăng trưởng kinh tế ấn tượng.

Báo cáo thống kê chuyên đề mới nhất về doanh nghiệp của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh(Bộ Kế hoạch và đầu tư) cho biết, có nhiều diễn biến đáng chú ý liên quan đến việc doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động kinh doanh trong 10 tháng đầu năm 2015.

Theo đó, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động kinh doanh trong 10 tháng đầu năm 2015 của cả nước là 7.641 doanh nghiệp, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước.

Xét theo loại hình doanh nghiệp, trong tổng số 7.641 doanh nghiệp giải thể, có 2.779 công ty TNHH 1 thành viên chiếm 36,4%; 2.088 công ty TNHH 2 thành viên chiếm 27,3%; 1.650 doanh nghiệp tư nhân chiếm 21,6% và 1.124 công ty cổ phần chiếm 14,7%.

 Nguồn: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh
Theo quy mô vốn, trong 10 tháng năm 2015 số lượng doanh nghiệp giải thể phần lớn là những doanh nghiệp có quy mô vốn đăng ký nhỏ dưới 10 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 93,7% trên tổng số doanh nghiệp giải thể (cùng kỳ năm 2014 tỷ lệ này là 93,9%). 

Điều này phần nào cho thấy, các doanh nghiệp có quy mô lớn thường được tổ chức tốt hơn, có trình độ quản lý, nguồn lao động và công nghệ sản xuất phát triển so với doanh nghiệp quy mô nhỏ nên có sức đề kháng và hoạch định chiến lược kinh doanh tốt hơn. 

Nếu phân theo vùng lãnh thổ, trong 10 tháng đầu năm 2015 tình hình doanh nghiệp đăng ký giải thể tăng tại một số vùng so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, Tây Nguyên có tỷ lệ tăng nhiều nhất là 44,5%; tiếp đó là Đồng bằng Sông Hồng tăng 17,4% và Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung tăng 0,6%.

Ngược lại với các vùng trên, các vùng còn lại đều có số doanh nghiệp giải thể giảm so với cùng kỳ năm trước lần lượt là Trung du và miền núi phía Bắc giảm 14,4%; Đông Nam Bộ giảm 9% và Đồng bằng Sông Cửu Long giảm 2,9%.

Về tình hình doanh nghiệp giải thể theo ngành, lĩnh vực hoạt động, trong 10 tháng đầu năm 2015, một số ngành, lĩnh vực có tình hình doanh nghiệp giải thể tăng.

Cụ thể, lĩnh vực thông tin và truyền thông tăng 122%; Nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 92,6%; Sản xuất phân phối điện, nước, ga tăng 38,8%; Giáo dục và đào tạo tăng 22,2%; Khoa học, công nghệ; dịch vụ, tư vấn; quảng cáo và chuyên môn khác tăng 16,6%; Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 3,3%; Vận tải kho bãi tăng 0,6% và xây dựng tăng 0,2%. Các ngành, lĩnh vực còn lại đều có số doanh nghiệp giải thể giảm so với cùng kỳ năm trước.

Thống kê cũng cho thấy, bên cạnh số lượng doanh nghiệp giải thể vẫn còn khá lớn, tình hình doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động kinh doanh trong 10 tháng năm 2015 cũng tiếp tục tăng mạnh so với cùng kỳ.

Cụ thể, số doanh nghiệp gặp khó khăn kinh doanh của cả nước trong 10 tháng đầu năm 2015 là 60.164 doanh nghiệp, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm trước.

Bao gồm: 13.625 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có đăng ký, 46.539 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký.

Trong tổng số doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng, có 21.633 công ty TNHH 1 thành viên chiếm 35,957%; có 19.208 công ty TNHH 2 thành viên chiếm 31,926%; có 7.807 doanh nghiệp tư nhân chiếm 12,976%; có 11.514 công ty cổ phần chiếm 19,138% và 2 công ty hợp danh chiếm 0,003%.

Xét theo quy mô vốn, số lượng doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng phần lớn là những doanh nghiệp có quy mô vốn đăng ký nhỏ dưới 10 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 93,6% trên tổng số doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng (cùng kỳ năm 2014 tỷ lệ này là 92,3%).

Xét theo vùng lãnh thổ, trong 10 tháng đầu năm 2015, tất cả các vùng trong cả nước đều có tình hình doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng tăng so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long có tỷ lệ tăng nhiều nhất là 86,3%; tiếp đến là Trung du và miền núi phía Bắc tăng 76,8%; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung tăng 48,3%; Tây Nguyên tăng 33,5%; Đồng bằng Sông Hồng tăng 23,1% và Đông Nam Bộ tăng 14,9%.

Thống kê trong 10 tháng đầu năm 2015, các ngành, lĩnh vực đều có số lượng doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng tăng so với cùng kỳ năm trước, cụ thể: Nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 163,9%; Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 107,8%; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 68,1%; Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 44,5%; Giáo dục và đào tạo tăng 40,6%; Sản xuất phân phối điện, nước, ga tăng 30,5%...

 

Theo Bizlive