Dỡ rào cản cho hàng nhập khẩu
Khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN ( AEC ) thành lập, Việt Nam có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Theo đó, tiếp cận thị trường của Việt Nam sẽ được cải thiện bởi môi trường thương mại hiệu quả, minh bạch và dễ dự đoán cùng với việc đơn giản hóa thủ tục hải quan, giảm chi phí cho các giao dịch thương mại quốc tế sẽ góp phần tạo dựng một môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy các DN nâng cao khả năng cạnh tranh.
Cơ hội tiếp cận thị trường mới dành cho các nhà xuất khẩu ASEAN được mở rộng với việc loại bỏ các rào cản thương mại và dịch vụ. Quy tắc xuất xứ linh hoạt, hiện đại, tính minh bạch hóa cao là một số trong nhiều yếu tố thuận lợi.
Ví dụ, về chứng nhận xuất xứ hàng hóa, với 60% sản phẩm được sản xuất từ ASEAN thì được chứng nhận là sản phẩm trong ASEAN, sẽ được hưởng lợi thế trong các hiệp định thương mại tự do ( FTA ) trong ASEAN, nhất là thương mại liên quan đến hội nhập kinh tế . Cắt giảm thuế quan cũng là một thuận lợi giúp nâng cao khả năng cạnh tranh cho DN Việt Nam.
Thuế suất trong ASEAN sẽ về từ 0%-5%, nếu sản xuất để xuất khẩu thì sẽ không phải chịu thuế hoặc thuế thấp. Nhập khẩu máy móc cũng không phải chịu thuế, điều này sẽ tạo điều kiện cho việc hạ giá thành và tăng chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa.
Tham gia AEC sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh cải cách trong nước, đặc biệt là hoàn thiện thể chế kinh tế và hoàn thiện chính sách thương mại quốc tế trong bối cảnh mới cũng như thúc đẩy DN nâng cao khả năng cạnh tranh. Việt Nam đồng thời có cơ hội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào nền hành chính điện tử với Hiệp định khung e-ASEAN đã được ký kết bởi các nhà lãnh đạo ASEAN từ tháng 11/2000.
Từ đó sẽ khuyến khích sự tăng trưởng thương mại điện tử trong khu vực ASEAN, tự do hóa thương mại trong các sản phẩm công nghệ thông tin, dịch vụ và đầu tư, phát triển một xã hội điện tử trong ASEAN, thúc đẩy xây dựng năng lực để thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số trong từng nước thành viên ASEAN.
Hàng rào thuế quan giảm dần từ 5% còn 0% từ năm 2015 đến 2018 vừa là cơ hội vừa là thách thức rất lớn đối với Việt Nam bởi cơ cấu kinh tế Việt Nam và các thành viên AEC khá tương đồng, trong khi năng lực cạnh tranh về công nghệ và chất lượng sản phẩm của ta lại có phần thấp hơn. Việc mở cửa thị trường cũng sẽ làm gia tăng áp lực cạnh tranh trên sân nhà đối với hơn 30% DN trong nước đang hoạt động trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ.
Vì vậy, cần có sự phối hợp giữa nhiều cơ quan trong Chính phủ. Hàng hóa của các nước ASEAN sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam, mang lại cơ hội mua hàng giá rẻ cho người tiêu dùng, giúp kiềm chế tăng giá hàng ngoại nhập nhưng cũng là thách thức đối với DN sản xuất hàng tiêu dùng Việt có sức cạnh tranh thấp. Ngoài ra, Việt Nam cũng còn nhiều lúng túng trong xây dựng và vượt qua với các rào cản kỹ thuật nhằm bảo hộ sản xuất trong nước và xuất khẩu.
Những cơ hội và thách thức khác từ AEC sẽ tiếp tục mở ra từ các hoạt động hỗ trợ DN vừa và nhỏ (SME) phát triển. Nếu không giành được sự hỗ trợ này, DN sẽ bị bất lợi trong cạnh tranh.
Giảm thiểu lũng đoạn thị trường
Không thụ động trước cơ hội và tự ti, phó mặc trước mọi thách thức mà AEC đặt ra, DN Việt Nam cần hành động một cách chủ động và tích cực, mang tính phối hợp và liên kết nhiều hơn; tập trung vào các ngành sản xuất mũi nhọn như giày dép, dệt may, điện tử, phần mềm và chế biến thực phẩm, hải sản… để giữ vững thị trường trong nước; đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh, trở thành công xưởng hoặc tham gia chuỗi cung ứng giá trị, tạo nhiều sản phẩm xuất khẩu sang các nước trong và ngoài AEC.
Quốc hội, Chính phủ, các địa phương và tổ chức hiệp hội kinh doanh cần phối hợp chặt chẽ với nhau, coi trọng tính đồng bộ, hài hòa của các mục tiêu, loại công cụ chính sách và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho DN phát triển; kiểm soát tốt hơn độc quyền cả nhà nước và độc quyền tư nhân; trừng trị nghiêm khắc, kịp thời hơn những hành vi tham nhũng , cản trở hoạt động kinh doanh lành mạnh; tiếp tục hỗ trợ DN giảm chi phí sản xuất, xác định đúng và khai thác tốt các lợi thế và định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh doanh, sản phẩm, cải thiện năng lực đổi mới và công nghệ, nâng cao liên kết và sức cạnh tranh kinh tế, mở rộng thị trường tiêu thụ...
Các biến động chính sách phải tường minh và có thể dự báo được trong xu hướng ổn định, nhất quán, phù hợp các nguyên tắc kinh tế thị trường và yêu cầu cam kết hội nhập, các thông lệ thế giới cũng như các tín hiệu thị trường khách quan. Nâng cao chất lượng và sự đồng bộ văn bản luật; giảm thiểu việc lạm dụng và hiện tượng “vận động hành lang”, “chạy chính sách”, “sự liên kết lợi ích nhóm” giữa DN độc quyền - ngân hàng - quan chức có liên quan để trục lợi và lũng đoạn thị trường, lãng phí các nguồn lực quốc gia.
Đặc biệt, cần tôn trọng quy trình cũng như yêu cầu của các quy luật kinh tế thị trường và cam kết hội nhập quốc tế, tăng cường kiểm toán độc lập, xây dựng và áp dụng rộng rãi hệ thống chỉ tiêu hiệu quả cùng hệ số tín nhiệm; giảm điều hành nền kinh tế bằng các giải pháp hành chính kéo dài, thị trường nửa vời hoặc ngược với quy trình thị trường; nâng cao chất lượng văn bản luật và các văn bản dưới luật, hướng dẫn thực hiện luật...
6 yếu tố và 12 lĩnh vực ưu tiên
AEC ưu tiên 6 yếu tố: chính sách cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, quyền sở hữu trí tuệ, phát triển cơ sở hạ tầng, hệ thống thuế khóa và thương mại điện tử. Bên cạnh đó, từng bước xóa bỏ hàng rào thuế quan và hàng rào phi thuế quan; chấp thuận các tiêu chuẩn và kinh nghiệm sản xuất, phân phối quốc tế tối ưu nhất. Những thủ tục hải quan và thương mại được tiêu chuẩn hóa, hài hòa và đơn giản hơn sẽ góp phần làm giảm chi phí giao dịch.
AEC cũng xác định 12 lĩnh vực ưu tiên liên kết, đó là: nông sản, ô tô, điện tử, nghề cá, sản phẩm từ cao su, dệt may, sản phẩm từ gỗ, vận tải hàng không, thương mại điện tử ASEAN, chăm sóc sức khỏe, du lịch và logistics.
Theo Báo Người Lao Động