clock

CEO Việt

05:47 06-07-2016

GĐ Mỹ phẩm Anh Đào: Muốn làm nghề phải có tâm

Từ một người bán trái cây lề đường, đi giúp việc nhà, không bằng cấp và vốn lập nghiệp chỉ là số âm, bà Phạm Thị Đào giờ đã trở thành một trong số ít doanh nhân có tên tuổi tại Kiên Giang.

Hơn 14 năm tâm huyết với việc xây dựng thương hiệu mỹ phẩm Việt, bà đã gặt hái được nhiều phần thưởng đáng nể như Cúp vàng Doanh nhân thành đạt, Nhà Lãnh đạo xuất sắc, Doanh nghiệp tiêu biểu ASEAN... Năm 2011, mỹ phẩm Sứ Tiên cũng đã đạt Giải thưởng Thương hiệu nổi tiếng ASEAN.  

- Lúc nhỏ, tôi thích làm bác sĩ nhưng nhà nghèo, không được học hành đến nơi đến chốn. Lớn lên, duyên phận lại cho tôi lấy chồng làm y tá. Để viết tiếp giấc mơ của mình tôi đã khuyên chồng học tiếp y sĩ, rồi bác sĩ, còn mình buôn bán, nuôi chồng ăn học. Cuộc sống bươn chải, vất vả đến nỗi gần ngày sinh cũng không dám nghỉ nên đứa con đầu lòng bị... đẻ rớt trên tàu.

Năm tháng tảo tần khiến tôi già và xấu đi nhanh chóng, tình cảm vợ chồng bắt đầu nhạt dần và xa cách. Bị tổn thương, tôi quyết định lên TP.HCM tìm kế sinh nhai. Trải qua nhiều nghề, cuối cùng, tôi xin vào làm giúp việc cho một gia đình chuyên làm massage chăm sóc da mặt.

Thấy tôi chăm chỉ, lại thương hoàn cảnh của tôi, chủ nhà đã truyền cho bài thuốc gia truyền. Nắm trong tay hòm "bí quyết", tôi trở về nhà định mở dịch vụ massage. Hy vọng được chồng ủng hộ, nhưng đã bị phản đối. Vì lòng tự trọng, tôi quyết tâm phải làm nên sự nghiệp.

Trở về quê (Vĩnh Thuận, Rạch Giá), tôi bắt đầu làm nghề massage.Thời gian đầu khó khăn không kể xiết, mười một lần chuyển nhà, lại thêm nợ nần. Ngẫm lại, người ta lập nghiệp tệ lắm cũng từ số 0, còn tôi bắt đầu bằng số âm.

Thế nhưng tôi không hề nản. Thời điểm đó, nhiều chị em ở nông thôn không quen massage và cũng không có điều kiện chăm sóc da nhưng ai cũng muốn có làn da sáng đẹp như phụ nữ ở thành thị. Bằng kinh nghiệm học được, tôi cam kết dịch vụ chăm sóc da giá rẻ, an toàn lại... đảm bảo đẹp.

Lúc đầu, nhiều người chưa tin, tôi chỉ lấy 50% tiền công, khi nào thấy đẹp thì trả hết. Sau khi làm thử, nhiều chị thấy làn da được cải thiện, đặc biệt, khi thấy chị Phó chủ tịch huyện Vĩnh Thuận dùng kem trộn bị nám được tôi chăm sóc hiệu quả, mọi người bắt đầu truyền miệng nên khách đông dần.

* Dám cam kết điều trị những làn da nám, mụn, trong khi đây là những căn bệnh về da không dễ khắc phục, bà có thấy liều khi tôn chỉ làm nghề của bà là chữ tín?

- Chiêm nghiệm từ cuộc đời của mình, tôi thấy, người phụ nữ không chỉ tần tảo, biết hy sinh cho chồng con mà còn phải biết làm đẹp. Bởi đẹp không chỉ giúp họ tự tin mà còn làm cho chồng con hãnh diện, cuộc sống cũng vui hơn.

Đặc biệt, những người phụ nữ ở tỉnh lẻ, ở nông thôn thường ít có điều kiện chăm sóc bản thân, nếu có cũng không có nhiều kiến thức, thông tin để mua sản phẩm chất lượng, hợp túi tiền. Vì vậy, nhiều chị đã dùng nhầm sản phẩm kém chất lượng. Đó là lý do khi chọn lĩnh vực này, ngay từ đầu tôi đã đặt ra tôn chỉ muốn làm nghề phải có tâm.

Ngoài bài thuốc gia truyền, cơ sở để tôi tự tin là những kiến thức tự học thêm từ cuộc sống, sách vở, kinh nghiệm thực tế. Song, có lẽ nhờ Trời nên tôi rất... mát tay, có nhiều ca bị mụn bọc không ai dám điều trị vì sợ nhiễm trùng nhưng tôi dám nhận, chỉ bằng cách nặn mụn bình thường, rồi cầm máu, sát trùng, sau đó điều trị bằng thảo dược, cây cỏ nhưng hiệu quả. Ông bà xưa có câu "Trăm hay không bằng tay quen", nhờ trải nghiệm qua nhiều ca khó mà tôi được luyện tay nghề, có nhiều kinh nghiệm, tự tin xử lý các tình huống.

* Với tay sang lĩnh vực sản xuất mỹ phẩm vốn là thị trường cạnh tranh khốc liệt, nhất là mỹ phẩm nội địa đang chiếm thị phần nhỏ và yếu thế hơn so với mỹ phẩm nước ngoài, bà không thấy ngại?

- Thời gian làm dịch vụ chăm sóc da, tôi thấy nhu cầu làm đẹp từ mỹ phẩm tại nông thôn khá lớn. Mặc dù thị trường có quá nhiều sản phẩm để lựa chọn, nhưng cái thiếu là không có nhà sản xuất nào đến tận các vùng nông thôn, tỉnh lẻ để tư vấn, chăm sóc da trực tiếp cho người dùng với dịch vụ tận tâm và giá cả phù hợp.

Một mỹ phẩm dù tốt đến đâu nhưng nếu không biết cách dùng, không có sự tư vấn cặn kẽ thì không bao giờ khách hàng có thể cảm nhận hết, thấy hết được tác dụng của sản phẩm. Đó chính là đặc thù của ngành mỹ phẩm. Hơn nữa, mỹ phẩm ngoại, chất lượng tốt thì giá lại quá đắt. Đây chính là khoảng trống nên tôi nhanh chóng đi vào thị trường ngách này.

Cũng qua tìm hiểu, thấy Việt Nam có nhiều thương hiệu mỹ phẩm gia truyền rất tốt như Thorakao, Lana..., dù khó cạnh tranh trong nước nhưng lại được nước ngoài ưa chuộng và sống được nhờ xuất khẩu.

Thời điểm tôi bắt đầu vào nghề, Việt Nam đã mở cửa, ai cũng có quyền sản xuất nên sau khi tham gia các khóa đào tạo sản xuất mỹ phẩm do Hiệp hội Mỹ phẩm ASIAN phối hợp với Cục Quản lý dược Bộ Y tế tổ chức, kết hợp với công thức gia truyền học được, tôi đã nghiên cứu, sản xuất ra các dòng mỹ phẩm mang thương hiệu Sứ Tiên.

Sau khi kiểm nghiệm tại Trung tâm 3 đạt chứng nhận sản phẩm không có chì, vi sinh, nấm mốc và các chất hóa dược như corticoid, tung ra thị trường được nhiều khách hàng từ khắp các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ tín nhiệm, tôi quyết định đầu tư nhà xưởng sản xuất lớn theo quy chuẩn sản xuất tốt mỹ phẩm của ASIAN. Sau đó đăng ký bảo hộ thương hiệu độc quyền tại 11 nước trong khối ASIAN.

* Nói vậy, việc sản xuất của bà có vẻ suôn sẻ? Bà có tự ái khi có người nói rằng: bà sản xuất mỹ phẩm là do... điếc không sợ súng?

- Không có sự thành công nào mà không phải nếm trải ít nhiều thất bại, kể cả lời thị phi, gièm pha và cạnh tranh không lành mạnh. Nhưng nếu chỉ tìm đến những bến đỗ an toàn thì sẽ không bao giờ làm được điều mình muốn. Hơn nữa, chính những lời gièm pha, bị xem thường lại là động lực để tôi luôn phải đứng lên và phải làm thật tốt.

Hai chữ "tâm" và "tín" chính là phương châm để tôi mạnh dạn bước đi. Vì vậy, ngay từ khi bắt đầu làm nghề, tôi không đặt nặng lợi nhuận mà chú trọng tiêu chí chất lượng và dịch vụ. Để có sản phẩm tốt, tôi đã chọn mua nguyên liệu, hương liệu từ châu Âu, Pháp.

Không ít lần thất bại vì sản xuất mỹ phẩm rất khe khắt về tiêu chuẩn, chỉ cần nhiệt độ không đúng, sản phẩm sẽ bị vữa, hoặc một sơ xuất nhỏ cũng phải đổ bỏ cả thùng nguyên liệu. Đã vậy, khi sản phẩm bán chạy liền bị nạn hàng giả, hàng nhái. Chỉ riêng nạn hàng giả, hàng nhái đã làm chúng tôi mất đi không ít tiền của và công sức.

* Nghe nói, bà cũng có chiêu... diệt hàng giả khá hiệu quả?

- Khi tình trạng hàng giả xuất hiện tràn lan trên thị trường, nhân viên ai cũng nóng lòng nhưng tôi rất bình tĩnh. Cách làm của tôi là cứ để họ làm, khi sản xuất nhiều rồi, đọng vốn lớn, lúc đó mình mới báo quản lý thị trường xử lý. Khi các cơ sở này bị phạt và bị thu hồi sản phẩm, chính khách hàng sẽ tẩy chay họ.

Bên cạnh đó, tôi cũng có những bài tham luận gửi cho 13 chi cục quản lý thị trường đề xuất và kiến nghị các giải pháp để cơ quan chức năng có những biện pháp ngăn chặn nạn hàng giả, hàng nhái, giúp các nhà sản xuất chân chính có được sân chơi công bằng.

* Hiện nay, nông thôn vẫn là nơi tiêu thụ lượng lớn hàng giá rẻ, chất lượng trung bình thấp. Liệu sản phẩm Sứ Tiên có bị đánh đồng?

- Chính vì thực tế này nên khi bước vào lĩnh vực sản xuất mỹ phẩm, tôi đã chọn hướng sản xuất mỹ phẩm chất lượng tốt, giá hợp lý cho đối tượng sinh viên, phụ nữ nông thôn và tỉnh lẻ. Chỉ cần nhìn bao bì, chất lượng cũng đánh giá được sản phẩm của chúng tôi khác biệt với sản phẩm thấp cấp như thế nào.

Thực tế 14 năm qua, không ít khách hàng vẫn tin dùng sản phẩm của chúng tôi. Với dòng mỹ phẩm cao cấp, tôi đang nuôi tham vọng sau khi đứng vững ở thị trường xuất khẩu, tôi sẽ tập trung đầu tư phát triển thương hiệu này cho thị trường trong nước để khẳng định mỹ phẩm Việt Nam không hề thua kém mỹ phẩm nước ngoài.

* Doanh nghiệp nhỏ và vừa thường gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh. Theo bà, rào cản nào nếu vượt qua được sẽ mang đến thành công?

- Đa số các nhà sản xuất nhỏ và vừa đều rơi vào vòng luẩn quẩn: Tôi còn nhỏ, ít vốn nên chỉ đầu tư trong khả năng vừa tầm, chờ khi có nhiều tiền, mạnh vốn mới bung ra đầu tư công nghệ sản xuất lớn. Đây là tư duy rất sai lầm, bởi khi anh càng nhỏ, càng không dám đầu tư công nghệ thì sản phẩm càng khó cạnh tranh, khó tạo ra những sản phẩm đột phá.

Và kinh nghiệm của Anh Đào đã chứng minh điều này. Ngay khi mới sản xuất, dù còn rất yếu về vốn, tôi vẫn chấp nhận vay tiền, đầu tư nhà xưởng, công nghệ. Để đầu tư đường dài, tôi chấp nhận mua những loại máy mới, hiện đại nhất. Đặc biệt, việc đầu tư bao bì, mẫu mã cho mỹ phẩm rất quan trọng.

Còn nhớ, khi một công ty cung cấp máy in hạn sử dụng sản phẩm giới thiệu cho tôi dàn máy trị giá 60 triệu đồng, tôi không mua. Tưởng tôi chê mắc nên khi tôi yêu cầu xem loại máy cao cấp hơn, trị giá 30 ngàn đô la, nhân viên này nói: "Máy 60 triệu đồng chị chưa mua được, làm sao dám mua máy 30 ngàn đô la?".

Ngoài đầu tư máy móc, bao bì, đầu tư cho con người cũng là một rào cản về tư duy mà rất ít doanh nghiệp nhỏ và vừa quan tâm. Nhân lực chính là nguồn tài sản lớn góp phần làm nên thành công cho doanh nghiệp. Vì thế, vượt qua tư duy này, biết tạo điều kiện để nhân viên có cơ hội học hỏi, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, doanh nghiệp sẽ có một đội ngũ nhân viên không chỉ giỏi nghề mà còn gắn bó.

* Mười bốn năm làm kinh doanh, bà cảm nhận được sự thay đổi tích cực nào từ chính mình?

- Trước đây, khi còn buôn bán nhỏ, để không bị người ta ăn hiếp và sống được với đời, tôi cũng phải tự vệ bằng những phản ứng rất bản năng, theo kiểu ai dữ với mình, mình cũng "xù lông nhím" để chống lại. Nhưng bây giờ tôi đã khác, điềm đạm và biết nhẫn nhịn hơn. Là người trực tiếp trả lời đường dây nóng của khách hàng, lại làm dịch vụ - nghề làm dâu trăm họ, yếu tố đầu tiên là phải chịu khó lắng nghe và biết nhẫn nhịn.

Có những khách hàng nửa đêm cũng gọi điện thoại, thậm chí có những đối thủ cạnh tranh không lành mạnh cho người điện thoại hoạnh họe, bắt lỗi sản phẩm, có lời lẽ vô văn hóa nhưng tôi vẫn bình tĩnh tiếp nhận. Quan điểm của tôi là thêm bạn bớt thù. Có thêm một khách hàng hài lòng sẽ có hàng trăm khách hàng đến với mình.

Tôi có rất nhiều bạn vốn là khách hàng, nhất là những chị em nghèo được tôi chăm sóc da miễn phí, tặng kem cho dùng. Họ cảm động và nhận tôi làm người chị tinh thần, đến giờ vẫn gắn bó.

* Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn theo lối mòn, tự sản xuất, phân phối, nhưng bà lại có tư duy khác, bà đã học được cách làm này từ đâu?

- Từ trải nghiệm của chính mình tôi nhận ra, một doanh nghiệp không thể vừa sản xuất, vừa phân phối. Vì vậy, tôi đã giao việc phân phối cho các đại lý phân phối, tạo mọi điều kiện cho họ bán hàng có lợi nhuận hấp dẫn. Nước lên thuyền lên, vì vậy, hơn mười năm qua, dù lúc khó hay lúc vui, các đại lý vẫn gắn bó với Anh Đào.

Nhờ vậy, mỗi năm, công việc kinh doanh của Anh Đào luôn khả quan. Sản phẩm của chúng tôi hiện cũng đã xuất đi các nước lân cận theo đường tiểu ngạch. Bên cạnh đó, tôi cũng bán công thức 15 sản phẩm cho một số doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm ở châu Âu nên cũng thu được khoản tiền kha khá để lấn sân sang bất động sản.

* Theo bà, cái khó nhất của người doanh nhân khi đã có vị trí trên thương trường là gì?

- Từ một người không có nền tảng, tay trắng lặn lội đi lên, những gì tôi có ngày hôm nay là kết quả của cả một hành trình nỗ lực lao động và học hỏi không ngừng. Tôi vừa học cách kinh doanh, vừa học cách hoàn thiện mình, học cách đối nhân xử thế, học chữ "nhẫn", học cách đứng lên khi thất bại. Cái khó nhất của một doanh nhân là sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân.

Là người nhiều tham vọng và thích làm việc, nhưng hằng ngày tôi vẫn dành thời gian cho con cháu. Tôi rất may mắn vì các con đều ngoan và luôn thấu hiểu, ủng hộ tôi trong mọi hoản cảnh. Trong cuộc đời, tôi nghĩ, ai cũng có những nỗi niềm riêng, nhưng quan trọng là phải biết chấp nhận cho quá khứ ngủ yên và hướng tới tương lai với tình yêu thương và sự vị tha.

* Đã trải qua hơn nửa cuộc đời, nếu thời gian quay ngược lại, bà có muốn đổi nghề?

- Tôi sống thuận theo tự nhiên nên những gì mình có đều là cơ duyên. Chưa bao giờ tôi cảm thấy mệt mỏi hay ân hận khi cuộc đời mang đến cho tôi cơ duyên gắn với nghề này. Đây là cơ duyên mà tôi phải cảm ơn ông Trời vì ông đã cho tôi một cơ hội, một sự nghiệp, một cuộc đời mới. Cho tôi được là chính tôi, được sống tự hào với đời, với chính mình.

* Vậy theo bà, thế nào là thành công?

- Với tôi, thành công là làm được những điều mình muốn và gặt hái nhiều quả ngọt. Và điều thú vị nhất chính là hành trình đi đến thành công chứ không chỉ là khi đạt được nó.

* Cảm ơn bà về buổi trò chuyện chân tình.

 

LỮ Ý NHI thực hiện/ DNSG