clock

Thế Giới

06:20 24-12-2015

Giá dầu xuyên mốc 30 USD/thùng: “Cơn ác mộng” của Nga

Nga có thể buộc phải đưa ra quyết định đau thương: Giảm chi tiêu chính phủ trong dài hạn. Đây sẽ là lần đầu tiên Moscow phải tính đến phương sách này kể từ khi Tổng thống Putin lên nắm quyền 16 năm về trước.

Tỷ lệ người Nga ủng hộ ông do hoạt động tích cực tại Ukraine và Syria đang lên mức cao kỷ lục. Ảnh: Moscowtimes

Hãy tưởng tượng về một kịch bản trong năm 2016, khi giá dầu xuống mức 35USD/thùng. Cuộc khủng hoảng ở Nga bước sang năm thứ hai, nền kinh tế co giảm 2 - 3%. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên, lương bắt đầu giảm, đè sức ép lên tiêu dùng.

Đồng ruble tiếp đà giảm giá, thúc đẩy lạm phát. Để kìm hãm đà tăng giá cả, Moscow buộc phải giữ lãi suất ở mức cao, làm teo tóp hoạt động đầu tư.

Chính phủ sẽ rút tiền từ kho dự trữ để trang trải nguồn thu thất thoát từ giá dầu giảm.

Đây là kịch bản "ác mộng nhất" được Ngân hàng Trung ương Nga vẽ ra trong báo cáo mới nhất. Ngân hàng đã chuẩn bị cho khả năng giá dầu giảm xuống 50USD/thùng trong năm 2016, và khủng hoảng chấm dứt vào đầu năm 2017.

Tuy nhiên tình trạng thừa cung trên thị trường chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, còn giá dầu thì đã xuyên mốc 40USD/thùng từ lâu.

Nếu kịch bản đen tối trên xảy ra, Nga có thể buộc phải đưa ra quyết định đau thương: Giảm chi tiêu chính phủ trong dài hạn. Đây sẽ là lần đầu tiên Moscow phải tính đến phương sách này kể từ khi Tổng thống Putin lên nắm quyền 16 năm về trước.

Bộ trưởng tài chính Nga Anton Siluanov cảnh báo nước này "phải chuẩn bị cho các thời khắc khó khăn". Ông dự đoán giá dầu thậm chí có thể mất mốc 30USD/thùng.

Khi đó, đồng ruble có thể giảm xuống mức 80 ruble đổi 1 USD, chuyên gia tại công ty tư vấn Macro Advisory, tương ứng mức giảm 10% so với trung tuần tháng 12 và sụt 60% so với hai năm về trước.

Chưa sẵn sàng với mức 30USD, vị bộ trưởng tài chính vạch ra tác động tiềm tàng của giá dầu 40USD đối với ngân sách 2016.

Theo ước tính, nguồn thu ngân sách có thể giảm 1,6 nghìn tỷ ruble (23 tỷ USD), tương đương 2% tổng sản phẩm quốc nội. Trong khi đó, thâm hụt ngân sách có thể giãn rộng từ 3% lên 5,2% GDP, vượt 4 nghìn tỷ ruble (57 tỷ USD).

Giá dầu và Quỹ dự trữ của Nga kể từ năm 2008.

Để bù đắp hao hụt, bộ cho biết có thể sẽ rút cạn khoản dự trữ 4 nghìn tỷ ruble tích góp từ doanh thu xuất khẩu dầu của Nga trong năm 2016. Ngoài ra, bộ lên kế hoạch "cắt xén" và để giành 5% khoản chi tiêu của các cơ quan chính phủ.

Nếu Quỹ dự trữ cạn kiệt trong khi giá dầu chưa kịp hồi phục, chính phủ sẽ phải "thắt lưng buộc bụng" mạnh hơn. Số lượng nạn nhân của khủng hoảng kinh tế cũng từ đó leo thang.

Trong khi đó, tỷ lệ hộ nghèo tại Nga đang trên đà tăng. Nền kinh tế được dự đoán sẽ co giảm 4% trong năm 2014.

Số liệu chính thức cho thấy trong 9 tháng đầu năm, 20,3 triệu người Nga – chiếm 14% dân số - đang sống dưới mức nghèo khổ, tăng 2,3 triệu người so với cùng kỳ.

Cho đến nay, các thông số đáng ngại chưa ảnh hưởng tới mức độ tín nhiệm của ông Putin. Tỷ lệ người Nga ủng hộ ông do hoạt động tích cực tại Ukraine và Syria đang lên mức cao kỷ lục.

Tuy nhiên nếu tình hình kinh tế xấu đi, khả năng duy trì mức độ tín nhiệm trong dân chúng của ông đang được để ngỏ, trước thềm cuộc bầu cử quốc hội Nga dự kiến diễn ra vào năm tới, và đợt bầu cử tổng thống vào năm 2018.

 

Theo Bizlive