clock

Thị Trường

08:49 26-12-2022

Hàng không, đường sắt đắt khách dịp tết bất chấp giá vé cao

Vé máy bay tết tăng gấp hơn 2 lần so với bình thường, song nhiều chặng vẫn “cháy vé”. Trong khi đó, trái ngược với tình cảnh đìu hiu năm trước, vé tàu dịp tết năm nay cũng khá đắt khách.

Vé máy bay tăng "khủng" dịp cao điểm
Đưa cả gia đình về quê tại Thanh Hóa ăn tết, chị Trịnh Thị Quỳnh (Bà Rịa - Vũng Tàu) cảm thấy may mắn khi đặt vé máy bay rất sớm, từ cuối tháng 9.

“Ngay khi các hãng mở bán vé tết, tôi liền đặt ngay nên mua được vé giá cũng hợp lý dù không rẻ như năm ngoái. Nếu sát ngày thì vé đắt, tôi phải xin nghỉ phép để về sớm hơn. Giá vé khứ hồi hơn 5 triệu đồng/người, tính ra cả nhà 4 người hết hơn 20 triệu đồng. Nhiều bạn bè tôi chậm chân hơn hoặc có kế hoạch về tết muộn đều phải mua vé đắt hoặc chấp nhận về sau tết”, chị Quỳnh chia sẻ.

Vé máy bay tết tăng mạnh song nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của người dân vẫn rất cao  ĐẬU TIẾN ĐẠT

Thực tế, dù các hãng đã tiếp tục cung ứng thêm lượng vé tết, tăng thêm hàng nghìn ghế bổ sung, song giá vé các hãng đều neo ở mức cao hoặc rất cao, do nhu cầu đi lại cao điểm tết của người dân rất lớn.

Theo khảo sát, với chặng bay TP.HCM - Thanh Hoá của Vietnam Airlines, giá vé từ 23 tháng Chạp đến mùng 4 tết (14.1 đến 25.1.2023) thấp nhất là 2,2 triệu đồng/1 chặng (thời điểm mở bán khảo sát giữa tháng 12). Nhưng thực tế ngày 18 - 19.1 trang web của hãng đã báo hết vé, các ngày sau đó cũng chỉ còn loại 3,52 triệu đồng/chặng hoặc chỉ còn ghế thương gia 5,96 triệu đồng/chặng. Tính chung, hành khách sẽ phải chi trả từ 7 - 10 triệu đồng/vé khứ hồi/người.

Với chặng bay TP.HCM - Hà Nội cao điểm tết, giá vé còn khủng khiếp hơn. Theo báo giá của Vietnam Airlines, chặng bay này trong khung 14.1 đến 25.1, giá vé phổ thông thấp nhất 1 chiều cũng lên tới 3,52 triệu đồng/vé, hạng phổ thông đặc biệt từ 5,2 triệu đồng/vé, chặng thương gia thậm chí lên tới 9,83 triệu đồng/vé. Nếu so với các ngày bình thường, giá vé hạng phổ thông cũng như thương gia đã tăng gấp hơn 2 lần.

Thấp hơn một chút nhưng giá vé của Vietjet với chặng bay TP.HCM cao điểm tết cũng đang ở mức cao. Theo trang web bán vé của hãng này, chặng bay TP.HCM - Hà Nội từ 14.1 có mức giá hạng phổ thông thấp nhất 2,7 triệu đồng - 3,5 triệu đồng/chặng, song chỉ có 7 kg hành lý xách tay; nếu muốn ký gửi hành khách phải mua thêm cước. Hạng thương gia của hãng này giá vé từ 4,5 - 5,6 triệu đồng/chặng.

Theo Phòng Vận tải hàng không (Cục Hàng không Việt Nam), tính đến 18.12, nhiều đường bay nội địa dịp cao điểm tết Nguyên đán đã có tỷ lệ đặt chỗ khá cao, như TP.HCM - Đà Nẵng, TP.HCM - Hải Phòng, TP.HCM - Hà Nội, TP.HCM - Vinh. Đặc biệt, chặng bay TP.HCM - Thanh Hoá tỷ lệ đặt chỗ lên tới hơn 92% cho cả 2 chiều.

Để đáp ứng thêm nhu cầu bay của người dân, ngày 24.12, Cục Hàng không Việt Nam đã quyết định tăng thêm 32 chuyến bay, tương đương khoảng 6.000 ghế tăng thêm mỗi ngày tại sân bay Tân Sơn Nhất. Cao điểm tết, dự kiến có khoảng 120.000 khách đi và đến sân bay này mỗi ngày. Để giảm thiểu nguy cơ ùn tắc tại các sân bay dịp tết, Cục Hàng không Việt Nam cũng đã tăng thêm slot bay đêm tại Tân Sơn Nhất và Nội Bài, đồng thời yêu cầu các cảng hàng không, các hãng hàng không đưa ra các giải rút ngắn thời gian làm thủ tục, chờ đợi của hành khách.

Vé tàu nhích lên vẫn đắt khách
Trái ngược với cảnh đìu hiu tết năm ngoái, vé tàu năm nay dù tăng nhẹ so với năm trước song lại rất đắt khách. Theo Tổng công ty đường sắt Việt Nam, giá vé tàu tết Quý Mão đã tăng 2 - 12% so với tết năm trước, nhưng nhiều đoàn tàu từ phía nam ra bắc đã hết vé.

Theo khảo sát, hiện vé tàu từ ga Sài Gòn đến Thanh Hoá trong thời gian từ ngày 14.1.2023 nhiều chuyến đã cạn vé giường nằm ngồi mềm điều hoà. Số lượng vé còn lại rất ít, chủ yếu là ghế ngồi cứng hoặc ghế phụ. Giá vé tàu tết dù cao hơn ngày thường, thời gian di chuyển dài hơn, song vẫn tiết kiệm hơn nhiều so với máy bay (khoảng 4 triệu đồng giường nằm/vé 2 chiều), nên được nhiều người lựa chọn.

Công ty CP vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, lượng vé đường dài chủ yếu tập trung chiều từ TP.HCM đi các tỉnh phía bắc và miền Trung cao điểm trước tết và ngược lại từ phía bắc và miền Trung vào TP.HCM sau tết. Công ty này cũng đã chạy tăng cường thêm 2 đoàn tàu Thống Nhất TN4, SE24 xuất phát từ ga Sài Gòn vào các ngày 20 và 21 tháng Chạp.

Từ đầu Hà Nội, lượng khách mua vé tàu tết chủ yếu tập trung vào các chặng ngắn như Thanh Hoá, Vinh (Nghệ An), Đồng Hới (Quảng Bình)... Bà Phạm Thị Anh Đào, Trạm trưởng Trạm Vận tải đường sắt Hà Nội, cho biết do đặc thù đường sắt chỉ vận hành chung trên một đường ray Bắc - Nam, nên số lượng chuyến tàu tăng thêm không thể nhiều như hàng không. Dù vậy dịp tết, để đáp ứng nhu cầu tăng cao của hành khách, cả 2 công ty vận tải đường sắt đều cố gắng tăng chuyến tối đa, đặc biệt là các giai đoạn nhu cầu tăng cao.

Theo ông Thái Văn Truyền, Giám đốc Công ty CP vận tải đường sắt Sài Gòn, tính đến 23.12, còn hơn 43.000 vé tàu tết Quý Mão, trong đó giai đoạn trước tết chiều từ TP.HCM đi Hà Nội còn hơn 9.000 chỗ, song chủ yếu là ghế phụ. Số lượng lớn vé còn (hơn 34.000 chỗ) chủ yếu là chiều sau tết từ Hà Nội đi TP.HCM. Công ty này cũng tiếp tục chạy thêm 6 chuyến tàu từ Sài Gòn về Phan Thiết, Quảng Ngãi, Vinh, với số lượng vé bổ sung thêm là hơn 3.000 vé.

Theo Tuổi Trẻ