clock

Thế Giới

09:42 27-07-2022

Giá khí đốt tăng vọt, nhiều nước châu Âu vạch kế hoạch khẩn cấp yêu cầu người dân tắt điện, điều hoà dù trời nóng như đổ lửa

Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3 trong bối cảnh lo ngại nguồn cung của Nga tiếp tục giảm. Các chuyên gia dự báo một cuộc chiến năng lượng sẽ diễn ra, giá khi đốt có thể tiếp tục leo cao hơn nữa.

Giá khí đốt châu Âu tăng mạnh sau động thái của Nga

Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng 3% lên mức cao nhất 7 tuần, sau khi tăng lên mức cao nhất 14 năm trong đầu phiên giao dịch, do dự báo thời tiết nóng hơn và nhu cầu tăng cao, lo ngại về dòng khí đốt của Nga sang châu Âu.

Xem thêm: Kinh tế châu Âu đứng trước hàng loạt phép thử khắc nghiệt

Các hợp đồng khí đốt giao tháng 8/2022 tại trung tâm giao dịch TTF ở Hà Lan đã tăng lên khoảng 199,92 USD cho mỗi megawatt/h nếu tính theo mức tiêu thụ của mỗi hộ gia đình ở châu Âu.

Giá khí đốt tăng vọt, nhiều nước châu Âu vạch kế hoạch khẩn cấp yêu cầu người dân tắt điện, điều hoà dù trời nóng như đổ lửa -  Nguồn: Trading Economics
Các chuyên gia nhận định giá khí đốt ở châu Âu tăng vọt một phần chịu ảnh hưởng từ việc tập đoàn Gazprom của Nga tuyên bố cắt giảm một phần nguồn cung khí đốt qua đường ống Nord Stream 1.

Theo đó, kể từ sáng 27/7, lưu lượng khí đốt được vận chuyển qua đường ống này giảm xuống chỉ còn 20%, tương đương 33 triệu m3 khí một ngày, do họ phải đem một tuabin đi bảo trì.

Tháng trước, công suất khí đốt chảy qua Nord Stream đã giảm xuống còn 40%. Gazprom nói rằng việc này là do phương Tây bàn giao chậm một tuabin được bảo dưỡng ở Canada. Tuabin này vẫn đang ở Đức do chưa hoàn tất giấy tờ.

Giá khí đốt của châu Âu đã tăng gần gấp ba lần trong năm nay, đạt mức cao nhất trong lịch sử là 3.900 USD mỗi mét khối vào đầu tháng 3 sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Người dân được yêu cầu có thể được yêu cầu tắt đèn, điều hòa để tránh mất điện trong mùa đông tới

Theo Telegraph, Chính phủ Anh đã vạch ra các kế hoạch năng lượng khẩn cấp. Theo đó, công dân có thể được yêu cầu tắt đèn và tắt điều hòa để tránh mất điện trong mùa đông này.

Tuy nhiên kế hoạch này sẽ được ban hành trong trường hợp thiếu hụt nguồn cung cấp điện hoặc khí đốt, người dân Anh cũng sẽ được yêu cầu cắt giảm mức tiêu thụ năng lượng.

Xem thêm: Phố Wall diễn biến trái chiều trước cuộc họp của Fed, giá dầu tăng nhẹ

Tờ Telegraph trích dẫn tài liệu Chính phủ Anh cho biết, trong trường hợp kế hoạch này được kích hoạt, Chính phủ Anh sẽ đưa ra các thông điệp đều đặn qua đài phát thanh, truyền hình, mạng xã hội cũng như áp phích và tờ rơi, yêu cầu người dân cắt giảm việc sử dụng điện và khí đốt.

Hệ thống Lưới điện Quốc gia Anh được cho là đã tổ chức họp trong những ngày gần đây với đại diện của các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng nhằm thảo luận phương án ứng phó với trường hợp xấu nhất, chẳng hạn như mất điện hoặc ngừng hoạt động hoàn toàn hệ thống điện tại nước này.

"Rõ ràng là có nguy cơ gia tăng về an ninh nguồn cung vào mùa đông", tờ Telegraph trích dẫn tài liệu Chính phủ Anh cho hay.

Nắng nóng tràn ngập khắp châu Âu, trong đó có Anh.

Thông tin được đưa ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng và chi phí sinh hoạt ở Anh tiếp tục gia tăng, hóa đơn hàng năm của các hộ gia đình dự kiến sẽ vượt qua 3.300 bảng Anh (3.971 USD) vào mùa đông này, theo nhà tư vấn năng lượng Cornwall Insight.

Nước Anh cũng đang đứng trước nguy cơ mất điện diện rộng vì nắng nóng. Giới phân tích cảnh báo đợt nắng nóng gay gắt vừa qua đã suýt gây ra tình trạng cắt điện trên diện rộng do các nhà điều hành lưới điện chật vật cung cấp đủ điện đáp ứng nhu cầu.

Không chỉ Anh, Liên minh châu Âu (EU) cũng lên các kế hoạch chống lại cuộc khủng hoảng năng lượng. Mới đây, các nước thành viên EU đã đạt đồng thuận cắt giảm tiêu thụ khí đốt tự nhiên 15% từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau. Uỷ ban lo ngại rằng lượng khí đốt dự trữ sẽ không đủ cho mùa đông tới, nếu Nga quyết định cắt hoàn toàn nguồn cung cấp cho lục địa này.

Trước đó, ngày 20/7, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất một quy định mới về việc phối hợp giảm sử dụng khí đốt trong toàn khối để giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt Nga và ngăn chặn sự tăng vọt của giá cả. Một số quốc gia như Italy, Ba Lan, Hungary, Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Tây Ban Nha đã lên tiếng phản đối việc cắt giảm sử dụng khí đốt.

Các quốc gia giành giật nguồn cung khí đốt ít ỏi

Theo Bloomberg, các nhà giao dịch ước tính giá LNG giao ngay tại Bắc Á sẽ tăng lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 3, sau khi Nga đổ quân vào Ukraine.

Trong khi đó, số lượng LNG có sẵn trong mùa đông đang giảm dần. Nguyên nhân là tình trạng gián đoạn nguồn cung ở các quốc gia sản xuất như Australia và Mỹ.

Khí đốt tự nhiên là nhiên liệu quan trọng cho sản xuất điện và sưởi ấm. Giá khí đốt tăng cao tạo sức ép lên lạm phát và bào mòn sức mua của người tiêu dùng toàn cầu.

Giá khí đốt tăng vọt, nhiều nước châu Âu vạch kế hoạch khẩn cấp yêu cầu người dân tắt điện, điều hoà dù trời nóng như đổ lửa
Với mức giá hiện nay, người tiêu dùng ở một số quốc gia như Pakistan, Bangladesh và Argentina không đủ tiền để trang trải. Nhiều người lao đao vì tình trạng thiếu điện.

Theo Bộ Năng lượng Hàn Quốc, quốc gia 52 triệu dân cũng đang gấp rút dự trữ LNG do những lo ngại về nguồn cung trong bối cảnh bất ổn địa chính trị leo thang. Theo Korea Gas Corp., mọi nguy cơ gián đoạn đối với nguồn cung năng lượng của Hàn Quốc đều có thể thúc đẩy làn sóng mua vào mạnh mẽ hơn.

Trung Quốc - nước nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới trong năm ngoái - vẫn chưa vào cuộc. Bởi các lệnh phong tỏa chống dịch đang hạn chế nhu cầu nhiên liệu.

Trả lời Bloomberg, ông Samantha Dart - Trưởng bộ phận Nghiên cứu Khí đốt tự nhiên của Goldman Sachs Groups Inc. - cảnh báo rằng nếu các hoạt động kinh tế tại Trung Quốc phục hồi, tình thế sẽ thay đổi nhanh chóng và số lô hàng LNG đến châu Âu càng khan hiếm hơn.

Theo Nhịp sống kinh tế