clock

Doanh Nghiệp

02:19 01-05-2019

DOI DEP – THƯƠNG HIỆU CỦA ĐỜI ĐẸP

Khởi nguồn từ triết lý nhân sinh “không thể thiếu nhau”, nhà sáng lập thương hiệu DOI DEP, một doanh nhân thành danh trên thương trường đã quyết định dấn thân vào một cuộc chơi mới. Ở đó, DOI DEP là chuỗi Tea shop, khu resort, khu tắm bùn, khách sạn, hàng tiêu dùng nhanh… có chất lượng cao và dịch vụ đẳng cấp 5 sao. Mang trong mình sứ mệnh trở thành thương hiệu quốc gia của người Việt, DOI DEP đang đi những bước đi vững chắc trên hành trình vươn ra biển lớn.

 
Đầu tư bài bản
Thai nghén ý tưởng kinh doanh từ năm 2008 nhưng tới năm 2014, Đôi Dép – Do Difference, thương hiệu của Công ty CP Sandals có trụ sở tại Tp. Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng mới chính thức được thành lập.
 
Là một thương hiệu ra đời sau, muốn thành công trên sân nhà, thì sản phẩm và chất lượng dịch vụ là yếu tố đầu tiên tối quan trọng. Đó chính là lý do tại sao DOI DEP có sự đầu tư nghiêm túc cho chất lượng của từng sản phẩm khi đưa tới tay người tiêu dùng. Trong khi đó, ở mảng dịch vụ, nơi nào có sự xuất hiện của DOI DEP, nơi đó luôn thu hút mọi ánh nhìn bởi không gian sang trọng, đẳng cấp và phong cách phục vụ tận tâm.
 
DOI DEP ra đời là chuỗi kinh doanh cà phê sân vườn hướng vào giới doanh nhân hoặc "nhà giàu", là nơi để những người có tâm hồn đồng điệu có thể gặp gỡ, nói chuyện hoặc bàn chuyện làm ăn. Và bởi bắt nguồn từ ý tưởng đó, ông chủ của thương hiệu này đã đầu tư điểm kinh doanh cà phê độc, lạ với diện tích lên đến 4.000 m2. Đến nơi này, người ta ngỡ như lạc vào khu resort hơn là một điểm thưởng thức cà phê bình thường.
 
Được biết, sau khi xây dựng điểm kinh doanh cà phê đầu tiên, đến nay DOI DEP đã mở rộng mạng lưới ra Tp. Hồ Chí Minh và Nha Trang (Khánh Hoà). Sau khi có chuỗi cà phê, DOI DEP lại tiếp tục giới thiệu đến thị trường các Tea shop, khu resort, khu tắm bùn, khách sạn, và gần đây nhất là hàng tiêu dùng nhanh.
 
Trong không gian của các Tea shop, điểm kinh doanh cà phê hay resort, khách sạn được trang trí, bày biện theo số chẵn, chẳng hạn đó là những cặp ghế đôi, bình hoa đôi, bức tranh mẹ con, đối tác treo trên tường… tạo ra không gian vô cùng đặc biệt.
Đến cả người phục vụ cà phê, trà cũng luôn có hai người, một người bê ra và một người mời khách. Ở các điểm kinh doanh đặc biệt, chuỗi này còn có một người nước ngoài và một người Việt cùng phục vụ.
 
Cũng theo ông, các sản phẩm của công ty hiện nay đều là loại sản phẩm cao cấp phục vụ người Việt, chẳng hạn với sản phẩm trà ô long Đài Loan thì công ty đang có diện tích trồng cây chè thương hạng lên tới 100 ha ở Lâm Đồng, các sản phẩm cà phê cũng có những thương hiệu đặc biệt như cà phê collagen cho phái đẹp, cà phê chim, cà phê chồn; khu resort và khách sạn đạt chuẩn 5 sao...
 
 
DOI DEP ra đời là chuỗi kinh doanh cà phê sân vườn hướng vào giới doanh nhân hoặc “nhà giàu”
Triết lý “không thể thiếu nhau”
"Hai chiếc dép kia gặp gỡ tự bao giờ
Có yêu đâu mà chẳng rời nửa bước
Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược
Lên thảm nhung, xuống cát bụi cùng nhau
Cùng bước cùng mòn không kẻ thấp người cao
Cùng chia sẻ sức người chà đạp
Dẫu vinh nhục không đi cùng người khác
Số phận chiếc này phụ thuộc chiếc kia"
 
Đó là những câu thơ trong bài thơ Đôi Dép nổi tiếng của Nhà thơ Nguyễn Trung Kiên. Thế nhưng, ít ai ngờ rằng bắt nguồn từ bài thơ ấy mà một thương hiệu ra đời lấy tên Đôi Dép (DOI DEP) và mang trong mình cả một triết lý kinh doanh vô cùng sâu sắc.
Theo lời kể của ông chủ DOI DEP thì từ niềm yêu thích bài thơ với từng câu chữ đều mang ý nghĩa, đều ẩn chứa những triết lý của cuộc sống nên từ năm 2008 ông đã mua bản quyền bài thơ này. Sau đó, ông đã đăng ký chứng nhận độc quyền với các sản phẩm mang thương hiệu DOI DEP và chuỗi sản phẩm lên tới con số 58. 
 
Theo triết lý kinh doanh của DOI DEP thì các sản phẩm của hệ sinh thái “Không thể thiếu nhau” đang kinh doanh sẽ luôn luôn có đôi. Đó là, bán 2 chứ không bán 1 (khi người mua 1 thì sẽ được thêm 1) và nếu mua 3 thì sẽ được 4. Mục đích của việc bán có đôi này là truyền thông điệp rằng khi người ta mua sắm cái gì thì phải nghĩ đến người khác, đó có thể là bạn bè, người thân. Chẳng hạn, bán chai nước uống tinh khiết theo cặp, rồi kem đánh răng thì đi kèm bàn chải, hộp cà phê cũng chia ra 2 ngăn… Giá niêm yết cho sản phẩm đôi sẽ chỉ tương đương với 1 hoặc cao hơn chút ít, như thế sẽ khuyến khích người dùng hơn.
 
Sau một thời gian miệt mài xây dựng, hệ sinh thái của “Không thể thiếu nhau” đã dần hoàn thiện. Trong đó yếu tố con người được công ty cực kỳ coi trọng để phát triển thương hiệu. KPIs xây dựng cho người lao động chính là thái độ, tốc độ và trình độ. Những người cùng làm việc với nhau thì phải có lợi cho cả đôi bên, nhưng sự có lợi ấy không đơn thuần là Win Win mà là bên này không thể thiếu bên kia.
"Cũng giống như một đôi dép, nếu đôi hàng hiệu cả nghìn USD nhưng khi rớt một chiếc thì chiếc kia sẽ vô nghĩa, chẳng bằng một đôi dép tổ ong vài chục nghìn đồng. Mất một là mất hết chứ không phải chỉ mất 50% giá trị như những thứ khác", Ông Kotygin Ilya – Giám đốc điều hành Công ty CP Sandals khẳng định.
 
 
Đến với DOI DEP người ta ngỡ như lạc vào Khu Resort hơn là điểm thưởng thức Cafe bình thường
Vươn ra biển lớn
Đối với nhà sáng lập thương hiệu DOI DEP thì mục tiêu ra đời, khát vọng mà thương hiệu này hướng tới chính là trở thành một thương hiệu quốc gia tiêu biểu của Việt Nam để vươn ra biển lớn. Thứ mà ông xây dựng không phải là một mô hình kinh tế nào mà là một hệ sinh thái, ở đó triết lý bao trùm là “Không thể thiếu nhau”. 
 
"Tại sao lại là Đôi Dép? Nếu nhìn đơn thuần thì đó là bài thơ viết về tình yêu đôi lứa, nhưng dưới góc nhìn của doanh nhân thì đó lại là triết lý doanh nghiệp. Những vật tầm thường cũng có thể thành thơ, cùng bước, cùng mòn, cùng lên, cùng xuống, cái này tồn tại phải có cái kia, như thế là Không thể thiếu nhau".
Hệ sinh thái này có 3 cốt lõi đó là du lịch, sản phẩm từ trà và các dòng sản phẩm tiêu dùng nhanh. Triết lý không thể thiếu nhau là thông điệp để mọi người, từ đối tác, trong gia đình, bạn bè, tình yêu… đều có thể ứng dụng một cách linh hoạt và cùng hướng về một "doi dep tức đời đẹp" – phiên bản thứ 2 của đôi dép.
 
Nói đến hệ sinh thái đang xây dựng và phát triển, nhà sáng lập DOI DEP cho biết thương hiệu chính là con người. Một sản phẩm có nhân cách tính cách, họ biến sản phẩm thành con người. Và ông mong muốn người Việt sẽ được dùng những sản phẩm tốt nhất mang chất lượng quốc tế. Do đó nhân sự của Sandals hiện nay cũng có tới 50% đến từ nước ngoài, chủ yếu là các nước như Nga, Ukraine, Pháp, trong khi các sản phẩm đưa ra thị trường trước tiên phải đạt tiêu chuẩn quốc tế.
 
Còn theo Ông Kotygin Ilya: "Đối với sản phẩm trà, hiện nay Việt Nam chủ yếu xuất khẩu trà nguyên liệu ra nước ngoài rồi họ chế biến và xuất tiếp đi các nước khác với giá đắt đỏ lên đến hàng chục ngàn USD. Nhưng chúng tôi sẽ khai thác nguồn nguyên liệu này rồi xuất khẩu ra nước ngoài trực tiếp, sẽ không chỉ tạo ra được sản phẩm thương hiệu Việt chất lượng cao mà còn giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn con người". Ông cho biết thêm việc ông bỏ công việc từ Nga về làm cho người Việt là mục đích làm cầu nối cho thương hiệu này sang thị trường Âu Mỹ.
 
Quả thật, đối với DOI DEP nói riêng và các doanh nghiệp Việt nói chung thì hành trình đưa thương hiệu vượt khỏi biên giới quốc gia không chỉ chờ đợi “hữu xạ tự nhiên hương”, mà cần sự nỗ lực với những chiến lược kinh doanh táo bạo. Đổi lại, không chỉ doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng, mà giá trị doanh nghiệp cũng được nâng cao nhờ thương hiệu gây dựng được chỗ đứng trong lòng khách hàng. Theo đúng tinh thần trong phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Chúng ta hiểu sâu sắc rằng xây dựng được những thương hiệu mạnh chính là phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc và xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam”. 
 
 
Mỹ Dung