clock

Trong Nước

07:26 18-12-2015

Hàn - Nhật - Mỹ rót FDI: Việt Nam tránh phụ thuộc ai?

Thế "kiềng ba chân" của các nhà đầu tư Hàn-Nhật-Mỹ sẽ giúp Việt Nam tạo thế cân bằng trong thu hút đầu tư nước ngoài, không phụ thuộc vào nước nào.

Đến vì lợi

Liên quan đến kết quả nghiên cứu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) về xu hướng đầu tư ra nước ngoài của các đối tác đầu tư hàng đầu của Việt Nam, trong đó chỉ rõ Hàn - Nhật - Mỹ sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam trong thời gian tới, tạo “thế chân kiềng” trong thu hút FDI của Việt Nam, PGS.TS Phương Ngọc Thạch, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP.HCM đã lý giải nguyên do.

Theo đó, các doanh nghiệp FDI Hàn-Nhật-Mỹ nhìn thấy lợi thế từ Việt Nam do chính sách ưu đãi của chính phủ và lợi ích họ có thể thu được từ hội nhập sâu và rộng của Việt Nam. Các doanh nghiệp FDI đầu tư vào nhiều lĩnh vực ở Việt Nam, chủ yếu là gia công lắp ráp, khai thác nguồn lao động phổ thông lương thấp của Việt Nam và thị trường rộng lớn 90 triệu dân.

Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, các nước giảm thuế, hàng nước ngoài sản xuất tại Việt Nam cũng sẽ được giảm thuế. Khi hàng rào quan thuế bị bãi bỏ, các công ty đa quốc gia sẽ tập trung sản xuất tại nước có phí tổn thấp nhất, trong đó có Việt Nam. Có thể khẳng định rằng, khu vực các doanh nghiệp FDI thực sự hưởng lợi từ các FTA mà Việt Nam ký kết với các nước.

"Thực tế cho thấy các nhà đầu tư FDI đến một quốc gia nào đó cuối cùng cũng chỉ dựa vào cái lợi. Nếu điểm đến đầu tư đem lại cho họ nhiều lợi ích, họ sẽ ở lại. Còn không, họ sẽ tìm kiếm điểm đến mới phù hợp hơn. Chẳng hạn, nhiều nhà đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc thời gian qua chuyển nhà máy đến các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, vì chính sách lương của Trung Quốc không còn phù hợp với họ. Không có gì để đảm bảo các nhà đầu tư nước ngoài mãi gắn bó với chúng ta.

Một “điệp khúc” lặp lại nhiều lần ở châu Á là: Khi lương và thu nhập tại các nước thành công tăng lên, cánh cửa cơ hội mở ra cho những “tân binh” có chi phí sản xuất thấp hơn. Việt Nam đang là tay chơi mới nhất trong thu hút đầu tư nước ngoài. Một khi chi phí nhân công của Việt Nam tăng, FDI sẽ tiếp tục “cuộc di cư” sang các quốc gia có chi phí nhân công rẻ hơn. Tôi cho rằng quan niệm rằng Hàn-Nhật-Mỹ đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam sẽ tạo “thế chân kiềng” trong thu hút FDI đúng nhưng chưa đủ, nó còn phụ thuộc vào nhiều nhân tố khác, trong đó đặc biệt chính sách thu hút đầu tư", PGS.TS Phương Ngọc Thạch chỉ rõ.

Trong khi đó, GS.TS Hoàng Thị Chỉnh, Khoa Kinh tế, ĐH Kinh tế TP.HCM nói thêm, trong số các đối tác đầu tư vào Việt Nam, đến nay Hàn Quốc là nhà đầu tư số 1, trong khi đó nhiều doanh nghiệp Hàn đang làm ăn rất phát đạt ở Việt Nam, tiêu biểu như Samsung ở Bắc Giang nên chắc chắn họ sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư. Ngoài ra, mối quan hệ Hàn-Việt cũng rất tốt. Còn Nhật Bản, lượng vốn FDI từ quốc gia này đứng thứ hai sau Hàn Quốc nhưng truyền thống đầu tư FDI vào Việt Nam và quan hệ Việt-Nhật hết sức tốt đẹp, các nhà đầu tư Nhật Bản cũng đánh giá cao sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam. Đối với các doanh nghiệp Mỹ, họ cũng nhìn thấy lợi ích lâu dài ở thị trường Việt Nam, đặc biệt việc Việt Nam tham gia TPP cũng khiến các nhà đầu tư Mỹ mạnh dạn hơn.

Về phía Việt Nam, theo GS.TS Hoàng Thị Chỉnh, Việt Nam có nhiều cơ hội từ sự đầu tư của các doanh nghiệp Hàn-Nhật-Mỹ, sẽ có những ngành không phải chỉ thâm dụng lao động như trước đây mà sẽ thâm dụng chất xám nhiều hơn, kỹ thuật cao hơn, thậm chí họ có thể đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp - vốn có nhiều tiềm năng nhưng Việt Nam lại khai thác kém. Một số nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đã đi theo hướng này và hy vọng họ sẽ hỗ trợ Việt Nam trong cách làm nông nghiệp.

Còn Mỹ có thể đầu tư vào các ngành công nghiệp thâm dụng chất xám, công nghệ cao. Nhưng điều quan trọng là, để thu hút được đầu tư của ba quốc gia nói trên, Việt Nam phải thay đổi nhiều, nhất là chất lượng nguồn nhân lực. Nếu Việt Nam không đáp ứng được các điều kiện về nhân lực của nhà đầu tư ngoại thì khó có thể hưởng lợi được gì, nhất là đối với Mỹ.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP.HCM khẳng định, sự xuất hiện của những tập đoàn hàng đầu của Hàn-Nhật-Mỹ như Microsoft, Intel, Samsung..., là những doanh nghiệp có công nghệ cao, nguồn vốn lớn, kinh nghiệm quản lý tốt, sẽ góp phần thúc đẩy chất và lượng của dòng vốn FDI vào Việt Nam. Dù vậy, ông lưu ý sẽ có không ít thách thức, xuất phát từ nỗi lo phụ thuộc vào Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ nên trong thu hút đầu tư Việt Nam cần có sự cân đối, đa dạng hóa.

Thế cân bằng

Trước câu hỏi, thế "kiềng ba chân" của các nhà đầu tư Hàn-Nhật-Mỹ liệu có tạo nên đối trọng với làn sóng đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam, khi Trung Quốc cũng đang tìm đến Việt Nam để hưởng lợi từ TPP cũng như hàng loạt hiệp định FTA mà Việt Nam đã ký kết và có ý kiến cho rằng FDI Trung Quốc “lượng nhiều, chất thấp, thiếu tin cậy”. PGS.TS Phương Ngọc Thạch cho rằng, đúng là có rất nhiều ý kiến đánh giá như vậy về FDI Trung Quốc, song thực tế FDI của Trung Quốc vào nhiều quốc gia không phải như vậy.

"Trung Quốc đã trở thành công xưởng thế giới, hàng Trung Quốc có nhiều trên thị trường Mỹ và châu Âu. Chất và lượng của dòng vốn nước ngoài phụ thuộc vào chính sách thu hút FDI của từng nước. Tuy nhên, sự đầu tư mạnh mẽ của các nhà đầu tư Hàn-Nhật-Mỹ cũng sẽ tạo nên sự cạnh tranh quyết liệt giữa các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Điều đó chỉ có lợi cho Việt Nam, nó sẽ giúp Việt Nam tạo thế cân bằng trong thu hút đầu tư nước ngoài, không phụ thuộc vào nước nào", ông nhận xét.

Còn GS.TS Hoàng Thị Chỉnh lưu ý, trong các dự án với Trung Quốc, Việt Nam phải cân nhắc rất kỹ bởi lâu nay nhiều dự án do Trung Quốc đầu tư không đạt hiệu quả như mong muốn.

Các chuyên gia cũng khẳng định Việt Nam cần đổi mới để đón nhận sự đầu tư của các doanh nghiệp FDI một cách hiệu quả nhất. Đó là không ưu đãi FDI quá mức, phải thẩm định dự án nghiêm túc có tiêu chí thẩm định rõ ràng. Cơ quan cấp phép cần quan tâm đến năng lực thực sự của nhà đầu tư, FDI phải đặt cọc với số tiền lớn khi triển khai, phải có quy định về chuyển giao công nghệ theo thời gian và ít phát thải.

Thực hiện nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, phát triển công nghiệp phụ trợ, tham gia vào chuỗi công nghê khu vực và toàn cầu, nâng cao trình độ quản lý và công nghệ cho nhân lực Việt Nam, phải phân loại những ngành ưu đãi đầu tư , Việt Nam cùng góp vốn với công ty nước ngoài, khuyến khích doanh nghiệp FDI nghiên cứu và thực nghiệm tại Việt Nam và phải có Ban giám sát dự án.

 

Theo Báo Đất Việt