clock

Doanh Nghiệp

05:00 06-05-2017

Hai doanh nghiệp của ông Trịnh Văn Quyết đang làm ăn ra sao?

FLC và ROS là nhân tố chính giúp khối tài sản của ông Trịnh Văn Quyết tăng cao trên sàn chứng khoán. Hai công ty này vừa báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2017.

Ông Quyết hiện là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt, với khối tài sản lên tới hơn 47.500 tỷ đồng, tương đương gần 2,1 tỷ USD, hơn người xếp thứ 2 là ông Phạm Nhật Vượng tới 18.000 tỷ đồng.

Người giàu nhất sàn chứng khoán Việt được biết đến với tư cách Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (FLC), và là cổ đông nắm giữ phần lớn vốn tại Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros (ROS).

Cụ thể, ông Quyết nắm giữ hơn 289,55 triệu cổ phiếu ROS (tương đương 67,34% cổ phần Faros) và 114,18 triệu cổ phiếu FLC (17,9% cổ phần FLC).

Trong quý I, cả Faros và công ty mẹ FLC đều công bố kết quả kinh doanh tích cực so với cùng kỳ.

FLC là doanh nghiệp bất động sản niêm yết có quy mô vốn và tổng tài sản lớn nhất hiện nay. Đồ họa: Quang Thắng.

Cụ thể, quý I, FLC ghi 1.588 tỷ đồng doanh thu thuần. Điều này giúp khoản lợi nhuận sau thuế của FLC cũng tăng nhẹ, đạt 205,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, 3 tháng đầu năm, khoản chi phí thuế của FLC tăng thêm 10 tỷ đồng, khiến lãi ròng của công ty này chỉ còn 153 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước.

So với kế hoạch năm 2017 trước đó, 3 tháng đầu năm FLC chỉ thực hiện được hơn 12% chỉ tiêu doanh thu và 16% chỉ tiêu lãi ròng cả năm (chỉ tiêu danh thu và lãi ròng tương ứng là 13.000 tỷ và 984 tỷ đồng).

Điểm khởi sắc trong kết quả kinh doanh của FLC chính là công ty mẹ FLC. Doanh thu quý 1 của riêng công ty mẹ đạt 931 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, 70% đến từ doanh thu bất động sản.

Lĩnh vực bất động sản quý I đạt tỷ suất sinh lời cao, dẫn đến lợi nhuận sau thuế tăng 118%, đạt 156 tỷ đồng.

Doanh nghiệp này hiện là công ty bất động sản có vốn điều lệ lớn thứ 2 trong nhóm niêm yết, chỉ sau Vingroup, sở hữu loạt dự án bất động sản lớn.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2017, ông Trịnh Văn Quyết đã khẳng định sẽ cùng ban lãnh đạo công ty mua gom cổ phiếu FLC, để nâng tỷ lệ nắm giữ lên trên 50%, nhằm đẩy giá cổ phiếu FLC.

Tại Faros, nơi đóng góp tới 98% tài sản trên sàn chứng khoán của ông Quyết, trong quý I, công ty này ghi nhận 953 tỷ đồng doanh thu, tăng 42% so với cùng kỳ. Sau khi trừ thuế và các chi phí liên quan, Faros ghi nhận hơn 92 tỷ đồng lãi ròng, tăng 10% so với cùng kỳ.

Faros cho biết trong quý I, công ty mẹ đã mở rộng quy mô và ký được nhiều hợp đồng thi công có giá trị lớn nên doanh thu từ hoạt động xây lắp của công ty mẹ tăng mạnh. Điều này dẫn tới kết quả lợi nhuận cũng tăng.

Tính đến hết quý I, tổng tài sản của Faros đạt 7.427 tỷ đồng, giảm 9% so với đầu năm. Nguyên nhân của sự sụt giảm tài sản là khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của công ty này đã giảm gần 1.000 tỷ đồng chỉ trong 3 tháng đầu năm. Hiện tại, Faros đang có 1.744 tỷ đồng đầu tư tài chính, tương đương 23% tổng tài sản công ty.

Những năm trước đó, Faros là công ty xây dựng nhưng phần lớn tài sản đều được đem đi đầu tư tài chính để thu lợi nhuận. Từng có giai đoạn công ty này đầu tư tới 96% tài sản vào đầu tư tài chính.

Trong đại hội cổ đông mới đây, ông Quyết cho biết doanh nghiệp đang tính tới phương án sáp nhập Faros và FLC. Tuy nhiên, việc này sẽ không được trình tại đại hội cổ đông thường niên năm nay.

Trên sàn chứng khoán, hiện nay, cổ phiếu của 2 doanh nghiệp này đang rất trái ngược nhau khi thị giá cổ phiếu FLC thấp hơn rất nhiều giá trị sổ sách và chỉ ở mức 7.150 đồng/cổ phiếu.

Trong khi đó, cổ phiếu ROS lại được giao dịch với giá lên tới 161.000 đồng. Trong khi cả tổng tài sản và quy mô vốn điều lệ của FLC lớn hơn rất nhiều so với Faros.

 

theo zing