clock

Tài Chính

01:10 17-03-2020

Giá vàng lao dốc tiếp gần 80 USD, xuống 1.450 USD/ounce

Nối tiếp tuần giảm sâu nhất trong gần 4 thập kỷ, giá vàng hôm nay ngày 16/3 vẫn tuột dốc khi hiện đã chọc thủng mốc 1.500 USD/ounce do tâm lý thị trường thêm nhiều hoảng loạn ngay cả sau những động thái hạ lãi suất khẩn cấp lần thứ 2 trong tháng này của Fed.

Theo Bloomberg, tính tới thời điểm 18h20 (giờ Việt Nam), vàng giao ngay giảm tới 4,2% xuống còn 1.454 USD/ounce, đảo ngược mức tăng đầu phiên giao dịch sáng nay.

Kim loại quý này đã mất 8,6% giá trị trong tuần trước, mức giảm lớn nhất trong vòng 37 năm qua. Còn theo chúng tôi cập nhật trên Kitco, tính tới 20h35 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay giữ ở mức 1,450.10 USD/ounce, giảm 77,6 USD so với cuối phiên liền trước.

Cùng với vàng, các kim loại quý khác cũng theo đà giảm mạnh. Bạc giao ngay cũng giảm 14% xuống còn 12,6133 USD/ounce, chạm mức thấp nhất kể từ năm 2009. Bạch kim giảm 26% xuống 564 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ năm 2002. Palladium giảm 10% xuống còn 1.626,53 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ tháng 9 năm ngoái.

Trước đó, Fed rạng sáng nay (theo giờ Việt Nam) đã cắt giảm lãi suất cơ bản xuống gần mức 0, đồng thời cam kết sẽ tăng nắm giữ trái phiếu ít nhất 700 tỷ USD, trong khi các ngân hàng trung ương khác cũng tăng cường mạnh mẽ các nỗ lực hỗ trợ các nền kinh tế từ cuộc khủng hoảng coronavirus.

Sự sụt giá mạnh của các kim loại quý cho thấy sự gia tăng lo ngại của giới đầu tư trước làn sóng các biện pháp kích thích khẩn cấp của các ngân hàng trung ương là chưa đủ để cải thiện triển vọng kinh tế đang xấu đi nhanh chóng.

"Biện pháp nới lỏng không phải là liều thuốc hiệu quả khi thị trường chứng khoán đã phát đi tín hiệu rõ ràng", ông Ole Hansen, người đứng đầu về chiến lược hàng hóa tại Saxo Bank A/S cho biết. Tuy nhiên, vàng cuối cùng cũng sẽ tăng cao hơn do tác động lạm phát của các quyết định của các chính phủ trên thế giới hiện nay và trong tương lai.

"Thị trường rất thiếu quyết đoán và có nhiều ý kiến khác nhau. Các nhà đầu tư hiện đang bán phá giá mọi thứ. Họ chỉ muốn tiền mặt", chuyên gia phân tích Margaret Yang Yan tại CMC Markets nhận định.

"Động thái cắt giảm lãi suất của Fed và việc nới lỏng định lượng là điều tích cực đối với vàng, nhưng hiện nay mọi thứ đều đang trái với thông lệ, lý thuyết không thể áp dụng trong thời điểm biến động và phân kỳ cao", chuyên gia này cho biết thêm.

Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cao cấp tại OANDA, cho biết đại dịch lan rộng gây ra sự trì trệ trong hoạt động toàn cầu, cắt giảm lãi suất khẩn cấp và đồng đô la Mỹ giảm giá là "bàn đạp" cho vàng tăng giá.

Thật không may, thời điểm này không phải là thời gian thị trường hoạt động bình thường và các quy tắc thông thường không thể áp dụng nữa. Nếu cổ phiếu giảm hơn nữa, việc thanh lý các vị thế dài hạn của vàng dường như là không thể tránh khỏi.

Thị trường vàng đang bị mắc kẹt giữa nhu cầu về một tài sản trú ẩn an toàn và một cuộc chạy đua gia tăng nắm giữ tiền mặt để bù lỗ ở các thị trường khác.

Trong khi các cửa hàng bán lẻ từ Singapore đến Mỹ gần đây chứng kiến ​​sự gia tăng nhu cầu đối với kim loại quý, dòng vốn chảy ra từ các quỹ giao dịch vàng lại ghi nhận mức cao kỷ lục kể từ năm 2016 vào hôm 13/3, dữ liệu do Bloomberg tổng hợp.