clock

Trong Nước

05:20 16-09-2015

Góp ý Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ X

Ban Tuyên giáo Thành ủy đã công bố Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ X (Dự thảo), nhiệm kỳ 2015 - 2020. Đây là cơ sở để nhân dân thảo luận và góp ý những vấn đề quan trọng, liên quan đến sự phát triển của Thành phố.

So với Đại hội IX, Đại hội X có một số điểm mới.

Trước hết là mục tiêu “Xây dựng TP.HCM có chất lượng sống tốt”. Điểm mới thứ hai là đưa TP.HCM “Sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á”.

Dự thảo đề ra 7 chương trình đột phá của thành phố, thêm một chương trình so với Đại hội IX là “Về chỉnh trang và phát triển đô thị”.

Báo cáo chính trị nhấn mạnh vai trò quan trọng của lĩnh vực “khoa học - công nghệ” nên bố cục riêng thành một mục trong nhiệm vụ và giải pháp đưa TP.HCM trở thành đầu tàu kinh tế của vùng, của cả nước.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của Thành phố, trong phần chỉ tiêu cho giai đoạn 2015 - 2020 cũng đưa vào những chỉ số quan trọng.

Cụ thể là xác định tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm địa phương (GRDP) bình quân hằng năm thay cho tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Đây cũng là lần đầu tiên TP.HCM quan tâm đến các chỉ số đánh giá năng lực quản lý của bộ máy chính quyền: đặt ra các mức chỉ số đánh giá và phấn đấu Thành phố trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về xếp hạng chỉ số PAPI (chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh), PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) và PAR-index (chỉ số đo lường về cải cách hành chính).

Về kinh tế, Thành phố đảm bảo tốc độ lẫn chất lượng tăng trưởng.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng theo định hướng dịch vụ (59,9%), công nghiệp (39,2%), nông nghiệp (0,9%), đồng thời góp phần cùng cả nước kiểm soát lạm phát, ổn định nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Cụ thể, tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng, bình quân 9,6%/năm, gấp 1,66 lần mức tăng bình quân cả nước. Chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh được cải thiện, đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ngày càng tăng.

TP.HCM là địa phương đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách của cả nước, năm 2014 là 30%. GDP bình quân đầu người tăng 12%/năm, đến cuối năm 2015 ước đạt 5.538USD/người.

Tỷ trọng kinh tế Thành phố trong nền kinh tế đất nước ngày càng cao, từ 18,3% năm 2011 tăng lên 21,5% năm 2014.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, trong giai đoạn 2010 - 2015, Thành phố vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đạt được.

Cụ thể như GDP 5 năm (2010 - 2015) tăng bình quân 9,6%/năm, không đạt chỉ tiêu (12%) Nghị quyết Đại hội IX đề ra, thấp hơn nhiệm kỳ trước, thiếu bền vững, chưa tạo được đột phá trong nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh chưa cao, chưa xứng tầm với tiềm năng và lợi thế của Thành phố...

Đây là giai đoạn đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng, với việc trở thành thành viên của nhiều tổ chức kinh tế thế giới như Cộng đồng Kinh tế ASEAN, hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước; cũng như đối mặt với nhiều vấn đề không kém phần quan trọng khác như vấn đề Biển Đông, biên giới Tây Nam, biến đổi khí hậu,... sẽ là sức ép rất lớn cả về năng lực cạnh tranh và ổn định chính trị trên địa bàn Thành phố, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của Thành phố.

Trong Dự thảo, Đảng bộ, chính quyền Thành phố đặt ra mục tiêu có vai trò động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á.

Dự thảo đề ra 14 chỉ tiêu quan trọng về kinh tế - xã hội giai đoạn 2015 - 2020.

Trong đó, có một số chỉ tiêu đáng chú ý: tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn Thành phố (GRDP) bình quân hằng năm từ 8% - 8,5%; chuyển dịch cơ cấu theo định hướng dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, nông - lâm nghiệp và thủy sản, trong đó tỷ trọng của dịch vụ trong GRDP đến năm 2020 chiếm từ 56% đến 58%, GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2020 đạt 9.800 USD; đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng so với đầu năm 2011 là 3,5 lần; giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn chương trình “Giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2016 - 2020 bình quân 1%/năm; đến cuối năm 2020, tổng diện tích nhà ở xây dựng đạt 40 triệu m2 và diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 19,8 m2/ người; đến cuối năm 2020, đạt 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học (từ 3 tuổi đến 18 tuổi)...

- Thời gian tổ chức lấy ý kiến nhân dân được tiến hành từ ngày 10/9/2015 đến hết ngày 10/10/2015.

- Hình thức góp ý: Có thể theo toàn bộ nội dung hay theo từng phần, từng vấn đề cụ thể trong Dự thảo Báo cáo chính trị.

Nhân dân có thể gửi ý kiến góp ý tới các cơ quan báo chí Thành phố, gửi ý kiến góp ý tới cấp ủy Đảng các cấp hoặc gửi về Thành ủy (thông qua Ban Tuyên giáo), góp ý kiến trực tiếp tại các hội nghị lấy ý kiến nhân dân, các buổi sinh hoạt thường kỳ của các tổ chức chính trị - xã hội

P.V