clock

Doanh Nghiệp

06:15 22-02-2016

Doanh nghiệp Việt đang tạo ra yếu thế trên thị trường bán lẻ

Doanh nghiệp Việt cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường bán lẻ đã tạo ra yếu thế nhưng lại là cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm.

Với việc giảm thuế của hàng nghìn mặt hàng về mức 0%-5% - khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN - đã tạo ra thách thức không nhỏ không chỉ đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, mà ngay chính các doanh nghiệp kinh doanh phân phối, các nhà trung chuyển hàng hóa từ khâu sản xuất tới tay người tiêu dùng.

Trong khi đó, thời gian qua trên thị trường bán lẻ đã có nhiều cuộc “bắt tay”, liên doanh, liên kết với “khối ngoại” cũng đã ít nhiều thu hẹp thị phần phân phối sản phẩm hàng hóa tiêu dùng trong nước.

Do vậy, việc bắt tay liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối được nhận định sẽ giúp người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên và tự nguyện sử dụng hàng Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh, hội nhập ngày càng gay gắt.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Trần Du Lịch, lợi thế cạnh tranh là quan trọng, nhưng quan trọng hơn chính là chất lượng sản phẩm hàng hóa và phong cách phục vụ của doanh nghiệp Việt còn yếu hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

Nhược điểm lớn nhất của thị trường nội địa hiện nay là thiếu chính sách và quan điểm phát triển một cách minh bạch, rõ ràng để khuyến khích các doanh nghiệp Việt phát triển hệ thống phân phối nội địa.

“Chính sách phát triển thị trường nội địa cân đối với đầu tư nước ngoài.

Khuyến khích phát triển thị trường nội địa là mảng phân phối nội địa.

Hiện nay, các mạng phân phối đang thay các chợ truyền thống, mặc dù mới chiếm 25% thị phần thương mại nội địa, nhưng xu hướng này nó sẽ phát triển rất nhanh và nó sẽ tác động mạnh tới sản xuất, bởi vì các hệ thống phân phối, mạng phân phối sẽ là nơi đặt hàng cho sản xuất”, TS. Trần Du Lịch nhận định.

Chỉ rõ những khó khăn của thương mại nội địa, ông Phạm Đình Đoàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cũng cho rằng, phát triển thị trường nội địa gặp khó không chỉ xuất phát từ các nhà kinh doanh bán lẻ Việt còn nhiều yếu kém, việc phân phối các sản phẩm nội địa - sản xuất trong nước gặp khó còn do chính các nhà sản xuất trong nước chưa ý thức được tầm quan trọng của hệ thống phân phối, chưa quan tâm tới vấn đề marketing, xây dựng thương hiệu để tạo ra lợi thế cạnh tranh.

Vì vậy, ông Phạm Đình Đoàn cho rằng, cùng với những hỗ trợ từ phía nhà nước thì bản thân các doanh nghiệp cũng cần coi trọng xây dựng hình ảnh thương hiệu song hành với nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa.

“Trong việc hoạch định, xây dựng các doanh nghiệp phân phối bán lẻ cần có sự thảo luận cởi mở giữa Nhà nước và các doanh nghiệp lớn.

Trong khi miếng bánh thị trường không quá lớn nhưng vẫn xảy ra tình trạng như “quân ta đánh quân mình”, rất nhiều các doanh nghiệp trong nước tự “đánh nhau”, cạnh tranh không lành mạnh khiến tất cả các doanh nghiệp đều yếu, điều này đã tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nước ngoài tiến hành thâu tóm”, ông Đoàn cho biết.

theo VOV