Thị Trường
13:39 01-12-2015Hà Nội ùn tắc, sao vẫn cho xây cao ốc ở trung tâm?
Trao đổi với Zing.vn, tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, Hà Nội đã thiếu quyết liệt trong quản lý và quy hoạch đô thị dẫn tới áp lực lên hệ thống giao thông, gia tăng ùn tắc.
Trong 140 kiến nghị của người dân gửi tới kỳ họp HĐND Hà Nội lần này tập trung vào quy hoạch đô thị, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, ùn tắc giao thông. "Mưa - tắc đường" đã trở thành điệp khúc với người dân thủ đô, bất chấp nỗ lực của các lực lượng công an thành phố.
Cao ốc trong nội đô mọc lên như nấm
5 năm qua, áp lực giao thông trên tuyến đường Nguyễn Trãi, Vũ Trọng Phụng, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Xiển... tăng đột biến do hàng loạt chung cư kết hợp trung tâm thương mại mọc lên tại các nhà máy vừa di dời. Phố Nguyễn Chí Thanh - từng đoạt giải con đường đẹp nhất Việt Nam - ùn tắc nghiêm trọng do một số cao ốc, chung cư, trung tâm thương mại vừa đi vào hoạt động.
Ngay tại khu Ba Đình, tòa nhà 8B Lê Trực xây sai phép nhiều năm, tới khi hoàn thiện mới bị yêu cầu cắt ngọn 5 tầng. Nhiều ý kiến lo ngại, khi tòa nhà đi vào hoạt động, lượng ôtô sẽ tăng đột biến.
Dự án bê tông hóa mương trên phố Nguyễn Khánh Toàn và Phan Kế Bính làm bãi đỗ xe đã bị biến thành khu ăn uống, mua sắm, và nhà ở khiến ùn tắc gia tăng.
Trong kiến nghị gửi tới kỳ họp HĐND Hà Nội, cử tri bức xúc khi tại các khu đất di dời các nhà máy, cơ sở sản xuất ra khỏi nội đô, đã hình thành những khu đô thị, căn hộ cao tầng, văn phòng cao cấp.
"Việc hàng loạt chung cư, khu đô thị được xây dựng trên đất di dời đã không thực hiện đúng theo quy định của Chính phủ là ưu tiên xây dựng, phát triển các đề án công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, đề án hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị", cử tri bày tỏ.
Một trong 10 giải pháp được UBND TP Hà Nội đưa ra tại Tờ trình về chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông thành phố giai đoạn 2016 - 2020 là về vấn đề quản lý quy hoạch xây dựng.
Theo UBND TP Hà Nội, trong những năm tới thành phố cần tăng cường thực hiệm quản lý quy hoạch xây dựng chặt chẽ việc xây dựng nhà cao tầng trong khu vực nội đô và di dân cơ học nhằm hạn chế tăng mật đọ dân cư nội đô.
Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở sản xuất, trường học, bệnh viện ra ngoài trung tâm thành phố theo đúng lộ trình và bố trí quỹ đất này cho mục đích giao thông và công cộng.
Gia tăng ùn tắc do Hà Nội thiếu quyết liệt
Trao đổi với Zing.vn, kiến trúc sư - tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội, khẳng định, thời gian qua, Hà Nội thiếu quan tâm, thiếu quyết liệt đối với lĩnh vực quản lý và quy hoạch đô thị dẫn tới áp lực lên hệ thống giao thông, gia tăng ùn tắc.
Ông cho hay, năm 2010 sau khi Thủ tướng yêu cầu các dự án cao tầng tại 4 quận nội thành (Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Ba Đình), Hà Nội đã rà soát và lập quy hoạch phân vùng để kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng nhà cao tầng.
Sau khi soát 233 dự án - đồ án xây cao ốc trong trung tâm, Hà Nội đưa ra các biện pháp siết chặt quản lý nhà cao tầng. Nhưng sau đó, hàng loạt dự án cao ốc vẫn đua nhau mọc lên.
"Dân số tăng nhanh nhưng hạ tầng kỹ thuật, xã hội, như trường học, bệnh viện, chợ dân sinh và đặc biệt là đường đều không được mở rộng. Vì vậy tình trạng ùn tắc là đương nhiên", kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm nhận định.
Ông Nghiêm thông tin, theo quy hoạch năm 2011 được Thủ tướng phê duyệt, lẽ ra 4 quận nội đô lịch sử (vành đai 2 trở vào đến đê sông Hồng) phải giảm nhưng thực tế các quận này đều tăng dân số rất mạnh.
Năm 1996, trong nội đô lịch sử là 960.000 dân. Sau khi nghiên cứu, thành phố đặt mục tiêu giảm còn 800.000 dân. Nhưng năm 2009 nội đô không giảm mà lại tăng lên 1,2 triệu dân.
Năm 2009, quận Ba Đình có gần 220.000 dân, đến 2013 tăng lên 240.000 người; quận Hoàn Kiếm từ 145.000 dân tăng lên gần 160.000 dân; quận Hai Bà Trưng từ 300.000 người lên 320.000 người; quận Đống Đa từ 370.000 dân lên gần 400.000 dân...
Với khoảng 2.100 người/km2, mật độ dân số của Hà Nội cao gấp 9 lần so với mật độ chung của cả nước.
Mặt khác, theo quy chuẩn thì diện tích bãi đỗ xe phải chiếm 3% đất tự nhiên, nhưng hiện thành phố mới đạt 0,3%. Thiếu bãi đỗ xe, khiến Hà Nội phải cho phép xe đỗ trên khắp hè phố, thậm chí cả lòng đường, khiến tình trạng ùn tắc thêm nan giải.
Trong khi đó, tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm - Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đánh giá, những năm qua Hà Nội chưa kiểm soát, hạn chế nhà cao tầng khu vực nội đô theo đúng chủ trương đã được phê duyệt. Không gian quy hoạch chung đã bị phá vỡ do mật độ dân cư quá lớn so với thiết kế ban đầu.
Ông nhận định, Hà Nội đã và đang làm mất cân bằng về hệ thống hạ tầng cơ sở, khiến gia tăng ùn tắc giao thông nếu tiếp tục để tình trạng nhiều công trình nhà mặt phố xây vượt chiều cao hoặc điều chỉnh nâng tầng ở khu vực bị hạn chế thuộc 4 quận nội thành.
“Lãnh đạo Hà Nội cần thực hiện nghiêm Quy hoạch chung, Luật Thủ đô hay chủ trương hạn chế nhà cao tầng để giảm tải cho khu vực nội đô”, tiến sĩ Liêm nói.
Zing
Tin liên quan
- 3 ngành dự đoán thiếu nhân lực trong năm 2025
- "Vàng xanh" Việt Nam tăng giá kỷ lục, TQ ráo riết thu mua, vì sao chuyên gia cảnh báo "không trồng ồ ạt"?
- Top 3 xuất khẩu nhưng Việt Nam chỉ chiếm 5% lượng sản xuất mặt hàng này trên toàn cầu
- HSBC thay đổi dự báo về kinh tế Việt Nam 2024, nhận định là “ngôi sao tăng trưởng của Đông Nam Á”