clock

Trong Nước

05:39 29-09-2015

Hàng nghìn tỷ vốn đầu tư ngoài ngành của các “ông lớn” nhà nước sẽ bốc hơi?

Dự thảo của Bộ Tài chính cho thấy khoản đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp nhà nước đánh giá lại có giá trị thấp hơn giá trị sổ sách sẽ được xác định theo giá trị thực tế. Theo đó, có thể khiến nhiều khoản đầu tư có giá trị hàng nghìn tỷ khi đánh giá lại sẽ giảm sút.

Theo Bộ Tài chính, điểm nhấn của dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định 59 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần là tăng quyền, trách nhiệm của các chủ sở hữu và sửa đổi quy định còn vướng mắc trong xác định giá trị doanh nghiệp, một khâu quan trọng trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Bên cạnh đó, Nghị định 59 quy định: "Trường hợp giá trị vốn đầu tư dài hạn của doanh nghiệp cổ phần hóa tại doanh nghiệp khác được xác định thấp hơn giá trị ghi trên sổ kế toán thì xác định giá trị vốn đầu tư dài hạn theo giá thì ghi trên sổ kế toán của doanh nghiệp cổ phần hóa".

Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp khi xác định giá trị doanh nghiệp có khoản đầu tư tài chính dài hạn tại các doanh nghiệp khác mà các doanh nghiệp được đầu tư bị lỗ, mất vốn, thì giá trị các khoản đầu tư này đã thấp hơn giá trị trên sổ sách kế toán của doanh nghiệp cổ phần hóa. Nhưng doanh nghiệp vẫn phải lấy giá trị ghi trên sổ sách kế toán để tính vào giá trị doanh nghiệp.

Do đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ sửa đổi theo hướng: "Trường hợp giá trị vốn đầu tư dài hạn của doanh nghiệp cổ phần hóa tại doanh nghiệp khác khi đánh giá, xác định lại có giá trị thực tế thấp hơn giá trị ghi trên sổ sách kế toán thì được xác định theo giá trị thực tế xác định lại".

Bộ Tài chính cho rằng, việc định giá đã được điều chỉnh theo hướng thị trường, căn cứ vào giá trị thực tế tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa.

Ngoài ra, liên quan đến xác định giá trị doanh nghiệp, Nghị định 59 quy định: “Giá trị vốn góp của doanh nghiệp cổ phần hóa vào công ty cổ phần đã niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán được xác định theo giá đóng cửa của cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán tại thời điểm gần nhất với thời điểm thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp.

Đối với giá trị vốn góp vào công ty cổ phần chưa niêm yết, chưa đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán thì căn cứ kết quả xác định của cơ quan tư vấn, Ban chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp xem xét trình cơ quan có thẩm quyền quyết định giá trị doanh nghiệp quyết định”.

Song vấn đề đặt ra là nhiều cổ phiếu của các công ty cổ phần đã đăng ký trên thị trường Upcom không có giao dịch, vì vậy không có giá trị thực tế để đánh giá lại khoản đầu tư tài chính. Việc này làm kéo dài thời gian định giá của doanh nghiệp cổ phần hóa.

Bộ Tài chính đề xuất đối với giá trị vốn góp vào công ty cổ phần chưa niêm yết, chưa đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán thì căn cứ kết quả xác định của cơ quan tư vấn, Bản chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp xem xét trình cơ quan có thẩm quyền quyết định giá trị doanh nghiệp quyết định.

Theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế, nếu dự thảo được thông qua và có hiệu lực nhiều khoản đầu tư ngoài ngành của các "ông lớn" nhà nước có thể bị đánh giá thấp đi hoặc âm.

Theo thống kê mới đây, từ nay đến cuối năm cả nước còn phải thực hiện cổ phần hoá 198 doanh nghiệp, trong đó 58 doanh nghiệp đã công bố giá trị doanh nghiệp, 109 doanh nghiệp đang thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp, 31 doanh nghiệp đã thành lập Ban Chỉ đạo, đang tiến hành các bước tiếp theo để xác định giá trị doanh nghiệp.

Bộ Tài chính đánh giá đây là áp lực lớn khi cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước vừa phải hoàn thành tiến độ và kế hoạch vừa phải đảm bảo không làm thất thoát tài sản nhà nước.

 

Tâm An/ Bizlive