clock

Tài Chính

11:59 24-09-2015

Giảm lãi suất: Đừng hy vọng!

Vừa trải qua một giai đoạn dài khủng hoảng, mới bắt đầu phục hồi trở lại, vậy nên doanh nghiệp rất mong muốn lãi suất cho vay sẽ giảm thêm nữa. Tuy nhiên, giới chuyên gia tài chính khuyên doanh nghiệp đừng nên hy vọng vào điều đó mà hãy tìm cho mình một cơ hội khác.

Ông Lâm Văn Chiểu, Phó Tổng Giám đốc Cường Tân, vừa đề nghị BIDV giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn (xuống thấp dưới 9%/năm) để tạo điều kiện cho doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phục vụ sản xuất kinh doanh. Nguyên nhân là do lợi nhuận thu được từ sản xuất kinh doanh lúa giống không cao, nên để tái đầu tư cho việc xây dựng kho xưởng, mua sắm thiết bị cần phải tính toán rất kỹ lưỡng.

Nhiều doanh nghiệp sử dụng 90% vốn ngân hàng

Cùng quan điểm đó, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cũng yêu cầu ngành ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất. “Lạm phát rất thấp, chưa đầy 1%, khả năng hết năm 2015 sẽ là 2%. Điều đó cho thấy lãi suất hiện nay tương đối cao so với lạm phát. Do vậy, NHNN cần tính đến việc giảm thêm lãi suất để nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Lộc đề nghị.

Cùng với yêu cầu giảm lãi suất, ông Lộc cũng đề nghị NHNN xem xét về tình trạng nhiều ngân hàng đã hết room tín dụng, không còn khả năng cho vay tiếp.

“NHNN cần đưa ra chính sách nới lỏng room tín dụng một cách hợp lý, linh hoạt, công bằng, minh bạch. Đây là điều rất cần thiết để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn”, ông Lộc đề nghị.

Theo ông Lộc, nếu lãi suất thấp mà doanh nghiệp không tiếp cận được vốn thì cũng không nhiều ý nghĩa. Trong khi, thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang sử dụng đến 90% vốn ngân hàng. Đây là vấn đề bất hợp lý về cơ cấu nguồn vốn.

 Nguồn: Ngân hàng Nhà nước

“Trong thời gian tới, ngân hàng cần tính toán lại để đảm bảo sự cân đối giữa vốn tự có của doanh nghiệp và vốn cho vay của ngân hàng. Cùng với đó, các ngân hàng phải triển khai mạnh mẽ việc cho vay dựa trên cơ sở tín chấp của NHNN. Muốn như vậy, bản thân ngân hàng cũng phải minh bạch để có thể đồng hành, giúp doanh nghiêp sử dụng hiệu quả nguồn tín dụng từ ngân hàng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình”, ông Lộc nhận định.

Về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính, cũng cho biết tín dụng tăng 1% sẽ giúp GDP tăng thêm 0,128%. Đây là kết quả dựa trên phân tích, nghiên cứu định lượng dữ liệu 2000-2013 của 5 nước ASEAN (Indonesia, Malaysia, Thailand, Singarpore và Việt Nam).

“Tại Việt Nam, vai trò của tín dụng có thể lớn hơn bình quân 4 nước kia, do quy mô hệ thống NHTM/tổng khu vực tài chính lớn hơn nhiều. Có thể là do hoạt động doanh nghiệp phụ thuộc vào vốn ngân hàng, nên khi ngân hàng tăng tín dụng, doanh nghiệp tăng đầu tư khiến sản lượng tăng”, ông Lực phân tích.

Lãi suất không thể giảm thêm

Tuy nhiên, trao đổi với BizLIVE, ông Lực cho rằng thời điểm này không thể giảm lãi suất, bởi áp lực tăng tỷ giá thời gian qua, nếu giảm lãi suất đầu vào thì ngân hàng sẽ khó trong việc huy động, bởi lãi suất huy động hiện nay cao nhất cũng chỉ trên 6%.

“Hơn nữa, lãi suất huy động cũng phải đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền. Nếu chúng ta giảm nữa, e rằng dòng tiền của kênh huy động sẽ chuyển dịch sang kênh đầu tư khác”, ông Lực phân tích.

 Nguồn: Ngân hàng Nhà nước

Cùng quan điểm trên, TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, nhận định 5 - 6 tháng nữa sẽ không thể giảm thêm lãi suất bởi lạm phát cao do đồng USD đang lên giá và những năm sau nó vẫn sẽ lên giá.

“Lãi suất trung và dài hạn, cũng khó giảm được do còn áp lực phát hành trái phiếu Chính phủ để huy động vốn. Thực tế, sau 8 tháng, lượng vốn ngân sách huy động qua phát hành trái phiếu chưa được một nửa của kế hoạch 230.000 tỷ đồng. Muốn các ngân hàng mua trái phiếu, lãi suất trung và dài hạn phải cao một chút mới hấp dẫn được họ. Do đó, ngân hàng giữ được lãi suất như hiện nay trong ngắn hạn đã là một thành công”, ông Thành nhận định.

Ông Thành cho biết thêm, mục tiêu chính sách rất tham vọng, doanh nghiệp có thể trông chờ vào các chính sách? Ông Thành cũng trả lời luôn là “Không nhiều lắm”. Hiện Tổng đầu tư xã hội giảm bởi ngân sách khó khăn, nguồn thu dầu 7-8 tháng đầu năm giảm. Thâm hụt ngân sách năm nay có thể lên 5% do áp lực chi rất lớn.

“Vậy chúng ta trông chờ vào cái gì? Chúng ta trông chờ vào lòng tin về sự ổn định, tái cấu trúc, cải cách môi trường kinh doanh”, ông Thành nhấn mạnh

Vì vậy, ông Thành nhắn nhủ doanh nghiệp “Hãy tìm cơ hội”. Doanh nghiệp phải tự tìm cơ hội cho mình trong việc Việt Nam ký kết FTA, tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN+6, trong các ngành phân phối, bán lẻ, giải trí, logictis, kết nối hạ tầng…

“Bên cạnh đó, Việt Nam là điểm đến của các tập đoàn kinh tế thế giới, do đó doanh nghiệp cũng nên tận dụng và kết nối với các doanh nghiệp nước ngoài. Đối với DNNVV, các lĩnh vực phù hợp nhất hiện nay là các ngành về IT, công nghệ xanh và ngành công nghiệp sáng tạo, biểu tượng”, ông Thành gợi ý.

 

Trần Giang/ Bizlive