clock

Tài Chính

08:44 12-11-2022

Dự án "cứu" sân bay Tân Sơn Nhất chờ... cứu

4 năm mỏi mòn chờ nhà ga mới T3 là 4 năm hình ảnh Cảng hàng không Tân Sơn Nhất ngày càng quá tải, dẫn tới xảy ra nhiều sự việc, hiện tượng không đáng có. Công trình trọng điểm quốc gia, dự án cấp bách được coi là “thuốc cứu” Tân Sơn Nhất nhưng đến nay vẫn loay hoay chờ tháo gỡ.

Làm xong cọc thử vẫn chưa được giao mặt bằng
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa có văn bản báo cáo tiến độ dự án nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV, đơn vị chủ đầu tư dự án) sẽ phải hoàn thành toàn bộ công tác thi công xây dựng trong 24 tháng và đưa dự án vào khai thác trong năm 2024.

Hiện tại ACV đã hoàn thiện công tác chuẩn bị cho việc khởi công công trình. Cụ thể, được sự quan tâm tạo điều kiện của các đơn vị quân đội tại Cảng hàng không, ACV đã động thổ và triển khai thi công cọc thử của hạng mục nền, móng, cọc, đáy hầm của công trình vào ngày 26.7; đến nay đã hoàn thành thi công toàn bộ 10/10 cọc thử.

Hành khách mòn mỏi chờ hành lý tại sân bay Tân Sơn Nhất  H.M

Tiến độ chung của dự án đang được xây dựng trên cơ sở được bàn giao đất trong tháng 11. Theo đó, công tác thi công cọc đại trà, nền móng, đáy hầm công trình sẽ hoàn thành sau 4 tháng kể từ khi được bàn giao mặt bằng (dự kiến hoàn thành vào tháng 3.2023). Ở hạng mục thân nhà ga (tòa nhà bên trên), ACV chờ Cục Quản lý đầu tư xây dựng thẩm định duyệt thiết kế kỹ thuật. Dự kiến trong tháng 12 chủ đầu tư sẽ phát hành hồ sơ mời thầu và đấu thầu trong khoảng thời gian 2 tháng.

Tiến độ thi công các hạng mục cũng đã được ACV lên kế hoạch cụ thể, chi tiết: công trình cầu vượt rẽ nhánh, đường tầng, đường giao thông, sân đỗ máy bay và sân đỗ ô tô thực hiện từ tháng 2.2023 - 8.2024; thi công lắp đặt kết cấu thép, ống lồng cố định, mái công trình trong 1 năm, từ tháng 5.2023 - 5.2024; phần thân nhà ga, nhà xe cao tầng và nhà cơ điện sẽ xây dựng từ tháng 2.2023 - 11.2024. Nhà ga T3 dự kiến sẽ nghiệm thu, vận hành thử vào tháng 12.2024.

Đáng nói, vốn DN sẵn có, mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng cả năm nay nhưng theo ACV, đến nay chủ đầu tư vẫn chưa nhận được mặt bằng sạch để thi công dự án. Câu chuyện mặt bằng làm nhà ga T3 tưởng như đã được giải quyết từ hồi tháng 7 khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 93 về tháo gỡ vướng mắc trong việc bàn giao đất quốc phòng để thực hiện dự án và đường giao thông kết nối.

Thế nhưng phải tới 13.10 UBND TP.HCM mới ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm phục vụ công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ để thực hiện dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Bộ GTVT trước đó đã buộc phải báo cáo lùi ngày khởi công dự án sang quý 4 và đến nay thủ tục bàn giao mặt bằng vẫn chưa về đích.

Phối cảnh nhà ga T3  ACV

Chờ thêm ngày nào, Tân Sơn Nhất khốn khổ ngày đó
Từ năm 2018, T3 đã được đưa vào danh sách những dự án cấp bách, trọng điểm quốc gia bởi dù công suất thiết kế chỉ đảm bảo phục vụ 28 triệu lượt hành khách/năm nhưng từ 2017 sân bay nhộn nhịp nhất cả nước đã đón tới 36 triệu lượt khách, năm 2018 đạt 38,3 triệu và cao điểm du lịch 2019 lên tới 40,13 triệu lượt hành khách. Trung bình mỗi ngày Tân Sơn Nhất phục vụ từ 98.000 - 100.000 lượt khách.

Khách đông, hạ tầng không theo kịp dẫn tới quá tải. Bắt đầu từ việc máy bay bay vòng trên trời chờ đường băng trống, hành khách vạ vật ngồi dưới đất vì nhà ga hết ghế trống, ùn tắc dần dần lan ra khu vực nhà gửi xe, vào tới khu ống lồng; sự chờ đợi kéo dài từ xe taxi bên ngoài nhà ga tới xe buýt bên trong nhà ga và bây giờ, tới hành lý cũng phải chờ.

Những ngày gần đây, q nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về tình trạng chờ mỏi mòn cả tiếng đồng hồ mới lấy được hành lý ký gửi sau khi đáp chuyến bay xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Nhanh thì 30 phút, trung bình 45 - 50 phút, thậm chí có những hành khách phải chờ tới hơn 1 giờ đồng hồ vẫn chưa lấy được hành lý dù bây giờ đang mùa thấp điểm, sân bay vắng khách.

Trong khi theo quy định của ACV về chất lượng dịch vụ khu vực băng chuyền hành lý đến, đối với chuyến bay quốc tế, kiện hành lý đầu tiên di chuyển đến cuối băng chuyền trong vòng 20 phút từ lúc chuyển lên đầu băng chuyền, các chuyến bay nội địa chỉ là 10 phút. Thế nhưng thực tế thời gian hành khách phải chờ đợi hiện nay tại sân bay Tân Sơn Nhất gấp 4 - 7 lần quy định.

Lý giải tình trạng này, đại diện hãng hàng không Vietjet cho biết có 2 nguyên nhân chính: Thứ nhất là đơn vị cung cấp dịch vụ mặt đất tại sân bay Tân Sơn Nhất đang chứng kiến cuộc khủng hoảng về nhân sự. Do thời gian dịch bệnh Covid-19 kéo dài, ngành hàng không bị ảnh hưởng nặng nề và cho đến nay vẫn chưa phục hồi nên đã có số lượng lớn nhân lực trong ngành xin nghỉ việc, chuyển việc, chưa thể tuyển dụng đủ.

Trong bối cảnh đó, việc phân chia ca kíp, khung giờ làm việc gặp nhiều khó khăn nên có thể dẫn tới tình trạng thiếu nhân viên bốc xếp hành lý tại một số khung giờ cao điểm trong ngày. Thứ hai là bất cập về hạ tầng. Hiện toàn bộ hành khách và hàng hóa của các chuyến bay nội địa đều đổ vào một cửa của nhà ga nội địa. Hành khách thì luôn được ưu tiên nên vào trước, trong khi xe chở hành lý phải đi sau, nhường đường cho máy bay, xe chở khách... nên sẽ vào sau, khiến hành khách phải chờ đợi lâu hơn.

Mọi bất cập đều phải chờ T3
Ông Đỗ Tất Bình, Phó tổng giám đốc ACV, thừa nhận các nhà cung cấp dịch vụ mặt đất sân bay cũng như nhiều đơn vị ngành hàng không thời gian qua chứng kiến một làm sóng nghỉ việc rất lớn. Nhân lực không đủ để phục vụ nhu cầu đang tăng cao trở lại của hành khách sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, đó chưa phải nguyên nhân chính.

Vấn đề lớn nhất của sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay là hạ tầng đã quá tải trầm trọng. Phục vụ lượng khách nhiều gấp gần 2 lần công suất thiết kế, phần sân đỗ của cảng Tân Sơn Nhất quá chật chội, không phải máy bay nào cũng có thể đậu sát nhà ga. Những máy bay đậu xa thì thời gian chở hàng hóa vào tới khu vực băng tải có khi phải mất tới 30 phút.

Ngay cả với những máy bay được đậu gần, vào tới sát nhà ga cũng không thoát khỏi cảnh chờ đợi bởi số lượng băng tải hiện nay quá ít so với số chuyến bay. Một băng tải nhiều khi phải đảm nhận trả hành lý cho 4 - 5 chuyến bay mà phải sắp xếp lần lượt từng chuyến một để tránh nhầm lẫn, náo loạn hành lý. Trong một số khung giờ cao điểm, 2 - 3 chuyến bay hạ cánh cùng lúc, sử dụng chung một băng tải hành lý, sẽ phải chờ lần lượt.

“Mấu chốt hiện nay vẫn là hạ tầng quá tải. Nhà ga quá chật không thể tổ chức đảm bảo chất lượng phục vụ tốt nhất cho số lượng hành khách gần gấp đôi công suất như hiện nay. Những bất cập của sân bay Tân Sơn Nhất chỉ có thể chờ nhà ga T3 giải cứu”, ông Đỗ Tất Bình nhấn mạnh.

Lãnh đạo Cảng hàng không Tân Sơn Nhất cũng thừa nhận mọi sự cố gắng điều chỉnh, linh hoạt phân luồng, quản lý hiện nay chỉ dừng ở mức “dồn chỗ này, bóp chỗ kia” sao cho khoa học nhất. Hạ tầng đã quá tải gấp nhiều lần, rất khó để giải quyết tận gốc các bất cập. Sân bay Tân Sơn Nhất chỉ có thể chờ nhà ga T3 và sân bay Long Thành “giải cứu”.

Tiến độ bị động phụ thuộc vào thời điểm nhận bàn giao

Đại diện ACV cho biết: “Nhìn chung, mọi công tác chuẩn bị thi công đã được chuẩn bị sẵn sàng, vấn đề hiện nay là Bộ Quốc phòng vẫn chưa bàn giao xong mặt bằng cho UBND TP.HCM. Còn nhiều vướng mắc về giấy tờ và việc kê khai giá các công trình liên quan. Sau khi UBND TP.HCM nhận mặt bằng, chuyển giao lại cho Cảng vụ hàng không thì cảng vụ mới giao lại cho ACV để thi công. Vì thế, tiến độ của dự án có đạt được theo dự kiến hay không vẫn đang bị động, phụ thuộc vào thời điểm nhận bàn giao mặt bằng sạch”.

Theo Thanh Niên