Tài Chính
08:24 18-10-2022Giá USD lên mức kỷ lục
Lần đầu tiên sau 7 năm, Ngân hàng Nhà nước đã nới lỏng biên độ tỷ giá thêm +/- 2%, lên +/- 5%, giúp trần ngoại tệ các ngân hàng được phép tăng - hiện lên 24.800 đồng. Các ngân hàng đồng loạt tăng giá USD lên mức cao kỷ lục.
Ngân hàng Nhà nước nới lỏng biên độ tỷ giá ngoại tệ lên 5%
Ngày 17.10, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ mức +/- 3% lên +/- 5%. Sở giao dịch NHNN đã tăng tỷ giá 455 đồng, lên 24.380 đồng/USD. Đây là lần đầu tiên trong vòng 7 năm trở lại đây biên độ được thay đổi theo chiều hướng tăng lên. Theo NHNN, việc tăng biên độ tỷ giá này nhằm chủ động thích ứng trước diễn biến khó lường của thị trường quốc tế và định hướng tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các NH trung ương trên thế giới. NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp để ổn định thị trường. Cùng ngày, Sở giao dịch NHNN đã tăng tỷ giá 455 đồng, lên 24.380 đồng/USD.
Với tỷ giá trung tâm ngày 17.10 ở mức 23.586 đồng/USD (tăng 45 đồng/USD so với giá cuối tuần qua), giá trần USD của các NH có thể giao dịch lên đến 24.800 đồng. Tuy nhiên, giá USD của các NH vẫn còn thấp hơn mức này khoảng 360 đồng. Tỷ giá USD trong NH ngày 17.10 khá sôi động. Giá USD trên thị trường liên NH lên mức cao nhất từ trước đến nay, ở mức 24.340 đồng, tăng 0,83% so với ngày trước đó. Eximbank thay đổi giá các ngoại tệ 37 lần trong ngày. Giá USD tăng vọt thêm 200 đồng, lên 24.180 - 24.200 đồng ở chiều mua vào, bán ra lên 24.440 đồng. Vietcombank có giá mua vào 24.130 - 24.160 đồng, bán ra 24.440 đồng… Như vậy, so với cuối năm 2021, giá đồng bạc xanh trong NH đã tăng 1.550 đồng, tương ứng 6,8%.
Các ngoại tệ khác trong NH vì vậy cũng tăng nhanh. Tại Eximbank, giá euro tăng 170 đồng, trở lại gần mức giá 24.000 đồng, mua vào lên 23.386 - 23.456 đồng, bán ra lên 23.959 đồng; bảng Anh tăng 260 đồng, mua vào lên 26.960 - 27.041 đồng, bán ra 27.621 đồng; franc Thụy Sĩ tăng 120 đồng, mua vào lên 23.902 - 23.974 đồng, bán ra 24.488 đồng… Trên thị trường tự do, giá đồng bạc xanh cũng điều chỉnh tăng thêm 190 đồng, mua vào lên 24.420 đồng, bán ra 24.520 đồng.
Nới tỷ giá, kìm lãi suất
Trước động thái tăng tỷ giá trung tâm, nới rộng biên độ tỷ giá của NHNN, phó phòng vốn một NH cổ phần nhận xét đây là việc cần thiết giúp hạ nhiệt lãi suất đang ngày càng nóng trên thị trường. Trước đó, mặt bằng lãi suất tăng cao gần 9%/năm. Việc tăng tỷ giá sẽ ổn định được lãi suất đầu vào, từ đó giảm nhiệt lãi suất cho vay, tránh tăng chi phí tài chính đối với doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh phục hồi hiện nay. Trước đó, động thái bơm tiền ra của NHNN suốt tuần qua đã khiến lãi suất trên thị trường liên NH những ngày gần đây có xu hướng giảm.
Cụ thể, ngày 17.10 lãi suất bình quân tiền đồng liên NH giảm thêm 0,85% ở kỳ hạn qua đêm, xuống còn 4,1%/năm; 1 tuần giảm 0,58%, xuống còn 4,87%/năm; 1 tháng giảm 0,12%, xuống 6,5%/năm. Mức lãi suất 8%/năm đã không thấy xuất hiện trên bảng điện lãi suất liên NH. So với tuần trước, lãi suất một số kỳ hạn đã giảm gần một nửa. Ngoài ra, việc điều chỉnh biên độ tỷ giá còn để thị trường thông thoáng, tự giao dịch, tự tìm điểm cân bằng trong thời gian tới. Nếu thuận lợi, NHNN sẽ lại điều chỉnh lại biên độ trong thời gian tới, duy trì thanh khoản cho hệ thống. "Một vấn đề tích cực ở đây có thể nhìn thấy đó là lạm phát đã được kiểm soát tốt, tạo dư địa cho chính sách tỷ giá được điều chỉnh một cách phù hợp, linh hoạt trong giai đoạn này. Hai biến số lãi suất và tỷ giá đang được NHNN dung hòa giúp ổn định nền kinh tế", vị này nói.
Một chuyên gia kinh tế nói thêm, dự trữ ngoại hối không còn mấy dồi dào do NHNN bán ra can thiệp thị trường thời gian qua nên điều chỉnh tỷ giá sẽ giúp các NH có thể thoải mái hơn trong thu hút nguồn cung trong thời gian tới. Dù vậy, theo chuyên gia này, áp lực tỷ giá vào những tháng cuối năm hiện vẫn còn cao và cho đến khi nào Mỹ dừng tăng lãi suất USD thì áp lực này mới tạm ổn.
Chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển nhận định NHNN nâng trần tỷ giá USD/VND lên biên độ +/- 5% là một điều “chẳng đặng đừng” khi đồng USD đã tăng cao liên tục trong các tháng vừa qua. Những năm trước đây, chỉ số USD-Index hầu như chỉ dao động từ 92 - 96 điểm thì nhiều tháng qua đã nhảy vọt lên trên 100 điểm và đã lên mức trên 114 điểm. Chính vì vậy, nhiều nước cũng đã phải giảm giá mạnh đồng nội tệ để tương ứng mức tăng của đồng bạc xanh.
Thực ra, VN nâng tỷ giá vẫn thấp hơn nhiều nước và vẫn chưa tương ứng mức tăng của USD thời gian qua. Nhưng hệ quả của việc biên độ tỷ giá được nới rộng cũng phần nào góp phần hỗ trợ xuất khẩu, giúp các doanh nghiệp gia tăng được sự cạnh tranh về giá cũng như có hiệu quả cao hơn. Ngược lại, hàng nhập khẩu sẽ bị tăng giá và đối diện khả năng sức tiêu thụ sụt giảm. Sức ép với lạm phát trong nước từ đó cũng lên cao và gây ra khó khăn cho nền kinh tế.
Đồng quan điểm, TS Trần Hùng Sơn, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, phân tích: về nguyên tắc, khi đồng tiền mất giá thì hàng nhập khẩu sẽ trở nên đắt đỏ hơn. Hầu hết các ngành sản xuất của VN đều phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu thế giới nên USD tăng sẽ khiến chi phí đầu vào của doanh nghiệp lên cao và cũng từ đó làm tăng giá bán ra, gây áp lực lên lạm phát trong nước. Điều này chắc chắn sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của VN trong thời gian tới.
Ở chiều ngược lại, khi đồng USD tăng giá được xem là có lợi cho hàng xuất khẩu. Nhưng cũng có nhiều nghiên cứu cho rằng không phải lúc nào nguyên lý này cũng đúng. Hàng xuất khẩu sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Minh chứng cho thấy đồng bảng Anh đã từng giảm mạnh nhưng xuất khẩu của nước này vẫn không tăng mà còn làm trì trệ kinh tế trong nước. Đây sẽ là bài toán khó cho cả doanh nghiệp lẫn Chính phủ trong bối cảnh hiện tại.
Mức tăng thể hiện sự thận trọng
TS Trần Hùng Sơn phân tích: “Cục Dự trữ Liên bang Mỹ từ nay đến cuối năm chỉ còn 2 lần tăng lãi suất. Chúng ta kỳ vọng sau đó áp lực đẩy giá đồng USD không còn nhiều nên từ đầu năm 2023 mọi chuyện sẽ đỡ khó khăn hơn. VN đã có những chính sách thận trọng và chúng ta chấp nhận điều chỉnh hợp lý như việc tăng biên độ tỷ giá hiện nay. Mức tăng này cũng thể hiện sự thận trọng, linh hoạt của cơ quan điều hành khi chịu cùng lúc nhiều áp lực như để kiểm soát lạm phát thấp, duy trì dòng vốn đầu tư nước ngoài hay cố gắng giữ mặt bằng lãi suất không tăng quá cao để hỗ trợ doanh nghiệp”.
Tin liên quan
- Ai sẽ được giảm 30% tiền thuê đất năm 2024?
- Nhiều ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm ngay đầu tháng 8: Agribank chính thức nhập cuộc, xu hướng tăng được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài
- CEO Jensen Huang bất ngờ bán 500 triệu USD cổ phiếu Nvidia ngay trước cú sập của thị trường, chưa có ý định dừng lại: Chuyện gì đang xảy ra?
- Ngân hàng cho vay món tiền nhỏ dễ dàng hơn, "tín dụng đen" sắp hết đất sống?