clock

Thị Trường

05:33 30-09-2015

Giá điện cũng “uốn lượn” như đường cong mềm mại

GS.TSKH Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam đã đặt câu hỏi với đại diện EVN về biểu giá điện với 6 bậc thang hiện tại tại sao không dựa trên những quy tắc càng dùng nhiều giá càng cao một cách có quy luật lại uốn lượn như đường cong mềm mại.

Giá bán lẻ điện sinh hoạt đang được chia làm 6 bậc thang. Đồ hoạ: N.Thảo

Tại toạ đàm trực tuyến “Giá bán lẻ điện: Hài hòa lợi ích các bên” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 29/9, ông Long cho rằng ý kiến công kích bậc thang nhiều bậc trong phương án tính giá bán lẻ điện hiện hành, cũng là phương án đầu tiên được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nêu ra trong bản Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá điện là không thoả đáng.

"Cuộc hội thảo gần đây ngay cả bên tư vấn cũng đánh giá rằng phương án bậc thang nhiều bậc gây khó khăn cho ghi chỉ số công tơ và tính toán nhưng theo tôi không phải như vậy, không có khó khăn gì vì bao nhiêu bậc là câu chuyện tính toán sau này", ông Long phân tích.

Ông Long cũng cho biết, nên duy trì 6 bậc thang đang áp dụng nhưng cần những cải tiến như gộp 2 bậc đầu tiên làm một do chênh lệch giữa hai bậc này không nhiều, chỉ khoảng 49 đồng và giá gần nhau, gần 1.500 đồng/kWh.

Bên cạnh đó, ông Long cho biết, bản thân ông không hiểu vì sao EVN đưa ra mức giá cho từng bậc thang. "Bước nhảy của 6 bậc thang chính tôi không hiểu tính toán theo quy luật gì vì hiện có 2 quy luật tăng tỷ lệ hoặc tuyến tính tức là bậc này nhảy lên bậc kia thêm bao nhiêu đồng hoặc dùng bậc thang càng sau càng nhảy cao hơn", ông Long nói.

Vị chuyên gia dẫn chứng, ở bậc 1, 2 khoảng cách là 49 đồng/kWh nhưng khoảng cách giữa bậc 2 và 3 là 253 đồng, giữa bậc 3 và 4 vọt lên 456 đồng/kWh, giữa bậc 4 và 5 lại giảm còn 261 đồng/kWh và khoảng cách giữa bậc 5 và 6 chỉ còn 84 đồng/kWh.

"Với biểu giá hiện tại quy tắc dùng càng nhiều đánh càng mạnh cũng không theo quy luật, ít nhất cũng phải giữ cố định khoảng cách giữa các bậc thang nhưng đây lại uốn lượn như đường cong mềm mại trong xây dựng", ông Long ví von.

 GS.TSKH Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam

Ngoài ra, ông Long cũng đặc biệt nhấn mạnh, trong bản Đề án được EVN công bố mới đây có đưa ra tỷ lệ hộ dùng điện của các bậc thang nhưng con số này theo ông Long không phải con số đặc trưng mà mỗi bậc thang dùng bao nhiêu điện năng trong tổng điện năng sử dụng mới là đặc trưng.

"Nếu bậc thang cuối cùng trên 400kWh có 4,67% số hộ nhưng cũng theo con số công bố chiếm tới 25% sản lượng điện tiêu thụ thì cần quan tâm con số 25% mức tiêu thụ. Trung bình hộ ở cấp 5 tiêu thụ trên 700kWh/tháng trong khi mức khởi điểm 30kWh/tháng tức là chênh nhau khoảng 25 lần nên theo tôi thực chất lượng điện năng mỗi cấp tiêu thụ bao nhiêu mới là tác động điều tiết", ông Long phân tích.

Trong khi ông Hoàng Văn Tùy, Phó Trưởng ban Tài chính kế toán (EVN) khẳng định, một trong những nguyên lý điều chỉnh biểu giá bán lẻ điện là không tăng giá bán và chọn ra phương án tác động ít nhất và đảm bảo mục tiêu có chính sách ưu tiên hộ sử dụng ít điện và thu nhập thấp.

Song, ông vị Phó chủ tịch Hội Điện lực cho rằng, nói nguyên lý điều chỉnh không tăng giá là chưa chính xách vì nguyên lý cơ bản tổng doanh thu của EVN không thay đổi bằng giá bình quân nhân với lượng điện năng bán lẻ cho khách hàng và nguyên tắc điều chỉnh hay áp dụng bậc thang có người sẽ có lợi và có người sẽ bị thiệt.

Cuối cùng, ông Long khẳng định ông không phàn nàn khi giá điện giữ 6 bậc thang vì có bao nhiêu bậc thang không gây khó khăn nhưng bước nhảy mỗi bậc phải được EVN đưa ra lý lẽ hoặc muốn giữ nguyên EVN cần giải thích vì sao lại có sự uốn lượn mềm mại.

 

Nguyễn Thảo/ Bizlive