clock

Trong Nước

04:56 27-11-2019

Hạ tầng quá tải, hãng khổ, khách cực vì bị chậm chuyến bay

85,7% là tỉ lệ các chuyến bay đúng giờ của các hãng hàng không Việt Nam trong tháng 10/2019. Tỷ lệ này cao hơn tỷ lệ của 10 hãng hàng không tốt nhất thế giới trong cùng thời gian. Nhưng nhiều người chưa rõ bức tranh chung về đúng giờ hàng không nên thường có cái nhìn không tốt về các hãng.

Nỗi khổ của các hãng hàng không

Vận tải hàng không là ngành kinh doanh đặc thù. Việc vận hành một chuyến bay hay chậm chuyến, hủy chuyến có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân hạ tầng hàng không. Hàng ngày, nhiều người từng gặp phải cảnh đã yên vị trong máy bay ở Tân Sơn Nhất (TP HCM) rồi nhưng mãi chưa thể bay được vì phải xếp hàng chờ đến lượt cất cánh.

Tương tự, nhiều chuyến bay tới Tân Sơn Nhất đúng giờ nhưng phải bay lòng vòng hàng giờ chỉ vì đường băng hạ cánh đang quá tải. Có những khách bay nhiều đã coi sân bay "nghẽn từ mặt đất tới bầu trời" và ‘Tân Sơn Nhất thuộc top sân bay gây chậm chuyến bay nhất hệ mặt trời’!

Hiện nay, các hãng hàng không đều sử dụng phương thức quay vòng máy bay. Hiểu nôm na, máy bay từ điểm A đến điểm B, sau đó sẽ được sử dụng để quay về điểm A hoặc đi tiếp đến điểm C. Việc sử dụng máy bay như vậy vừa tối ưu nguồn lực, chi phí vừa đáp ứng nhu cầu bay ngày càng nhiều của khách hàng.

Theo phương thức này, hãng hàng không nào hoạt động hiệu quả, có nhiều chặng bay, nhiều khách, thì thời gian giữa các lần quay vòng máy bay sẽ nhanh hơn. 

Nhưng nếu hạ tầng tại sân bay không tốt, không đảm bảo cho chuyến bay từ A đến B đúng giờ, tất yếu sẽ ảnh hưởng sang chuyến bay từ B đến C. Trong trường hợp đó, hãng nào có số lượng chuyến bay cao, thời gian quay vòng máy bay nhanh sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Trả lời báo chí mới đây, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), cho biết công suất thiết kế của Tân Sơn Nhất là 28 triệu lượt khách/năm nhưng năm 2018 đã phải phục vụ tới hơn 38 triệu lượt khách.

Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết Việt Nam đang khai thác 22 sân bay (9 sân bay quốc tế và 13 sân bay nội địa). 

Các sân bay này có tổng công suất đạt 90,4 triệu lượt khách nhưng trong năm 2018 đã phải phục vụ tới 103,4 triệu lượt khách. Sân bay quá tải như vậy thì việc chậm chuyến bay, hủy chuyến xảy ra không có gì lạ.

Thực trạng đó khiến khách chịu cơ cực từ nhà ga đến khi bay. Hãng hàng không thì vừa bị thiệt hai kinh tế, vừa bị khách trút giận mà không phải lúc nào cũng có thể thanh minh với khách hàng.

Một ví dụ đơn giản nhất để hình dung. Nếu hành khách đi ô tô, họ sẽ dễ dàng nhận ra cả trong bến xe và đoạn đường ngoài cổng bến đang tắc, xe buộc phải "chôn" bánh trong bến, không thể dời bến đúng giờ được. Khi đó, khách sẽ thông cảm cho nhà xe và trút giận lên những đơn vị tổ chức giao thông, quy hoạch, xây dựng hạ tầng bến xe và đường quanh đó.

Nhưng khách ngồi trên máy bay, hay ngồi chờ ở phòng đợi ra máy bay không được trực tiếp chứng kiến nguyên nhân gây chậm chuyến nên thường quy kết trách nhiệm và trút giận lên đầu hãng hàng không.

Trông chờ ACV thôi độc quyền

Sẽ có người đặt câu hỏi: Tại sao không nâng cấp, mở rộng, đầu tư xây dựng sân bay mới? Trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/8/2019, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết: Trừ sân bay Vân Đồn do nhà đầu tư quản lý, 21 sân bay còn lại đã được Chính phủ giao cho Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản lý.

Đến bao giờ việc đầu tư sân bay sẽ có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư? PGS, TS Nguyễn Thanh Chương, Phó hiệu trưởng trường đại học Giao thông Vận tải Hà Nội, khẳng định: "Sẽ là bất cập khi có một nguồn từ nhà nước, vì vậy, cần có nhiều nguồn đầu tư bằng các hình thức khác nhau".

Trên thực tế, số lượng các nhà đầu tư đang muốn rót vốn vào xây dựng sân bay không ít, như Công ty cổ phần Rạng Đông được lựa chọn đầu tư xây dựng sân bay Phan Thiết...

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng "để các doanh nghiệp tham gia đầu tư sân bay sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu của ACV, ảnh hưởng đến nguồn thu của doanh nghiệp Nhà nước, tài sản Nhà nước". Theo ông Thể, quan điểm của Chính phủ là tiếp tục xã hội hóa nhưng theo hình thức khác.

"Ví dụ, Cảng hàng không Lào Cai đang kêu gọi đầu tư, nếu doanh nghiệp quan tâm thì làm từ đầu cả hạng mục sinh lợi và không sinh lợi để đảm bảo hài hòa lợi ích", ông Thể nói.

Đáng chú ý, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 17/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý phải đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng hàng không đồng bộ.

Thủ tướng giao Bộ Giao thông – Vận tải có biện pháp quản lý để phát triển hàng không tốt nhưng phải phù hợp với quy hoạch, năng lực cơ sở hạ tầng và nhân lực. 

Thủ tướng đề nghị việc thành lập mới, hoặc nâng quy mô của các hãng hàng không phải đảm bảo yêu cầu duy trì và nâng cao năng lực khai thác an toàn bay của các hãng hàng không; năng lực giám sát an toàn của nhà chức trách; khả năng cung ứng năng lực đặc thù (phi công, kỹ sư, thợ máy sửa chữa và bảo dưỡng tàu bay…); và khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng hàng không. 

Các hãng hàng không sau khi thành lập phải hoạt động theo đúng kế hoạch được duyệt, phải có sân bay căn cứ, không để ùn tắc, quá tải tại một số sân bay.

Có thể sẽ phải chờ thêm những quy định cụ thể về xã hội hóa đầu tư sân bay. Nhưng, một điều chắc chắn rằng chỉ một mình ACV sẽ không thể kham nổi việc đầu tư sân bay trước nhu cầu đi lại ngày càng cao của hành khách.

Mới đây, Bộ GT – VT lại đề nghị Quốc hội giao ACV đầu tư sân bay Long Thành, có vốn đầu tư 4,7 tỷ USD, tiếp tục chặn nhà đầu tư khác tham gia siêu dự án, được coi là nút thắt của hàng không này. Chừng nào ACV còn ‘một mình một chợ’ thì chừng đó tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến còn tái diễn. Chịu thiệt thòi chính là các hãng hàng không và hành khách.