clock

Thị Trường

05:51 07-10-2015

Giá ôtô Việt Nam có rẻ hơn sau TPP?

TPP đàm phán thành công, người dân đang hy vọng giá ôtô nhập khẩu tại thị trường sẽ giảm đáng kể. Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp nhập khẩu ôtô, giấc mơ xe rẻ vẫn không gần.

Theo báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, kim ngạch nhập khẩu ôtô từ Nhật và Mỹ hiện chiếm khoảng 13% tổng kim ngạch nhập khẩu ôtô của Việt Nam.

Năm 2014, lượng xe ôtô nhập khẩu từ 2 thị trường này có tốc độ tăng trưởng mạnh lần lượt là 140% từ Mỹ và 90% từ Nhật. Các dòng xe của Nhật và Mỹ như Honda, Toyota, Ford chiếm khoảng 45% cơ cấu tiêu thụ toàn bộ thị trường.

Cơ sở để những người có nhu cầu mua ôtô kỳ vọng là mới đây, Thủ tướng có văn bản chỉ đạo Bộ Tài chính sửa đổi chính sách về thuế với ôtô theo hướng phân chia thành các nhóm nhỏ dựa trên dung tích xilanh. Theo đó, Chính phủ ưu tiên bảo hộ dòng xe có dung tích xi lanh nhỏ từ 3 lít trở xuống, phù hợp với điều kiện đường xá Việt Nam. Nội dung chỉ đạo cho thấy, dòng xe sang, có giá trị nhập khẩu lớn sẽ không được khuyến khích.

“Dự thảo này sẽ khiến các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô gặp khó. Mặt khác, khách hàng mới chính là đối tượng chịu thiệt bởi tất cả các loại thuế, phí tăng sẽ là yếu tố cấu thành nên giá bán xe ra thị trường”, đại diện một showroom ôtô tại quận 1 (TP HCM) cho biết.

Vị này thẳng thắn, nhóm khách hàng đủ điều kiện kinh tế để mua xe sang sẽ không vì thuế tăng mà đổi sang mua xe giá rẻ. Hơn nữa, về kỹ thuật, những dòng xe có dung tích xi lanh trên 3 lít chắc chắn an toàn hơn xe giá rẻ dung tích xi lanh dưới 3 lít. Do vậy, việc tăng thuế TTĐB để hạn chế dòng xe dung tích lớn vào thị trường chưa hẳn đúng đắn.

Ông đưa ví dụ: “Nếu như ở Mỹ, một chiếc Camry chỉ có giá 500 triệu đồng, thì về Việt Nam, giá bị đội lên đến hơn 1 tỷ đồng. Nếu theo dự thảo mới về thuế TTĐB, các khách hàng đang có khoảng 1 tỷ, muốn cố gắng để sở hữu dòng xe tốt hơn trong thời gian tới cũng rất khó”.

Nhận định về thị trường ôtô tại Việt Nam trong thời gian tới, sau khi TPP đã hoàn tất, tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết, sẽ mất một khoảng thời gian và nhiều công đoạn để giá xe bán ra tại Việt Nam xuống thấp hơn hiện tại.

Ông Doanh phân tích, thuế nhập khẩu chỉ là một trong số rất nhiều yếu tố cấu thành giá bán xe tại Việt Nam. Muốn có xe giá rẻ, các loại thuế và phí khác cũng phải được xem xét lại. Ở một góc độ khác, dự thảo về thuế TTĐB mới đưa ra ưu tiên dòng xe dung tích nhỏ, giá thành thấp vào thị trường sẽ tạo thế cạnh tranh gay gắt giữa ôtô nhập khẩu và trong nước.

Về tác động của TPP đối với giá bán xe ôtô nhập khẩu tại Việt Nam, ông Doanh nhận định, trước mắt TPP sẽ chưa có nhiều tác động tới giá bán xe trong nước. Bởi thuế nhập khẩu, xét cho cùng, chỉ là một trong rất nhiều yếu tố cấu thành nên giá bán xe. Muốn có những thay đổi mang tính quyết định về giá, người dân cần chờ thêm một khoảng thời gian khi lộ trình giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và một số loại thuế, phí khác được thực hiện.

“Khi xe nhập khẩu rẻ hơn xe trong nước, các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp sẽ có xu hướng chuyển sang nhập khẩu xe. Để hiện thực hoá chiến lược phát triển công nghiệp ôtô, tạo điều kiện thúc đẩy sản phẩm nội địa hóa, Bộ Tài chính cần cân nhắc giảm thuế nhập khẩu phụ tùng xe. Đây cũng là vấn đề cần được Chính phủ cân nhắc”, chuyên gia Lê Đăng Doanh bày tỏ.

Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng cho hay, hiện tại, thị trường ôtô chưa nhận được nhiều tác động từ TPP. Những ngành được hưởng lợi gồm có dệt may, da giày, thủy sản. Khi đầu tư tăng lên, một số lĩnh vực khác như công nghiệp, xây dựng, tư vấn cũng sẽ nhận tác động tích cực.

Theo báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, kim ngạch nhập khẩu ôtô từ Nhật và Mỹ hiện chiếm khoảng 13% tổng kim ngạch nhập khẩu ôtô của Việt Nam.

Năm 2014, lượng xe ôtô nhập khẩu từ 2 thị trường này có tốc độ tăng trưởng mạnh lần lượt là 140% từ Mỹ và 90% từ Nhật. Các dòng xe của Nhật và Mỹ như Honda, Toyota, Ford chiếm khoảng 45% cơ cấu tiêu thụ toàn bộ thị trường.

Theo Diệp Sa

Zing