clock

Trong Nước

08:32 19-12-2022

Đường phố TP.HCM dọn lô cốt đón tết

Nhiều công trình lớn hoàn thành, trả lại cho TP.HCM những con đường thông thoáng, sạch sẽ trước Tết Nguyên đán 2023.

Đường phố “lột xác”, hàng quán hồi sinh

Tối cuối tuần, quán kem Bạch Đằng tại góc giao lộ Lê Lợi - Pasteur đông nghẹt khách. Sau gần 6 năm bị rào chắn thi công tuyến metro số 1 án ngữ, quán kem danh tiếng hơn 50 tuổi của TP.HCM đã được sửa chữa, chỉnh trang để cùng cả tuyến đường khoác lên mình tấm áo mới. Lô cốt tháo dỡ, mặt đường được trải nhựa mới, không gian quán hiện lên thoáng đãng, rộng rãi hơn rất nhiều.

“Bạch Đằng là quán kem nổi tiếng nhất Sài Gòn. Đây không chỉ đơn thuần là một quán kem mà còn như một điểm để họp mặt gia đình, đoàn tụ bạn bè, ghi dấu trong tiềm thức nhiều người con gốc Sài thành. Cũng nhờ lợi thế vị trí mà hơn 50 năm trôi qua, bất chấp mọi đổi thay của cuộc sống, kem Bạch Đằng vẫn là địa điểm được ưa chuộng để ngắm phố phường Sài Gòn. Suốt nhiều năm bị rào chắn metro che lấp, dường như mọi người cũng dần lãng quên. Giờ đi qua thấy quán tấp nập, cũng thấy vui thay cho chủ quán”, Lam Anh, một người gốc 3 đời ở thành phố này, chia sẻ.

Tuyến đường trung tâm TP.HCM khang trang, sạch đẹp sau khi được “giải phóng” lô cốt  NHẬT THỊNH

Quán kem Bạch Đằng không phải là quán duy nhất trên đường Lê Lợi lột xác sau khi được tháo dỡ rào chắn lô cốt. Kể từ tháng 4 đến nay, đường Lê Lợi nhập cùng tuyến đường đi bộ Nguyễn Huệ đã trở thành điểm vui chơi, “check-in” quen thuộc của người dân và du khách khi đến TP.HCM. Các hoạt động vui chơi giải trí, mua sắm diễn ra tới tận tối muộn, đặc biệt vào các ngày cuối tuần. Theo kế hoạch đang được các sở, ngành nghiên cứu tham mưu UBND TP, vòng xoay giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi sắp tới sẽ được hoàn trả nguyên trạng. Bó vỉa sẽ được làm mới toàn bộ bằng đá granit xám, xếp lên nền hiện trạng tạo thành vòng xoay hình tròn. Phần diện tích giữa bó vỉa và đài phun nước hiện hữu sẽ trồng cây xanh ngắn ngày có cùng chủng loại và màu sắc, có thể thay đổi cách trang trí màu hoa phù hợp khi có các sự kiện, ngày lễ.

Tiếp nối tuyến Lê Lợi, phần rào chắn cuối cùng phục vụ thi công tuyến metro số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên) tại khu vực trung tâm TP.HCM được tháo dỡ hồi tháng 8 cũng đã trả lại diện mạo cho chợ Bến Thành khu vực vòng xoay Quách Thị Trang. Hiện nay, phương án tái lập đang được tạm xác định ở mức độ san lấp phẳng, trải nhựa. Sở QH-KT đang đề xuất không thực hiện tái lập các phần công trình phụ trợ khác mà sẽ nghiên cứu phương án để triển khai phố đi bộ cùng cụm Nguyễn Huệ - Lê Lợi. Vậy là sau 6 năm bị bủa vây bởi các hàng rào chắn bụi mù mịt từ công trường, tết này, người dân và du khách đã có thể thoải mái đi dạo dọc tuyến đường đẹp nhất trung tâm TP.HCM.

Dịch sang các quận vùng ven, nhiều công trình trọng điểm thi công suốt nhiều năm tại một số quận, huyện cũng đã hoàn thiện, trả lại những con đường thông thoáng, sạch sẽ. Đơn cử, dãy rào chắn thi công dự án “Cải thiện môi trường nước TP.HCM lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Kênh Đôi - Tẻ giai đoạn 2” trên đường Bến Vân Đồn (Q.4) án ngữ gần 6 năm dọc bờ kênh Tàu Hủ đã “biến mất”. Loạt “hố tử thần” trên đường số 1 (P.Tân Phong, Q.7) đã được san lấp. Khu vực đường Lương Định Của (TP.Thủ Đức) cũng đã “cởi áo” lô cốt, chấm dứt cảnh xe cộ chen chúc sáng chiều vì sửa chữa chiếm hết mặt đường…

“Siết” công tác thi công, hoàn trả mặt đường

Không chỉ những rào chắn cố hữu, mọi năm cứ đến giáp tết là các quận, huyện tại TP.HCM lại thi nhau đào đường, gây xáo trộn đời sống, khiến người dân bức xúc. Tuy nhiên năm nay đảo một vòng quanh các quận trung tâm, chúng tôi ghi nhận tình trạng đào đường cuối năm không còn xuất hiện.

Theo số liệu từ Sở GTVT TP.HCM, tính đến tháng 11, trên địa bàn thành phố có tổng số 79 vị trí rào chắn, giảm 8 vị trí so với tháng 10 và giảm 33 vị trí so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, rào chắn chủ yếu tập trung ở địa bàn TP.Thủ Đức cho các dự án giao thông cầu, đường, các công trình lắp đặt, ngầm hóa hạ tầng kỹ thuật cấp nước, thoát nước, điện lực, viễn thông… được thi công từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau, hoàn trả mặt bằng vào ban ngày để giảm tối đa ảnh hưởng tới lưu thông của người dân.

Số lượng công trường giảm bớt, song vẫn còn không ít dự án thi công bầy hầy, thậm chí phá nát các tuyến đường. Mới đây nhất, hình ảnh xe buýt tuyến 56 và 08 mới đầu tư tiền tỉ nhưng hư hại nghiêm trọng do di chuyển qua đường Võ Văn Ngân (TP.Thủ Đức) được các tài xế ghi lại và lan truyền nhanh chóng. Một bên là lô cốt chắn quá nửa con đường, phần còn lại “ổ voi”, “ổ gà” nối đuôi nhau, mặt đường đầy sỏi đá, bùn đất, sụt lún… Quá trình thi công dự án Xây dựng hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân đã khiến tuyến đường này trở thành nỗi ám ảnh của người dân lưu thông qua khu vực TP.Thủ Đức. Sau 15 biên bản nhắc nhở cùng 8 lần phạt, Thanh tra Sở GTVT đã tước quyền sử dụng giấy phép thi công của nhà thầu đang thi công dự án này.

Đơn vị thi công bị buộc tháo dỡ toàn bộ rào chắn, di dời toàn bộ thiết bị vật tư và hoàn trả mặt đường theo hiện trạng ban đầu trong vòng 48 giờ. Thanh tra Sở cũng kiến nghị Sở xem xét không tiếp tục gia hạn hoặc cấp phép thi công đối với chủ đầu tư và đơn vị thi công cho đến khi khắc phục xong các yêu cầu. Tương tự, do quá trình thi công gây hư hỏng mặt đường nhưng chậm khắc phục, Sở GTVT đã ra quyết định thu hồi giấy phép và đình chỉ thi công đối với dự án xây dựng hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ.

Đại diện Sở GTVT đánh giá thời gian qua các đơn vị thi công công trình trên đường bộ và chủ đầu tư có chuyển biến trong việc chấp hành các quy định về thi công đào và tái lập mặt đường, không để xảy ra sự cố nghiêm trọng ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông ở các khu vực thi công. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm các quy định về thi công trên đường bộ đang khai thác vẫn còn vi phạm nhiều, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của người dân. Đặc biệt, công tác đào, tái lập mặt đường vẫn chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến tình trạng mặt đường sau khi tái lập không đảm bảo chất lượng như ban đầu, ảnh hưởng đến chất lượng khai thác, gây khó khăn cho lưu thông và mất mỹ quan đô thị.

Đại diện Sở GTVT cho biết: “Thời gian tới, cơ quan quản lý ngành giao thông sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra công tác thi công của các đơn vị, trong đó chú trọng công tác kiểm tra về rào chắn, tái lập mặt đường. Chế tài cũng sẽ được áp dụng “mạnh tay”, xử lý theo hình thức tăng nặng các đơn vị chủ đầu tư, thi công, giám sát thường xuyên để xảy ra vi phạm, tái diễn sai phạm. Đồng thời rà soát và áp dụng các hình thức xử lý bổ sung thu hồi giấy phép thi công, đình chỉ thi công hoặc không cấp phép thi công. Các đơn vị có liên quan thường xuyên vi phạm hành chính cũng sẽ bị công bố trên phương tiện thông tin đại chúng, Cổng thông tin điện tử của Sở và báo cáo UBND TP, đề xuất hạn chế cho tham gia các dự án có nguồn vốn ngân sách”.

Theo Thanh Niên