clock

Trong Nước

08:30 21-11-2022

Đường sắt cao tốc Bắc - Nam tốc độ hơn 200km/giờ có lợi thế gì?

Sau rất nhiều tranh cãi, Bộ KH-ĐT và Bộ GTVT cuối cùng cũng đã đi đến thống nhất lựa chọn nghiên cứu đường sắt cao tốc Bắc - Nam với tốc độ khai thác tối đa 180 - 225 km/giờ, chở cả hành khách và hàng hóa.

Bộ KH-ĐT đánh giá phương án này cơ bản phù hợp với dải tốc độ khai thác được tư vấn thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Hầu hết các nước phát triển đường sắt tốc độ cao trên 300 km/giờ chỉ chuyên chở hành khách đều là các nước đã làm chủ công nghệ đường sắt cao tốc, đã có hệ thống đường sắt chở hàng hoàn chỉnh và GDP cao hơn nhiều lần VN. Nhiều nước như Na Uy, Nga, Mỹ... cũng chưa có đường sắt cao tốc trên 300 - 350 km/giờ.

Theo tính toán của đơn vị tư vấn độc lập, nếu đầu tư tuyến đường sắt khai thác tàu tốc độ 225 km/giờ kết hợp giữa tàu hàng và tàu khách sẽ giảm chi phí vận hành khoảng 18% so với đầu tư tàu chạy 350 km/giờ, chi phí năng lượng giảm gần 28%. Về nguồn vốn đầu tư và doanh thu khai thác, với phương án chạy tàu 350 km/giờ, giá vé tàu khách bình quân 1.200 đồng/km/khách, tức chặng Hà Nội - TP.HCM có giá khoảng 1,9 triệu đồng/chiều, tương đương vé máy bay. Tổng doanh thu mỗi năm khoảng 3,7 tỉ USD, khó bù đắp được chi phí, nên ngân sách nhà nước phải bù lỗ. Phương án vốn sử dụng 80% ngân sách nhà nước, 20% huy động vốn xã hội cũng khó khả thi khi hiệu quả khai thác dự án không quá cao.

Trong khi đầu tư đường sắt tốc độ khai thác 225 km/giờ, tư vấn thẩm tra cho rằng nhờ chi phí khai thác giảm, giá vé cũng thấp hơn, chỉ khoảng 900 đồng/km/khách, tương đương 1,4 triệu đồng/khách cho chặng Hà Nội - TP.HCM; với tàu hàng, cước phí khoảng 1.400 đồng/km/tấn hàng. Phương án khai thác tàu khách và hàng kết hợp sẽ hỗ trợ doanh thu, khi có nhiều nguồn thu bù nhau, thay vì chỉ dựa vào tàu khách. Vì thế, mặc dù giai đoạn đầu khi khai thác các đoạn tuyến chưa hoàn chỉnh sẽ lỗ nhưng khi thông toàn tuyến Bắc - Nam sẽ có lãi, Nhà nước không phải bù lỗ.

Đầu tư cho đường sắt sẽ góp phần giải tỏa giao thông, khơi thông hàng hóa để kích hoạt kinh tế  NGỌC DƯƠNG

Cũng khẳng định phương án tốc độ khai thác tối đa 180 - 225 km/giờ chở cả hành khách và hàng hóa là hợp lý, TS Nguyễn Anh Tuấn, giảng viên bộ môn Đường sắt metro (Trường ĐH GTVT TP.HCM), phân tích: Theo báo cáo tiền khả thi của Bộ GTVT, kết thúc giai đoạn 1, năng lực khai thác của 2 tuyến Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP.HCM đạt 364.000 hành khách/ngày đêm. Trong khi dự báo số lượng hành khách trên 2 đoạn tuyến này vào năm 2035 chỉ đạt khoảng 15% công suất, đến 2050 chỉ đạt trên dưới 40%, không hiệu quả. Nếu chọn phương án 350 km/giờ chỉ chở khách, ngoài chi phí xây dựng quá cao, từ giờ đến lúc đó, chỉ tính riêng việc bù lỗ cho tuyến đường sắt này cũng đã khiến kinh tế bị trì trệ rất nghiêm trọng. Chưa kể về kỹ thuật, VN chưa có kinh nghiệm về kết cấu tầng trên, kỹ thuật thi công, vận hành của hệ thống đường sắt 350 km/giờ. Thời gian thi công cũng kéo dài, càng làm giảm hiệu quả vận hành của tuyến.

“Phương án khoảng 200 km/giờ tuy kéo dài thời gian di chuyển hơn, nhưng đảm bảo cân đối nguồn thu vì hàng hóa chạy quanh năm, có thể bù lại khoảng trống của hành khách vào mùa thấp điểm. Ngoài tổng mức đầu tư ban đầu, sự đảm bảo về lợi nhuận cũng là yếu tố quan trọng giúp thu hút nhà đầu tư tham gia vào đường sắt. Bên cạnh đó, các kỹ sư VN hiện đã tiếp cận được công nghệ tốc độ 200 km/giờ. Thời gian thi công nhanh, đảm bảo khả năng khai thác, phù hợp với nhu cầu, sớm hoàn vốn và có lãi”, TS Nguyễn Anh Tuấn phân tích.

Giảm tải đường bộ, đột phá kinh tế
Làm đường sắt cao tốc sẽ giải quyết được áp lực hạ tầng giao thông, vừa nhanh, lại hiệu quả kinh tế  NGỌC THẮNG

Nhiều năm qua, bức tranh đường sắt của VN chỉ còn là sự tiếc nuối quá khứ huy hoàng. Nhưng với một đất nước trải dài từ Bắc tới Nam gần 2.000 km, đường sắt vẫn đóng một vai trò quan trọng, là huyết mạch giao thông quốc gia.

Làm cao tốc, mở cửa ngõ bằng cảng biển là cần thiết nhưng làm đến bao nhiêu cũng sẽ quá tải. Làm được tuyến đường sắt cao tốc thì sẽ giải quyết được áp lực hạ tầng giao thông, vừa nhanh, lại hiệu quả kinh tế.

TS Trần Du Lịch

Theo Thanh Niên