clock

CEO Việt

07:50 27-09-2015

Doanh nhân Nhật Bản: Lâm Đồng sẽ là thiên đường nông nghiệp

“Thời kỳ nông nghiệp Việt bùng nổ đang đến. Chúng tôi muốn chuyển sang nhập khẩu từ Việt Nam để thay thế phần nào sản lượng nhập khẩu từ Trung Quốc”, giám đốc một doanh nghiệp Nhật Bản cho biết.

“Thời kỳ nông nghiệp Việt bùng nổ đang đến... Các bạn có cơ hội vì Nhật Bản nhập khẩu rất nhiều hoa và rau quả, nhưng lại đang đối mặt với vấn đề an toàn thực phẩm từ nguồn nhập khẩu chính là Trung Quốc. Chúng tôi cần thay đổi nước nhập khẩu. Và Việt Nam là một trong những lựa chọn thay thế”, ông Makoto Miyauchi, Quản lý cấp cao của DI (Dream Incubator), Giám đốc DI Vietnam, cho biết.

* Chào ông, xin ông nói rõ hơn về cơ hội và tiềm năng của nông nghiệp Việt Nam?

Ông Makoto Miyauchi: Như các bạn đã biết, Nhật Bản là một nước nhập khẩu ở Châu Á. Các mặt hàng nông sản, ví dụ như rau chẳng hạn, hiện chúng tôi nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc. Nhưng vài năm gần đây, người Nhật đang đối mặt với tình trạng an toàn thực phẩm vô cùng khủng khiếp.

Chúng tôi muốn chuyển đổi sang nhập khẩu từ Việt Nam để thay thế phần nào lượng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Việt Nam và Nhật Bản đang tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp. Tôi nghĩ, một mặt, doanh nghiệp Nhật Bản có thể cung cấp công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang có cơ hội để trở thành một phần trong chuỗi cung ứng các mặt hàng hoa và rau quả an toàn và chất lượng cao hơn tới Nhật Bản.

* Chính xác thì doanh nghiệp của ông đang làm gì ở Việt Nam?

Hiện chúng tôi được duyệt thực hiện 3 dự án chính.

Một là một khu nông nghiệp thực thụ (Agriculture in the real zone). Một yếu tố quan trọng trong nông nghiệp Việt Nam là chúng ta không có một vùng đất đủ rộng lớn. Chúng tôi đang làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng để quy hoạch một vùng đất đủ quy mô để thực hiện việc gieo trồng, xử lý sau thu hoạch... và vận chuyển đến TPHCM hoặc tới các nước xung quanh.

Một dự án nữa, dự kiến bắt đầu trong tháng tới, là kết nối các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực chế biến các loại máy móc công nghệ cao tới các doanh nghiệp địa phương ở Lâm Đồng. Dự án này không chỉ đơn thuần là hỗ trợ về chất lượng sản phẩm, mà cả vấn đề bao bì sản phẩm, phân loại và marketing tới các siêu thị (ở TPHCM chẳng hạn), nhằm nâng cao giá bán sản phẩm của cho các doanh nghiệp địa phương.

Với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp Nhật Bản, nông sản Việt Nam được kỳ vọng sẽ bán được giá hơn.

Dự án thứ 3 là thiết lập một thị trường bán buôn hoa. Hiện Lâm Đồng là vùng sản xuất hoa lớn nhất cả nước. Việt Nam có tiềm năng rất lớn về vùng sản xuất hoa, và hiện tại chúng tôi đang chuẩn bị thiết lập một hệ thống thị trường bán buôn hoa hiện đại.

Hiện tại, kênh phân phối từ Lâm Đồng đến TPHCM gồm nhiều bên, không có hệ thống giá cụ thể, người sản xuất thậm chí không hề biết hoa của họ bán giá bao nhiêu tại TPHCM. Chúng tôi sẽ thiết lập một hệ thống thị trường bán buôn, gồm cả hệ thống giá, hệ thống marketing, phân phối...

* Các dự án chính của DI đều đặt tại Lâm Đồng. Lâm Đồng có gì thu hút doanh nghiệp của ông đến vậy?

Lâm Đồng rất tiềm năng. Tôi nghĩ người Việt không hiểu Lâm Đồng có một khí hậu kỳ diệu thế nào trong việc sản xuất các sản phẩm cafe, sữa, rau, hoa, quả… chất lượng cao.

Vùng khí hậu như Lâm Đồng cực hiếm. Lâm Đồng có khí hậu tương tự như cao nguyên Cameron của Malaysia – khu vực nổi tiếng về du lịch và nông nghiệp, nơi xuất khẩu nông sản rất nhiều đến Singapore.

Khí hậu Lâm Đồng cũng tương tự như Kenya, Columbia, Ecuador… khá tương đồng. Tầm nhìn của tôi là khu vực này có thể cung cấp các nông sản an toàn, chất lượng cao.

Các bạn có cơ hội vì Nhật Bản nhập khẩu rất nhiều từ Trung Quốc (riêng sản phẩm rau, lượng nhập khẩu ở mức 50 - 60%). Tuy nhiên, có rất nhiều vấn đề về an toàn thực phẩm ở nước này trong vòng 10 năm qua.

Nhật rất coi trọng vấn đề an toàn và chất lượng đối với thực phẩm. Nhiều doanh nghiệp và siêu thị Nhật Bản đang chọn Việt Nam như một mắt xích mới trong chuỗi cung ứng nông sản.

* Tại sao là Việt Nam mà không phải là các nước nông nghiệp khác như Lào, Myanmar, Campuchia?

Việt Nam là nước tốt nhất.

Khí hậu là yếu tố quan trọng nhất trong việc sản xuất các loại nông sản mang tính thời vụ. Lâm Đồng là khu vực tuyệt nhất mà khí hậu ở đó cho phép người sản xuất có thể trồng rau suốt năm, thậm chí là làm 3 - 4 vụ.

Đó là lý do chúng tôi chọn Lâm Đồng. Thời kỳ để nông nghiệp của các bạn bùng nổ đang đến...

* Liên quan đến đầu ra cho nông sản, doanh nghiệp của ông có phối hợp với các nhà bán lẻ Nhật Bản? Aeon chẳng hạn…

Có đấy. Tôi đã trao đổi với CEO của Aeon tại Lâm Đồng. Chúng tôi có nhiều đơn vị tham gia các khâu để đảm bảo làm sao hệ thống phân phối không chỉ tới TPHCM mà còn tới các quốc gia khác như Nhật Bản chẳng hạn. Hệ thống của chúng tôi sẽ bao gồm cả công ty giao nhận, công ty sản xuất, nhà cung cấp, logistics...

* Ông nhận xét gì về hệ thống chính sách liên quan đến đầu tư nông nghiệp của Việt Nam?

Có rất nhiều chính sách cần làm rõ. Nhưng tôi chỉ muốn đưa ra một vấn đề. Đó là chính sách đất đai. Trong lĩnh vực nông nghiệp, giá đất và việc tiếp cận đất đai, quy trình chưa minh bạch.

Đó là vấn đề đầu tiên và là vấn đề lớn nhất đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng trong việc quyết định có đến Việt Nam đầu tư lĩnh vực này hay không.

Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị chính quyền cấp tỉnh đẩy nhanh các thủ tục thuê đất, công khai một bảng giá đất thị trường công bằng. Trong việc thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư, có thể hỗ trợ một vài ưu đãi như cung cấp Japan Desk (bàn Nhật Bản) để hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản về các vấn đề đất đai hoặc các vấn đề về thủ tục khác. Những thông tin đó cần được trao đổi rõ ràng và nên được công bố rộng rãi.

* Với Hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP), nếu được ký kết, nông nghiệp sẽ rất được lợi từ TPP. Doanh nghiệp Nhật Bản có thể sản xuất ở Việt Nam và xuất khẩu sang các nước khác với mức thuế ưu đãi, thậm chí bằng 0...

Nhật Bản cũng muốn bảo vệ nền nông nghiệp Nhật Bản.

Rõ ràng, doanh nghiệp Nhật Bản đang nhập khẩu rất nhiều từ các nước châu Á. Sản xuất của Nhật Bản đang co lại nên chúng tôi càng phải tăng cường nhập khẩu nhiều hơn. Nhưng Trung Quốc không còn là lựa chọn tốt. Các bạn đang có cơ hội.

* Xin cảm ơn ông!

Bên cạnh công việc tư vấn cho chính phủ Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản, Dream Incubator Việt Nam đồng thời quản lý một quỹ đầu tư 50 triệu USD. Quỹ này đã được rót cho 4 công ty ở Việt Nam, gồm: CTCP Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood, CTCP Thiết bị y tế Việt Nhật (JVC), Santedo - nhà phân phối và bán lẻ dược phẩm lớn ở phía Nam, và Mesa – công ty phân phối hàng tiêu dùng. Hiện quỹ này đã thoái vốn hoàn toàn khỏi Nutifood.

 

Với TPP, Nhật sẽ tìm đến Việt Nam

TPP sẽ tạo cơ hội cho ngành nông nghiệp Việt Nam tái cơ cấu và phát triển. Trong các đối tác tham gia TPP có Nhật Bản là đặt lợi ích bảo hộ thị trường nông sản cao. Tuy nhiên, nền kinh tế Nhật đang gặp khó khăn, tăng trưởng thấp, nên có thể Nhật sẽ nhượng bộ trong vấn đề nông nghiệp và Nhật sẽ tìm hướng hợp tác với Việt Nam để sản xuất nông, sản phẩm.

Điều này hoàn toàn có cơ sở vì Việt Nam hội đủ tiềm năng và nguồn lực phù hợp cho phát triển nông nghiệp xuất khẩu quy mô lớn.

Có 3 xu hướng Nhật Bản có thể hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp:

1) Nhật sẽ chuyển toàn bộ hệ thống sản xuất và quản lý nông nghiệp sang Việt Nam trong điều kiện giá lao động, chi phí sản xuất nông nghiệp của Việt Nam thấp hơn Nhật để tăng khả năng cạnh tranh với các quốc gia khác;

2) Nhật có thể đặt hàng các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hàng nông sản theo chuẩn của thị trường Nhật, có giá cả hợp lý và số lượng phù hợp nhu cầu thị trường Nhật;

3) Các doanh nghiệp Nhật Bản thực hiện hình thức thuê ngoài ngoại biên, nghĩa là, các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp của Nhật sẽ tiến hành đầu tư sang Việt Nam đứng ra tổ chức sản xuất và thuê nông dân Việt Nam trực tiếp sản xuất, sau đó xuất khẩu ngược trở lại Nhật Bản.

PGS. TS. Nguyễn Văn Trình

Nguyên Bảo

Theo Trí Thức Trẻ