Thị Trường
13:50 05-08-2022Giá dầu thế giới giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2022
Kết thúc phiên 4/8, tại thị trường London, giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 2,66 USD, tương đương 2,75%, xuống mức 94,12 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 18/2.
Phiên 4/8, giá dầu thế giới giảm xuống mức thấp nhất kể từ trước thời điểm Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt tại Ukraine hồi tháng Hai năm nay, do giới đầu tư lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu vào cuối năm nay có thể ảnh hưởng đến nhu cầu năng lượng.
Kết thúc phiên này, tại thị trường London, giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 2,66 USD, tương đương 2,75%, xuống mức 94,12 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 18/2.
Trong khi đó, tại trường New York của Mỹ, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn cũng hạ 2,34 USD, tương đương 2,12%, xuống 88,54 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 2/2.
Đà giảm của giá dầu có thể chịu tác động từ các quốc gia tiêu thụ lớn bao gồm Mỹ và các quốc gia ở châu Âu, những nước đang thúc giục các nhà sản xuất tăng sản lượng để bù đắp nguồn cung khan hiếm và chống lại tình trạng lạm phát cao đang hoành hành.
Giá dầu đã tăng lên hơn 120 USD/thùng vào đầu năm nay. Nhu cầu đột ngột phục hồi sau những ngày đen tối nhất của đại dịch COVID-19 trùng hợp với sự gián đoạn nguồn cung do các lệnh trừng phạt đối với Nga - nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới - do xung đột với Ukraine đã đẩy giá năng lượng tăng vọt.
Xu hướng bán tháo hôm 4/8 diễn ra sau sự gia tăng bất ngờ lượng dầu thô trong kho dự trữ của Mỹ vào tuần trước. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết, các kho dự trữ xăng, đại diện cho nhu cầu tiêu thụ năng lượng của Mỹ, đã bất ngờ gia tăng khi nhu cầu chậm lại dưới tác động của giá xăng cao gần 5 USD/gallon (1 gallon = 3,78 lít).
Giovanni Staunovo, một nhà phân tích tại ngân hàng UBS (Thụy Sỹ) cho biết: “Có vẻ nhu cầu xăng dầu của Mỹ suy yếu hơn dự kiến, cùng với việc giá dầu phá vỡ các mức hỗ trợ kỹ thuật đã kéo giá dầu đi xuống vào phiên 4/8.”
Triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu vẫn bị “phủ bóng đen” bởi những lo lắng ngày càng tăng về sự suy giảm kinh tế ở Mỹ và châu Âu, tình trạng nợ nần ở các nền kinh tế mới nổi và chính sách “Zero COVID-19” nghiêm ngặt ở Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.
Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty dịch vụ tài chính OANDA (Mỹ), cho biết: “Việc giá dầu phá vỡ mốc 90 USD/thùng hiện là một khả năng rất thực tế, điều này khá đáng chú ý với mức độ thắt chặt của thị trường.”
Một thỏa thuận của Tổ cức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (còn gọi là OPEC +) vào ngày 3/8 nhằm nâng mục tiêu sản lượng thêm 100.000 thùng/ngày vào tháng 9, tương đương 0,1% nhu cầu toàn cầu, được một số nhà phân tích coi là yếu tố góp phần khiến giá dầu giảm.
Theo TTXVN/Vietnam+