clock

Thế Giới

02:55 05-01-2019

Giải mã những lỗ thủng bí ẩn giữa các tòa nhà chọc trời ở Hong Kong

Hong Kong nổi tiếng với những lỗ thủng trên các tòa nhà chọc trời. Tại mảnh đất nổi tiếng là sùng phong thủy này, những thiết kế bất thường rất dễ được gán cho nguyên nhân phong thủy. Nhưng thực ra thì chúng xuất phát từ ý muốn chủ quan của nhà thiết kế, hoặc đơn giản là để nâng cao giá bán của công trình mà thôi.

Chuyện phong thủy ở Hong Kong

Hong Kong giàu, rất giàu. GDP bình quân đầu người của vùng lãnh thổ này năm 2017 đạt khoảng 46.100 USD, đứng thứ 16 thế giới (nếu được xếp hạng) và trên cả Phần Lan, Canada hay Đức, nhưng điều đó không phải tự nhiên mà đến.

Theo cư dân Hong Kong, bên cạnh các nguyên nhân xã hội hay lịch sử thì vị trí đắc địa cũng có đóng góp đáng kể vào sự phồn thịnh của vùng đất này.

Cụ thể, Hong Kong có các dãy núi bao bọc ở phía sau và cảng biển ở phía trước, tạo thành thế "tiền thủy, hậu sơn" nổi tiếng và nói như Raymond Lo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phong thủy Quốc tế thì: "Tôi đã đến rất nhiều nơi trên thế giới, nhưng chưa thấy ở đâu có phong thủy tốt như Hong Kong".

Vì thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi cuộc sống của người Hong Kong bị ảnh hưởng rất nhiều bởi phong thủy.

Đại học Thành phố Hong Kong (xếp hạng thứ 49 thế giới về chất lượng đào tạo) có hẳn một khóa học về phong thủy cơ bản, trong khi Cục Phát triển Du lịch Hong Kong thậm chí còn tổ chức một tour du lịch để giới thiệu về tác động của phong thủy lên một số công trình nổi tiếng.

Tất nhiên, các công trình này thường được xây dựng đảm bảo tuân thủ các quy luật phong thủy, điển hình là việc tòa nhà trụ sở HSBC được bỏ trống hẳn tầng 1 để tạo điều kiện cho "khí" lưu thông được dễ dàng.

Tuy nhiên đôi khi phong thủy cũng tạo ra những hiểu lầm trong một số vấn đề liên quan đến kiến trúc, mà cụ thể là về nguồn gốc của lỗ thủng trên một số tòa cao ốc tại Hong Kong.

Truyền thuyết về những chú rồng

Chuyện là một số công trình cao tầng ở Hong Kong được thiết kế theo cách khá kỳ lạ với một lỗ thủng lớn ở gần chính giữa, trong đó nổi tiếng nhất là The Repulse Bay.

Tòa nhà này nằm ở phía Nam đảo Hong Kong, dựa lưng vào các ngọn đồi và hướng mặt ra biển. Cách giải thích phổ biến về lỗ thủng là có một gia đình nhà rồng sống ở trên các ngọn đồi đó, và mỗi sáng thì mẹ rồng sẽ đưa các con xuống biển uống nước.

Để không ngăn chặn đường đi của gia đình rồng (và gây ra vận đen cho tòa nhà) thì người ta cố tình tạo ra một lỗ thủng rộng tới 384 m2 cho mẹ con nhà rồng đi qua. Nghe cũng khá có lý, và ít nhất thì người dân địa phương thích lối suy nghĩ đó. Nhưng sự thực thì sao ?

Suy nghĩ kỹ một chút thì sẽ thấy là cách lý giải đó hơi thiếu logic. Ở Hong Kong có rất nhiều tòa nhà bị kẹp giữa núi và biển, đặc biệt là khu vực giữa Núi Thái Bình và cảng Victoria, nhưng đa phần các công trình này đều có kiến trúc đặc. Không lẽ chủ nhân của chúng đều không hiểu gì về phong thủy?

Ngoài ra thì ông Martin Sawyer, giám đốc mảng bất động sản của tập đoàn khách sạn Hongkong Shanghai (đơn vị sở hữu The Repulse Bay) cũng khẳng định rằng họ chọn phương án thiết kế đó đơn giản vì nó đẹp, mới mẻ và bắt mắt chứ không liên quan gì đến phong thủy.

Tuy nhiên dân địa phương quanh Repulse Bay vẫn thích tin vào câu chuyện về gia đình nhà rồng, bởi cách suy nghĩ đậm chất Á Đông đó giúp họ cảm thấy tòa nhà này – vốn mới được xây dựng vào năm 1982 và vẫn bị coi là thủ phạm dẫn đến sự biến mất của khách sạn cổ kính The Repulse Bay Hotel nằm trên cùng địa điểm – trở nên gần gũi và thân thuộc hơn.

Lách luật và nâng giá bán

Bên cạnh The Repulse Bay thì một số tòa nhà khác ở Hong Kong, ví dụ như Bel-Air, cũng có lỗ thủng ở giữa và tất nhiên các lỗ thủng này không liên quan gì đến đường đi của những chú rồng.

Thứ nhất, mật độ xây dựng ở Hong Kong quá dày đặc và số lượng nhà chọc trời là quá nhiều. Những tòa nhà như vậy một mặt làm giảm tầm nhìn của cư dân xung quanh, mặt khác làm hạn chế việc lưu chuyển không khí – vấn đề nghiêm trọng ở một nơi ô nhiễm như Hong Kong.

Do đó, kể từ năm 2006 thì Sở Quy hoạch Hong Kong đã ban hành quy định về khoảng trống tối thiểu đối với các công trình được xây dựng từ nguồn vốn chính phủ. Mặc dù các công trình tư nhân không bắt buộc phải tuân theo quy định này, nhìn chung chủ đầu tư vẫn có sự thỏa hiệp nhất định.

Thay vì duy trì khoảng trống giữa các tòa nhà trong dự án, họ tạo ra một lỗ hổng ở giữa các tòa nhà và ở chừng mực nào đó thì không khí vẫn có thể lưu chuyển. Bù lại, công trình của họ sẽ dễ được cấp phép thi công hơn.

Thứ hai, các công trình xây dựng ở Hong Kong đều bị ràng buộc bởi hệ số sử dụng đất, tức là tỷ lệ giữa tổng diện tích sàn xây dựng trên tổng diện tích lô đất. Hệ số này phụ thuộc vào vị trí (tiếp giáp với bao nhiêu mặt đường) cũng như chiều cao của tòa nhà (về cơ bản, những tòa nhà cao trên 61m như Bel-Air sẽ có hệ số sử dụng đất từ 8-10).

Nói cách khác, số lượng căn hộ tại một tòa nhà là có giới hạn và vì những căn hộ ở tầng cao có giá đắt hơn ở tầng thấp nên đôi khi các nhà phát triển bất động sản chủ định bỏ trống một khoảng không ở giữa để có thể bố trí thêm nhiều căn hộ trên cao.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà các lỗ thủng chủ yếu chỉ xuất hiện ở những dự án căn hộ, bởi ở các tòa cao ốc văn phòng thì giá trị của tầng thấp hay cao không có nhiều khác biệt cho lắm.

Tóm lại, các lỗ thủng trên cao ốc ở Hong Kong hoặc là xuất phát từ ý muốn chủ quan của kiến trúc sư, hoặc để đáp ứng các quy định pháp lý cũng như nâng cao giá trị công trình chứ chẳng liên quan gì đến những chú rồng cả. Nhưng dù sao thì đó cũng là một cách nghĩ rất đáng yêu.

 
 

theo Thời đại