clock

Doanh Nghiệp

01:20 24-10-2019

Hàng không Thiên Minh sẽ chính thức cất cánh ngay quý 1/2020 với 6 tàu bay, vốn đầu tư lên đến 5.500 tỷ đồng

Tổng vốn đầu tư Hàng không Thiên Minh dự kiến lên đến 5.500 tỷ đồng. Trong đó, 4.500 tỷ đồng vốn cố định với khoảng 28% vốn chủ sở hữu (1.530 tỷ đồng); 72% còn lại là đi vay của các tổ chức tài chính, tín dụng trong nước và nước ngoài.

Báo cáo Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về Dự án thành lập Hãng hàng không Cánh Diều (Kite Air), Giám đốc điều hành CTCP hàng không Thiên Minh Nguyễn Mạnh Quân cho biết, Hàng không Thiên Minh đã gửi hồ sơ lên Sở KH&ĐT Quảng Nam đề xuất thành lập Hãng hàng không Cánh Diều (Kite Air), vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.

Đại diện Kite Air cũng khẳng định, Thiên Minh dự kiến lập trụ sở chính của Hãng hàng không tại Cảng hàng không Chu Lai, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam trong thời gian 50 năm kể từ ngày quyết định chủ trương đầu tư dự án có hiệu lực.

"Doanh nghiệp dự kiến khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên vào quý 1/2020 với 6 tàu bay ATR72 hoặc tương đương. Đến năm khai thác thứ 5 (2025), đội tàu bay sẽ tăng lên 30 chiếc, bao gồm 15 tàu bay ATR72 và 15 tàu bay A320/321 hoặc tương đương", Giám đốc điều hành Nguyễn Mạnh Quân nhấn mạnh.

Chi tiết dự án, tổng vốn đầu tư dự kiến lên đến 5.500 tỷ đồng. Trong đó, 4.500 tỷ đồng vốn cố định (bao gồm 2.300 tỷ đồng đầu tư tàu bay ATR, 1.700 tỷ đồng thuê khô tàu thân hẹp và 500 tỷ đồng đầu tư thiết bị, văn phòng). Trong số 4.500 tỷ đồng này, dự kiến 28% vốn chủ sở hữu (1.530 tỷ đồng); 72% còn lại là đi vay của các tổ chức tài chính, tín dụng trong nước và nước ngoài.

Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Quân, Cánh Diều lựa chọn ATR72-600 là phương tiện khai thác chủ lực. Theo ông Quân, ATR72-600 có tổng số ghế 78, tăng 14% so với loại ATR đang khai thác hiện nay tại Việt Nam. Tiêu hao nhiên liệu của ATR72-600 hiện bằng 1/3 tàu phản lực thân hẹp. Thời gian quay đầu chỉ 20 phút. Một máy bay khai thác chỉ cần 4 người trong phi hành đoàn, 2 phi công và 2 tiếp viên. "25% mạng đường bay nội địa có cự ly dưới 400 dặm, khai thác hiện nay chỉ 1 - 3 chuyến/ngày", ông Nguyễn Mạnh Quân khẳng định đồng thời chia sẻ, cơ hội thị trường của Cánh Diều nằm ở 4 sân bay: Điện Biên, Cà Mau, Kiên Giang, Côn Đảo và cả khu vực tiểu vùng sông Mê Kong dư địa còn lớn.

Tại cuộc họp bàn chủ trương lập Hãng hàng không Cánh Diều do Bộ GTVT tổ chức vào ngày 22/10, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường cho rằng, việc có thêm các hãng hàng không mới sẽ đa dạng hóa sản phẩm, giúp cho hành khách có thêm sự lựa chọn, tăng thêm yếu tố thúc đẩy thị trường phát triển theo hướng tự do hoá, có tính cạnh tranh cao.

Tuy nhiên, lãnh đạo Cục HKVN cũng như như đại diện nhiều cơ quan tham mưu của Bộ GTVT đề nghị Thiên Minh làm rõ thêm các vấn đề liên quan đến vốn quay vòng; phương án tài chính cụ thể đến bao giờ hết lỗ, lãi là từ bao lâu sau khi bay chính thức?

Theo đó, "Cục Hàng không VN sẽ quản lý chặt kế hoạch phát triển đội tàu bay đến năm 2025 của Công ty Thiên Minh, đảm bảo số lượng tàu bay khai thác phù hợp với thị trường vận tải hàng không, hạ tầng cảng hàng không", Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn chỉ đạo rõ.

Điểm qua về ngành hàng không, dự án Vietravel Airlines trong động thái gần đây cũng đang ráo riết chuẩn bị hành lang để chính thức cất cánh chuyến bay đầu tiên. Đầu năm nay bầu trời Việt Nam đã đón nhận hãng Bamboo Airways của Chủ tịch Tập đoàn FLC – ông Trịnh Văn Quyết. Tính đến năm 2020, khi các hãng mới đi đúng kế hoạch khai thác các chuyến bay thương mại đầu tiên, Việt Nam sẽ có đến 8 hãng hàng không với quy mô hơn 380 đội tàu bay đến năm 2023.

 
 
 

theo Trí thức trẻ