clock

Tài Chính

10:04 16-11-2022

Doanh nghiệp đẩy mạnh mua trước hạn trái phiếu, cổ phiếu chưa ngừng rơi

Nhiều cổ phiếu tiếp tục lao dốc sau khi công ty quyết định mua lại trước hạn trái phiếu doanh nghiệp. Hoạt động bán giải chấp là yếu tố khiến tình hình thêm xấu.

CTCP Chứng khoán Bản Việt - VCSC (VCI) vừa công bố nghị quyết hội đồng quản trị (HĐQT) mua lại trước hạn loạt trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ với tổng giá trị gần 400 tỷ đồng thông qua thỏa thuận trực tiếp với trái chủ và thanh toán bằng tiền VND.

Hầu hết các lô trái phiếu này có thời gian đáo hạn trong năm 2023, được mua lại trong tháng 11 và tháng 12/2022.

Chứng khoán Bản Việt là một trong nhiều doanh nghiệp quyết định mua lại trước hạn trái phiếu phát hành riêng lẻ, trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp hết sức khó khăn sau những sai phạm của Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát.

Nhiều doanh nghiệp xoay các nguồn tiền để mua lại trước hạn trái phiếu phát hành riêng lẻ. (Ảnh: Hoàng Hà)

Niềm tin trên thị trường trái phiếu sụt giảm, qua đó hoạt động huy động mới giảm mạnh trong khi áp lực đối với nhiều doanh nghiệp phát hành là rất lớn. Hoạt động mua lại trước hạn tăng vọt, với tổng giá trị lên tới hơn 152.000 tỷ đồng trong hơn 11 tháng năm 2022, tăng gần 50% so với cùng kỳ.

Ngay sau khi có thông tin mua lại trái phiếu, cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp phát hành tiếp tục lao dốc dù trước đó đã giảm rất mạnh khi thị trường chứng khoán giảm sâu, thanh khoản hạn hẹp và áp lực giải chấp lớn.

Sau khi công bố thông tin mua lại trái phiếu hôm 10/11, cổ phiếu VCI giảm sàn 4 phiên liên tiếp với dư bán rất lớn, từ 23.500 đồng/cp xuống còn 17.700 đồng/cp thời điểm kết thúc phiên 15/11. Trước đó, VCI đã có đợt giảm rất sâu, từ mức 60.000 đồng/cp hồi đầu năm xuống dưới ngưỡng 24.000 đồng theo xu hướng chung trên thị trường và sự sụt giảm thanh khoản trên thị trường chứng khoán.

Tổng giá trị trái phiếu mà doanh nghiệp phát hành và mua lại trong năm 2022. (Biểu đồ: Mạnh Hà)
Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng - DIC Corp (DIG) của ông Nguyễn Thiện Tuấn hôm 11/11 cũng có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) về nghị quyết HĐQT mua lại 1.600 tỷ đồng trái phiếu trước hạn cho trái chủ HDBank.

Tiền mua lại từ nguồn tiền hoạt động sản xuất kinh doanh và nguồn khác.

Ngay sau khi có thông tin mua lại trước hạn trái phiếu, cổ phiếu DIG ghi nhận áp lực bán tăng vọt và chuỗi ngày giảm sàn kéo dài thêm. Áp lực bán chồng chất khiến DIG rơi vào tình trạng trắng bên mua, trong khi dư bán rất lớn trong vài phiên gần đây.

Trước đó, DIG đã gặp khó do bị bán giải chấp hàng chục triệu cổ phiếu và sau đó phải bổ sung tài sản đảm bảo cho các lô trái phiếu bằng 80 bất động sản tại Đồng Nai. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư lo ngại về tình trạng doanh nghiệp có thể gặp khó về dòng tiền. Áp lực giải chấp chồng lên nhau khiến cổ phiếu tiếp tục giảm.

Trái phiếu đáo hạn trong năm 2022-2023. Nguồn VMBC. (Biểu đồ: Mạnh Hà)Gần đây, nhiều doanh nghiệp phải xoay xở để có nguồn tiền, gồm cả tiền hoạt động để mua lại hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng giá trị trái phiếu như: Bất động sản An Gia, Hoàng Anh Gia Lai, Cơ điện lạnh (REE), Tập đoàn Gelex, Công ty Yamagata, An Phát Finance, Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS), Ngân hàng OCB, Chứng khoán Tân Việt - TVSI, Gotec Land,...

Một số trường hợp, doanh nghiệp mua lại trái phiếu do yêu cầu bắt buộc của Nghị định 65 vì dùng sai mục đích. Tuy nhiên, còn có lý do khác là nhiều nhà đầu tư muốn bán lại trước hạn và doanh nghiệp muốn tránh tin đồn xấu về triển vọng của mình.

Theo VietNamNet