Tài Chính
08:18 28-07-2023Fed tăng lãi suất cao kỷ lục 22 năm: Tác động thế nào đến Việt Nam?
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 26/7 đã tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25%, mức cao nhất trong vòng 22 năm qua, điều này liệu có tác động đến kinh tế Việt Nam?
Trả lời câu hỏi này với VTC News , PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính nhận định, khi đồng USD lên giá dưới tác động của việc Fed tăng lãi suất, các doanh nghiệp xuất - nhập khẩu Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng ít nhiều. Khi chúng ta giữ ổn định giá trị của VND so với USD thì xuất khẩu của chúng ta cũng sẽ ổn định hơn nhưng sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng Việt Nam với hàng hóa của những đồng tiền khác so với giá trị của USD.
“ Đây là vấn đề mà các doanh nghiệp xuất - nhập khẩu phải quan tâm để có các biện pháp điều tiết như hạ giá bán của sản phẩm để tăng sức cạnh tranh với các nguồn hàng khác trên thế giới ", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Mặt khác, ông Thịnh cho rằng, thời gian vừa qua, dưới sự điều hành lãi suất của Fed, đồng USD có lúc lên giá nhưng cũng đã giảm xuống. Việc tăng lãi suất lần này thêm 0,25% khiến USD tăng nhưng sẽ không đáng kể. Vì thế tuy cũng có ảnh hưởng đến Việt Nam nhưng không lớn.
Ngoài ra, việc Fed tăng lãi suất cả về biên độ và thời điểm đều nằm trong dự trù của Ngân hàng Nhà nước, vì thế Việt Nam sẽ không quá bị động trong việc ứng phó.
“ Mặc dù có chịu ảnh hưởng nhưng tôi cho rằng giá trị của đồng Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì ổn định vững vàng so với đồng USD như những lần trước Fed tăng lãi suất. Đây là một trong những lý do dự báo mặt bằng lãi suất trong nước từ giờ đến cuối năm ổn định, thậm chí có thể đi xuống ”, ông nói.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nhận định, đợt tăng lãi suất của Fed lần này đã nằm trong dự báo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước nên chắc chắn có tác động không nhiều. Những tác động dễ nhận thấy nhất gồm:
Thứ nhất , gây ra áp lực lãi suất ở Việt Nam phải nâng lên để giữ giá trị của đồng Việt Nam. Trong khi Chính phủ và Thủ tướng thường xuyên chỉ đạo ngành ngân hàng giảm lãi suất để tạo nguồn tín dụng cho doanh nghiệp, người dân thì bối cảnh mới sẽ làm nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước trở nên khó khăn hơn, trong việc tìm giải pháp hạ lãi suất theo mục tiêu.
Thứ hai , việc Fed tăng lãi suất làm tỷ giá hối đoái chịu tác động mạnh. Nếu chúng ta cố gắng chạy theo giá trị của đồng USD sẽ dẫn tới hai tác động không tốt cho nền kinh tế: Một là, tạo áp lực lên lạm phát; hai là xuất khẩu sẽ tăng lên nhưng nhập khẩu cũng đắt lên. Trong đó, nền kinh tế của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu.
“Tuy nhiên, nhập khẩu 6 tháng đầu năm vừa giảm 18,2% so với cùng kỳ. Nhập khẩu giảm chứng tỏ sản xuất trong nước chưa được mở rộng, nguyên vật liệu để sản xuất chưa nhập khẩu nhiều. Chính vì vậy, tác động của việc Fed tăng lãi suất lên nhập khẩu lúc này có thể chưa đáng kể. Nếu sản xuất được phục hồi mở rộng, hoạt động nhập khẩu nguyên vật liệu tăng thì tác động sẽ nhiều hơn” , ông Lâm nhận xét.
Một tác động nữa trên lý thuyết của việc USD tăng giá là sẽ dẫn đến việc dòng USD đầu tư sẽ dịch chuyển về Mỹ. Tuy nhiên, theo ông Lâm, thực tế, để dòng đầu tư nước ngoài rút ra khỏi các nước là rất khó, bởi khi người ta đã đầu tư rồi thì sẽ cố gắng giữ các dự án đầu tư đó. Vì thế, nguy cơ dòng vốn FDI rút khỏi Việt Nam là không đáng lo.
Hơn nữa, Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường hấp dẫn đầu tư với nền tảng chính trị ổn định, tiềm năng tăng trưởng kinh tế khá cao, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Do vậy, Fed tăng lãi suất sẽ chỉ tác động một phần nhỏ, không đáng kể đến tiến trình phục hồi kinh tế của Việt Nam.
Một tác động nữa khi Fed tăng lãi suất đó là tác động đến nợ nước ngoài, nhưng theo ông Lâm chủ yếu nằm ở khối doanh nghiệp. Đồng USD tăng giá dẫn tới áp lực nợ nước ngoài của khối doanh nghiệp tăng lên.
“Tuy nhiên, tôi tin trong thời gian tới, NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt để bình ổn nền kinh tế vĩ mô và giữ cho giá trị của đồng VNĐ không biến động mạnh so với USD. Cụ thể là giữ cho tỷ giá hối đoái không bị biến động mạnh, đồng thời vẫn giữ cho lãi suất không tăng và duy trì xu hướng giảm dần”, TS. Nguyễn Bích Lâm nói.
Cũng phân tích về vấn đề này, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho biết, việc Fed tiếp tục tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát chứng tỏ biến động kinh tế đã tác động đáng kể đến nền kinh tế Mỹ. Điều này làm cho giá của USD tăng lên, chắc chắn sẽ tác động đến tỷ giá giữa USD và VND, trong bối cảnh Việt Nam đang liên tục tìm cách hạ mặt bằng lãi suất.
“Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang xuất siêu sang thị trường Mỹ, do đó nguồn thu đồng USD về Việt Nam vẫn tích cực. Chúng ta chỉ cần tích cực kiểm soát nhập khẩu, kiểm soát tỷ giá ở trong nước bằng cách cân bằng cán cân xuất - nhập khẩu và tôi tin rằng NHNN sẽ có những bước cần thiết để kiểm soát tác động này" , ông Doanh nói.
Riêng đối với các doanh nghiệp xuất - nhập khẩu trực tiếp tại thị trường Mỹ hoặc các thị trường sử dụng đồng USD, cần xem xét biến động giá cả tác động lên mặt hàng của họ ra sao. Các tác động này sẽ rất khác nhau, có những mặt hàng sẽ có tác động tích cực nhưng phụ thuộc rất nhiều vào sức mua của khách hàng ở Mỹ, ở châu Âu, thậm chí ở Trung Quốc.
“Do đó, các doanh nghiệp cần phải xem xét, đánh giá cụ thể từng mặt hàng để có quyết định ứng phó thích hợp" , Tiến sĩ Doanh nhấn mạnh.
" Tôi không nghĩ rằng động thái tăng lãi suất lần này của Fed sẽ ảnh hưởng mạnh tới kinh tế Việt Nam, bởi chúng ta đang kiểm soát tốt xuất - nhập khẩu và nền kinh tế của chúng ta đang tiếp tục hồi phục" , ông Doanh nói thêm.
Nhiều chuyên gia kinh tế khác cũng nêu quan điểm, việc ổn định tỷ giá trong bối cảnh hiện nay không phải là vấn đề đáng lo ngại với Việt Nam. Trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã tạo được một nền tảng có nhiều yếu tố thuận lợi để ổn định tỷ giá. Theo đó, phương thức điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước đã giúp cung - cầu ngoại tệ ổn định hơn, dự trữ ngoại hối tăng nhanh, tạo sự thuận lợi lớn trong chính tiền tệ và điều hành tỷ giá năm 2023.
Trước đó, NHNN công khai thông tin đã bổ sung dự trữ ngoại hối khoảng 6 tỷ USD trong nửa đầu năm 2023, nâng dự trữ ngoại hối lên khoảng 93 tỷ USD. Theo IMF, dự báo dự trữ ngoại hối Việt Nam cuối năm 2023 ở mức 95 tỷ USD.
Không nằm ngoài dự đoán, sau hai ngày họp, Fed ngày 26/7 đã quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25% lên biên độ 5,25% tới 5,5%, mức cao nhất trong vòng 22 năm qua.
Đây là lần tăng lãi suất thứ 11 kể từ khi Fed đẩy nhanh nỗ lực chống lạm phát kể từ tháng 3 năm ngoái và động thái này diễn ra 1 tháng sau khi Fed tạm dừng nâng lãi suất nhằm đánh giá tình trạng nền kinh tế Mỹ sau khi 3 ngân hàng lớn ở nước này sụp đổ mùa Xuân năm nay. Cùng với quyết định nâng lãi suất, Fed thậm chí còn để ngỏ khả năng tiếp tục tăng thêm một lần nữa trong năm nay.
Tin liên quan
- Ai sẽ được giảm 30% tiền thuê đất năm 2024?
- Nhiều ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm ngay đầu tháng 8: Agribank chính thức nhập cuộc, xu hướng tăng được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài
- CEO Jensen Huang bất ngờ bán 500 triệu USD cổ phiếu Nvidia ngay trước cú sập của thị trường, chưa có ý định dừng lại: Chuyện gì đang xảy ra?
- Ngân hàng cho vay món tiền nhỏ dễ dàng hơn, "tín dụng đen" sắp hết đất sống?