clock

Doanh Nghiệp

10:26 26-07-2018

Hà Nội và Tp.HCM "tồn" nhiều nhất về số doanh nghiệp chưa cổ phần hóa

Trong khi các bộ ngành còn rất ít doanh nghiệp chưa cổ phần hóa thì Hà Nội và Tp.HCM lại có kết quả trái ngược...

"Tính tới nay, Hà Nội và Tp.HCM là hai địa phương có nhiều doanh nghiệp nhà nước chưa cổ phần hóa nhất, trong khi các bộ, ngành Trung ương còn rất ít doanh nghiệp chưa cổ phần hóa. Đồng thời, số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa niêm yết trên thị trường chứng khoán rất thấp, mới chỉ có 150 trong số khoảng 700 doanh nghiệp đã cổ phần hóa thực hiện niêm yết".

Thông tin trên được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đưa ra khi ông chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, chiều 25/7.

Bán vốn nhà nước thu gấp 3 lần sổ sách

Báo cáo của Ban Chỉ đạo cho thấy, tính từ đầu năm tới hết tháng 6, cả nước có 16 doanh nghiệp nhà nước đã IPO và bán gần 46% vốn điều lệ cho cổ đông chiến lược, thu về 22.457,29 tỷ đồng, gấp 4,5 lần số thu từ IPO của cả năm 2017. Các bộ, địa phương cũng bán vốn Nhà nước tại 42 doanh nghiệp với giá trị sổ sách 1.813 tỷ đồng, thu về 5.598 tỷ đồng (gấp 3,08 lần giá trị sổ sách).

Như vậy, tổng thu từ cổ phần hóa, thoái vốn trong 6 tháng đầu năm đạt 28.055,29 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2016 đến nay, tổng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn đạt khoảng 198.000 tỷ đồng, gấp 2,5 lần tổng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2011 - 2015 (khoảng 78.000 tỷ).

Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, việc thực hiện nhiệm vụ của Ban chỉ đạo, các bộ, ngành địa phương đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong 6 tháng đầu năm nay.

Phó thủ tướng nhận định: "Mặc 6 tháng đầu năm số lượng doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá, bán vốn ít, chậm so với kế hoạch nhưng đều là những doanh nghiệp có quy mô lớn, số vốn Nhà nước thu về nhiều. Đây là độ sâu của cổ phần hóa hiện nay khi mà trước đây cổ phần hoá, bán vốn ở nhiều doanh nghiệp nhưng số vốn Nhà nước bán ra lại nhỏ".

"Phải đề cao chất lượng cổ phần hóa là Nhà nước có lợi nhiều nhất, nâng cao chất lượng quản trị, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hoá", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Đối với việc chậm thực hiện kế hoạch cổ phần hóa đã được Thủ tướng phê duyệt, Trưởng Ban chỉ đạo chỉ ra vướng mắc lớn nhất là xác định, phê duyệt đất đai của doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá.

 Ví dụ trường hợp của Vinafood2, sở hữu diện tích đất nông nghiệp hàng triệu ha, ở nhiều địa phương, trước khi cổ phần hóa, Bộ chủ quản và các địa phương phải xác định xong phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa nhưng chỉ Tp.HCM chậm xác định đã làm chậm kế hoạch cổ phần hóa của doanh nghiệp (sau này Vinafood2 phải đưa chi tiết này vào cáo bạch trước khi cổ phần hoá).

Bên cạnh đó là các nguyên nhân số lượng doanh nghiệp nhà nước thực hiện kiểm toán (để bảo đảm số liệu trung thực, khách quan) trước khi cổ phần hóa tăng mạnh; nhiều doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn thực hiện cổ phần hóa. Ngoài ra, việc chậm cổ phần hóa, bán vốn theo kế hoạch là do các hướng dẫn chưa được các bộ ban hành đầy đủ, thị trường chứng khoán giảm mạnh trong vài tháng qua.

Yêu cầu công khai doanh nghiệp "trốn" niêm yết

Phó thủ tướng đề nghị Ban chỉ đạo nhanh chóng hoàn thiện báo cáo tình hình, kế hoạch triển khai trong 6 tháng cuối năm để trình Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan liên quan để đôn đốc, giám sát; các bộ rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật, thông tư hướng dẫn các nghị định của Chính phủ về cổ phần hoá, bán vốn.

Thường trực Ban chỉ đạo phối hợp với các bộ tổng hợp, rà soát, điều chỉnh kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn để "định vị" kế hoạch bổ sung, làm căn cứ đánh giá kế hoạch thực hiện từ nay tới cuối năm. Phương châm đặt ra là: "Không chạy theo tiến độ, lấy thực chất là chính, tránh chuyện dồn ép mà không đạt hiệu quả tối đa".

Trưởng Ban chỉ đạo yêu cầu Văn phòng Chính phủ đôn đốc các tập đoàn, tổng công ty phản ánh các vướng mắc, khó khăn trong cổ phần hóa, thoái vốn, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước và kiến nghị với Chính phủ, các bộ tại Hội nghị toàn quốc về doanh nghiệp nhà nước sắp tới do Thủ tướng chủ trì; yêu cầu rà soát danh mục bàn giao về SCIC theo tinh thần các bộ, địa phương bàn giao hết các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa về SCIC; đôn đốc các bộ, địa phương chủ động rà soát các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện chuyển thành công ty cổ phần, sớm xây dựng phương án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính công khai các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa mà không niêm yết trên thị trường chứng khoán đúng thời hạn; sớm hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định thủ tục bàn giao tập đoàn, tổng công ty về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo kịp thời về Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút FDI; chỉ đạo Tổng cục Thống kê phối hợp với VCCI công bố Chỉ số phát triển doanh nghiệp đầu tiên vào Ngày Doanh nhân Việt Nam năm 2018.

Bộ Tài Nguyên và Môi trường quan tâm chỉ đạo các sở tham mưu kịp thời cho lãnh đạo địa phương xác định kế hoạch sử dụng đất của doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hoá để bảo đảm tiến độ cổ phần hoá của các doanh nghiệp nhà nước.

 

Nguyên Hà/ Vneconomy