clock

Trong Nước

09:15 06-04-2023

Dự thảo mới Luật BHXH: Người lao động sắp được đóng BHXH bằng tổng mức lương nhận được?

Dự thảo sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội mới đây đã đưa ra 2 phương án xác định tiền lương đóng bảo hiểm. Nếu phương án thứ 2 được lựa chọn, quyền lợi về bảo hiểm xã hội (BHXH) của người lao động sẽ tăng lên đáng kể.

Ai sẽ được đóng bảo hiểm bằng tổng mức lương được trả hàng tháng?

Theo khoản 1 Điều 7 dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội mới, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) của người lao động làm việc theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được cân nhắc thực hiện theo một trong 2 phương án sau đây:

Phương án 1: Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động.

Như vậy, cách xác định tiền lương đóng BHXH bắt buộc của phương án 1 thực hiện tương tự như quy định hiện nay.

Phương án 2: Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động.

Như vậy, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc theo phương án 2 bao gồm:

- Mức lương theo công việc hoặc chức danh.

- Phụ cấp lương bao gồm cả các khoản phụ cấp bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, công việc, sinh hoạt, mức độ thu hút và các khoản phụ cấp gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc.

- Các khoản bổ sung khác bao gồm: Khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận và các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương hợp đồng, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc.

- Không bao gồm tiền thưởng, các khoản hỗ trợ và trợ cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.

Với phương án này, người lao động đi làm công ty sẽ gần như được đóng BHXH theo tổng mức lương được nhận. Bởi tiền lương làm căn cứ đóng BHXH được tính bằng tổng mức lương cùng tất cả các khoản phụ cấp và các khoản bổ sung gắn với quán trình làm việc, kết quả thực hiện của người lao động.

Nếu phương án 2 được lựa chọn thì sắp tới, bất kì ai đi làm công ty cũng đều có cơ hội được đóng bảo hiểm xã hội theo tổng mức lương được trả.

Nếu phương án đóng BHXH theo tổng mức lương được nhận thông qua, 7 khoản tiền sau sẽ tăng mạnh

 

Nếu đề xuất đóng bảo hiểm xã hội theo phương án 2 được thông qua, người lao động sẽ được bảo bảo tối ưu quyền lợi về chế độ bảo hiểm.

Đóng bảo hiểm xã hội theo tổng mức lương được nhận đồng nghĩa với việc tăng tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. Kéo theo đó, mức hưởng các khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội và lương hưu sẽ tăng đáng kể. Cụ thể, 7 khoản tiền sau sẽ tăng mạnh:

- Trợ cấp ốm đau

- Trợ cấp thai sản khi lao động nữ sinh con, người lao động nhận con nuôi dưới 6 tháng

- Trợ cấp thai sản trong các trường hợp khác

- Lương hưu

- Trợ cấp 1 lần khi nghỉ hưu

- Tiền bảo hiểm xã hội 1 lần

- Tiền trợ cấp tuất 1 lần

Mức tăng cụ thể đối với từng khoản tiền sẽ phụ thuộc vào sự chênh lệch giữa mức lương đang đóng BHXH bắt buộc với mức lương thực tế mà người lao động được nhận từ doanh nghiệp và công thức tính từng loại trợ cấp bảo hiểm, lương hưu.

Ví dụ:Chị C nhận lương 8 triệu đồng/tháng nhưng đang đóng BHXH với mức lương cơ bản là 5 triệu đồng/tháng. Khi nghỉ hưởng chế độ thai sản 6 tháng, được hưởng 5 triệu đồng x 6 tháng = 30 triệu đồng.

Nhưng nếu đóng BHXH theo tổng mức lương được nhận, chị C sẽ được nhận 8 triệu đồng x 6 tháng = 48 triệu đồng (nhiều hơn khi đóng bảo hiểm theo lương cơ bản đến 18 triệu đồng).