clock

Thế Giới

05:56 05-04-2016

Đua lạc đà: Thị trường trị giá triệu đô tại Trung Đông

Những người huấn luyện cho biết, giá trị bắt đầu của mỗi con lạc đà là khoảng 55.000 USD và mỗi tháng, họ dành khoảng 1.400 USD để nuôi một con lạc đà đua.

Người dân vùng Vịnh sử dụng robot để điều khiển lạc đà đua. Ảnh: BBC.

Ngồi trong phòng chờ một chuyến bay tới Doha tại Sân bay Quốc tế Dubai, Faisal và Ahmed, tới từ Oman, chia sẻ lý do họ đến thành phố này.

Những nguyên nhân cơ bản nhất của sự xuất hiện đó bao gồm việc tham dự cuộc đua lạc đà.

"Tôi thích nuôi lạc đà đua. Và đó là một truyền thống của gia đình. Gia tộc bên nội của tôi thích nuôi lạc đà trong khi gia đình bên ngoại thích nuôi ngựa. Từ nhỏ, tôi đã rất yêu mến chúng", Faisal nói.

Người Oman là chuyên gia trong việc nuôi, huấn luyện và đua lạc đà. Ảnh: BBC.

Mật ong và trứng

Theo BBC, Faisal đang làm việc trong ngành công nghiệp truyền thông. Bên cạnh đó, anh cũng nuôi lạc đà với sự giúp đỡ của gia đình. Người đàn ông này cho biết, công việc khiến anh vui vẻ.

Ngày nay, người Trung Đông không còn nuôi lạc đà để lấy sữa và thịt mà để kiếm tiền và trở thành triệu phú.

Theo Faisal, chi phí để nuôi lạc đà đua không rẻ. Giá khởi điểm của một con lạc đà là khoảng 55.000 USD hoặc có thể nhiều hơn.

Năm 2010, một người hâm mộ lạc đà đua tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) dùng 9,3 triệu USD để mua 3 con lạc đà.

Giá của những con chiến thắng trong cuộc đua thậm chí còn cao hơn, khoảng 5 đến 10 triệu USD. Một số có thể lên đến 30 triệu USD.

Tuy nhiên, để đạt đến mức giá này không dễ dàng. Những con lạc đà phải vượt qua vòng sơ khảo tại vùng Vịnh và dành được vị trí cao trong các cuộc đua lớn.

Độ tuổi phù hợp để loài động vật này tham gia vào đường đua là khoảng từ 2 đến 7 tuổi.

Bên cạnh đó, họ phải chuẩn bị một chế độ ăn đặc biệt cho lạc đà, gồm mật ong, sữa tươi, trứng, quả chà là và các vitamin.

“Chúng tôi dành khoảng 1.400 USD mỗi tháng để nuôi một con lạc đà đua”, người đàn ông này chia sẻ.

Những người thống trị vùng Vịnh thường định giá lạc đà. “Họ mua loài vật này từ người sở hữu và nâng cao khả năng cũng như giá trị của chúng.

Tuy nhiên, họ không bao giờ bán. Trong những cuộc thi, các nhà lãnh đạo này cũng tham gia một cách bình đẳng như người dân. Họ làm việc này với sự giúp đỡ của người Oman, bậc thầy về đua lạc đà”, Feisal nói.

Lạc đà và những cuộc đua

Các nước vùng Vịnh là một thị trường buôn bán lạc đà lớn. Họ bán lạc đà cho những người chăn nuôi và những người đưa chúng vào các cuộc đua. Hoạt động này vô cùng phổ biến.

Faisal cho hay, họ thường tổ chức các cuộc đua lạc đà địa phương và các hội chợ hàng tuần với mục đích chọn ra những con tốt nhất để tham gia những cuộc đua lớn như Gulf Racing Cup, Camel Racing Festival hàng năm của Dubai và Shahanya Camel Races tại Qatar.

Tuỳ theo độ tuổi của lạc đà mà các đường đua có độ dài khác nhau, từ 1,5 đến 8 km. Lạc đà thắng trận chung kết sẽ đạt được biểu tượng là một thanh kiếm, tương đương với việc thắng trong trò Jackpot với 3 triệu USD.

Tuy nhiên, người Trung Đông không bao giờ tổ chức hay tham gia cá cược bởi điều này bị cấm trong đạo Hồi.

Ngày nay, thay vì sử dụng trẻ em làm người điều khiển, họ chuyển sang sử dụng những con robot. Tuy nhiên, người lớn vẫn có thể làm công việc này, Faisal nói.

Anh tin rằng, những cuộc đua như thế này có thể trở thành sự kiện thể thao phổ biến ở những nơi khác trên thế giới, thậm chí cả châu Âu.

“Khí hậu châu Âu khá thuận lợi cho lạc đà. Một môi trường nóng và khô sẽ khiến nó mất sức”, anh nói.

theo Zing