clock

Trong Nước

06:32 19-10-2015

Doanh nghiệp FDI tăng đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác

Tại hội thảo đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ môi trường tại Việt Nam do EU - MUTRAP tổ chức tại TP.HCM ngày 16/10, các chuyên gia nhận định FDI trong lĩnh vực này đang có xu hướng tăng mạnh

"Vua rác" Việt kiều Davis Dương (bên trái) nhận giấy chứng nhận đầu tư của Chủ tịch UBND tỉnh Long An

Lợi nhuận cao, tăng đầu tư

Ông Lại Văn Mạnh, chuyên gia trong nước của EU - MUTRAP cho biết theo kết quả khảo sát mà tổ chức này thực hiện năm 2014,  nếu như 2011 nguồn vốn đầu tư vào các dự án nước thải và chất thải rắn mới chỉ đạt khoảng 710 triệu USD thì đến năm 2013 đã đạt mức 1,285 tỉ USD. Số doanh nghiệp (DN) FDI tham gia vào lĩnh vực này cũng tăng từ 5 DN năm 2005 lên 37 DN vào năm 2012.

Qua khảo sát cũng cho thấy kết quả kinh doanh của các DN FDI trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ môi trường tương đối khả quan. Các nhà đầu tư nước ngoài và Việt Nam ngày càng nhận ra những lợi ích tiềm năng của việc đầu tư vào trong các lĩnh vực hàng hóa dịch vụ môi trường tại Việt Nam.

"Mặc dù mức vốn đầu tư trong các lĩnh vực về hàng hóa, dịch vụ môi trường vẫn còn tương đối thấp so với tổng vốn đầu tư trong nước nhưng thực tế đã cho thấy các dòng đầu tư đã có lãi và đang có xu hướng tăng lên. Dự kiến đến năm 2020 mức vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường ở Việt Nam sẽ ở mức khoảng trên 40.000 tỉ đồng”, ông Mạnh cho biết.

Trong thực tế, ngày 12/9 vừa qua UBND tỉnh Long An đã trao giấy chứng nhận cho Công ty CP Xử lý chất thải Việt Nam Long An (VWS Long An) làm chủ đầu tư dự án Khu công nghệ Môi trường Xanh với tổng vốn đầu tư 450 triệu USD (giai đoạn 1). Đây là dự án thứ hai mà Công ty CP Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) của "vua rác" Việt kiều David Dương đầu tư sau thành công của dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước tại TPHCM.

Đầu tháng 10, một công ty của Úc là Trisun Green Energy cũng có đề án trình các cơ quan chức năng TPHCM xin đầu tư xây dựng một nhà máy xử lý được nhiều loại chất thải trên địa bàn, bằng công nghệ Plasma. Đây là dự án 100% vốn nước ngoài, có tổng vốn đầu tư dự kiến 520 triệu USD, thời gian xây dựng theo chủ đầu tư cam kết là trong 33 tháng, thời gian vận hành 50 năm và chỉ sử dụng quỹ đất từ 10 – 15 ha.

Nhiều ưu đãi

Theo nhận định của các chuyên gia, môi trường pháp lý của Việt Nam và đầu tư trong các lĩnh vực hàng hóa dịch vụ môi trường đang có nhiều thuận lợi. Đầu tư vào hàng hóa dịch vụ môi trường thực sự được khuyến khích với các chính sách miễn, giảm đáng kể thuế nhập khẩu và phí sử dụng đất.

Lợi ích của các nhà đầu tư sẽ gia tăng nếu có các khoản đầu tư liên quan đến chuyển giao công nghệ mới đặc biệt là công nghệ cao. Đồng thời các nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi ích tối đa nếu thực hiện các dự án đầu tư tại các địa bàn được khuyến khích đầu tư. Ngoài ra đầu từ vào ngành hàng hóa và dịch vụ môi trường cũng sẽ được hưởng lợi từ việc bảo hộ sở hữu trí tuệ liên quan đến các công nghệ được chuyển giao.

Đánh giá cao các chính sách ưu đãi đối với việc đầu tư vào lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ môi trường, tuy nhiên phần lớn các DN FDI đầu tư cho rằng vẫn còn một số rào cản trong các chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Trong đó sự thiếu minh bạch của pháp luật cũng như rào cản nguôn ngữ đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các DN.

Bên cạnh đó, các DN cũng cho rằng, chính sách miễn thuế DN thực hiện không thống nhất giữa các địa phương cũng tạo ra khó khăn đáng kể cho DN trong việc lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra thủ tục hành chính còn phức tạp và tốn thời gian cũng gây không ít khó khăn cho các DN.

Từ những khó khăn nêu trên, các DN kiến nghị, cần có một  đường dây nóng để  để các nhà đầu tư có thể tiếp cận được các thông tin chính thức từ Chính phủ. Các pháp luật và tiêu chuẩn liên quan đến hoạt động đầu tư về hàng hóa và dịch vụ môi trường cũng phải được công bố công khai và dễ thực hiện.

Bên cạnh đó, cần có sự thống nhất về thủ tục cấp phép và các quy định về môi trường trong cả nước. Đồng thời, việc áp dụng hệ thống kiểm tra, kiểm soát giống nhau giữa các DN FDI và DN trong nước cùng hoạt động trong lĩnh vực này...

Theo ý kiến của ông David  Luff, chuyên gia quốc tế của EU - Mutrap, chính sách về dịch vụ môi trường ở Việt Nam hiện nay chủ yếu mới chỉ tập trung vào giải quyết các vấn đề về ô nhiễm môi trường trước mắt chứ chưa thực sự được xem là ngành dịch vụ trên cơ sở cung cầu và có định hướng lâu dài.

Do vậy để phát triển được lĩnh vực này cần hiện thực hóa các chính sách hiện hành nhằm tạo lập môi trường pháp lí cho ngành dịch vụ môi trường và tăng cường thực thi Luật Bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó cần tăng cường nguồn lực phát triển dịch vụ môi trường, đặc biệt là ưu đãi về thuế Thu nhập DN. Đặc biệt, các cơ chế ưu đãi, khuyến khích, cạnh tranh cần tiếp tục hoàn thiện và thuận lợi để các DN tiếp cận.

 

Duy Khánh/ Trí Thức Trẻ