clock

Thị Trường

10:05 26-10-2022

Hàng vứt bỏ rộng đường... xuất khẩu

Những mặt hàng trước đây có lúc bị bỏ đi hoặc hiếm khi được xuất khẩu, như lá chuối, lá tre, mít non, mật hoa dừa... lại được không ít doanh nghiệp đưa sang Mỹ, Nhật, Hàn... thành công, tăng mạnh giá trị cho nông sản Việt.

Nhiều doanh nghiệp cho biết nhu cầu thị trường thế giới còn khá lớn nên đang đầu tư mở rộng sản xuất, đặc biệt hướng tới cộng đồng ăn chay đang phát triển mạnh.

Từ đổ bỏ thành... hàng "VIP" đi Mỹ, Hàn

Thấy nhiều thời điểm mít, mía... giá rẻ, nông dân bán không ai mua, chỉ để bỏ, Công ty Tân Gia Thành (TP.HCM) đã xúc tiến đưa hai mặt hàng này đi khắp thế giới.

Giới thiệu những sản phẩm độc đáo như mít non, mía trắng, cau non... được đóng gói ngay ngắn chuẩn bị xuất khẩu đi Mỹ, Nga..., ông Nguyễn Ngọc Lâm - phó giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Tân Gia Thành - cho biết từ sản phẩm phụ, các mặt hàng trên hiện đã thành mặt hàng chính của công ty với lượng xuất tăng liên tục.

Cụ thể, từ đơn hàng đầu tiên với chỉ 2-3 tấn xuất đi Mỹ hơn 1,5 năm trước, đến nay mỗi tháng đơn vị xuất trung bình 75 tấn mít non đến nhiều quốc gia như Mỹ, Nga, Hàn Quốc, Singapore..., sắp tới là thêm thị trường khó tính Nhật Bản. Giá xuất trung bình khoảng 41.000-43.000 đồng/kg.

Theo ông Lâm, hiện để có nguồn cung, doanh nghiệp chọn vùng Long Khánh (Đồng Nai) để liên kết với nông dân trồng mít non phục vụ xuất khẩu.

Sau thời gian chào hàng, ông Lâm cho biết vừa xuất khẩu thành công mặt hàng cau non đi Mỹ với khoảng 20 tấn, giá bán trên dưới 80.000 đồng/kg...

Ngoài các sản phẩm trên, nhiều sản phẩm mới lạ được đơn vị đưa vào "menu" xuất khẩu như trái sấu, bắp luộc đi Nhật Bản, dịch chanh dây, đậu phộng nguyên vỏ... đi Hàn Quốc...

Trong khi đó, chỉ vừa xúc tiến xuất khẩu lá chuối gần hai năm nay nhưng Công ty TNHH Trúc Lâm Phát (Bình Dương) đã thu được kết quả tốt với lượng xuất tăng.

Ông Lê Xuân Cừ - giám đốc công ty này - cho hay trung bình mỗi tháng đang xuất khoảng 40 tấn đi Mỹ, Hàn Quốc, tăng mạnh so với 3-5 tấn lúc đầu.

Theo ông Cừ, đơn vị liên kết trồng và thu mua theo chuẩn rộng 22cm và dài 25cm, sau đó xử lý sạch, đóng gói, hút chân không và xuất dưới dạng cấp đông qua Mỹ và lạnh đi Hàn Quốc. Giá xuất đi hiện dao động 22.000-33.000 đồng/kg tùy loại.

Sống khỏe với sản phẩm mới lạ

Trong khi đó, tận dụng cây dừa thu hoạch quả, một doanh nghiệp khai thác mật hoa dừa để chế biến ra nhiều sản phẩm xuất khẩu.

Cụ thể, sau gần một năm xuất khẩu mật hoa dừa cô đặc và đường hoa dừa sang Nhật Bản và Hà Lan, đến nay Công ty Sokfarm (Trà Vinh) đang xúc tiến để xuất khẩu đi Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu... thêm nhiều sản phẩm mới, lạ được làm từ mật hoa dừa như giấm mật hoa dừa, mật hoa dừa lên men, nước tương hoa dừa...

Ông Phạm Đình Ngãi, giám đốc điều hành Công ty Sokfarm, cho biết hiện mỗi tháng thu được 45 tấn mật hoa dừa, sản xuất ra 10 tấn sản phẩm các loại - chỉ đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu thị trường. Do đó, doanh nghiệp đang lên kế hoạch mở rộng quy mô xưởng, diện tích dừa lấy mật được liên kết với nông dân lên gấp nhiều lần trong các năm tới.

"Mật hoa dừa phù hợp với nhu cầu ăn kiêng vì lượng đường thấp nhưng giàu khoáng chất. Cây dừa là thế mạnh của Việt Nam, nếu tận dụng được, cơ hội để phát triển các sản phẩm từ mật hoa dừa là rất lớn", ông Ngãi nói và cho hay đã triển khai trồng giống dừa chuyên lấy mật hoa, mỗi cây có thể cho từ 25 lít mật hoa trong 25 ngày khai thác.

Cơ hội cần được tận dụng tốt hơn

Lượng hàng xuất khẩu tăng mạnh mỗi năm nhưng ông Nguyễn Ngọc Lâm cho biết do nguồn cung nguyên liệu thiếu ổn định nên chỉ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu đối tác.

Như vừa xuất 1 container cau non đi Mỹ tuần trước thì nay thị trường này đã đặt thêm hàng với lượng tăng mạnh. Cộng đồng người Malaysia, Myanmar... ghiền cau non, họ dùng như một món trái cây tráng miệng.

Dù có cơ hội lớn và đang tăng mạnh đầu tư, nhưng ông Lâm cho biết phần lớn các mặt hàng đơn vị xuất khẩu hiện nay chủ yếu được trồng tự phát dẫn đến nguồn cung chất lượng khá phập phù.

Trong khi đó, với mía, hiện loại chuộng cho xuất khẩu là mía trắng ROC 16 (chuyên dành ép nước) nhưng giống trong nước rất ít, lại thiếu vùng nguyên liệu, phải cạnh tranh với doanh nghiệp sản xuất mía đường nên còn nhiều khó khăn. Ông nói:

"Nhà nước cần hỗ trợ, cùng doanh nghiệp đa dạng nguồn giống cây trồng để phục vụ từng mục đích sản xuất khác nhau. Ngoài ra, hỗ trợ xúc tiến để các tỉnh thành sớm hoàn thành các vùng chuyên canh cây trồng nhằm nâng cao chất lượng, ổn định sản lượng để xuất khẩu".

Trong khi đó, ông Cừ cho biết nhu cầu về lá chuối tươi ở quốc gia có cộng đồng người Việt, châu Á sinh sống nhiều như Mỹ, Hàn Quốc... rất cao. Tuy nhiên, do chất lượng sản phẩm chưa ổn định, giá bán nhiều thời điểm biến động nên lượng xuất chưa đủ nhu cầu khách hàng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đặng Phúc Nguyên - tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho biết các sản phẩm về lá đang có nhu cầu nhiều tại các quốc gia để làm bao bì sản phẩm, bảo vệ môi trường.

Còn mía tươi và mít non được nhiều nhà hàng trên thế giới khá ưa chuộng, đặc biệt mít non được dùng nhiều vì xu hướng ăn chay đang phổ biến.

"Việt Nam có thế mạnh về sự đa dạng chủng loại rau củ quả. Do đó, cơ hội với mía, mít non, cau non, lá các loại... là rất lớn, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp", ông Nguyên nói và cho rằng cái cần hiện nay là các doanh nghiệp sớm cải thiện về công nghệ, chất lượng để đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng tăng của các thị trường lớn như châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Xuất khẩu lá sắn, lá tre... thu cả trăm tỉ đồng

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tính chung 8 tháng năm 2022, Việt Nam thu được trên 6 triệu USD (hơn 144 tỉ đồng) nhờ xuất khẩu lá chuối, lá sắn, lá tre, lá diễn..., tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, giá trị xuất khẩu lá sắn trong 8 tháng năm 2022 đạt 1,6 triệu USD, xuất khẩu lá tre trên 1 triệu USD.

Cũng theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu, ước tính trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 9-2022 đạt 250 triệu USD, tăng 8,1% so với tháng 9-2021. Tính chung trong 9 tháng năm 2022, trị giá xuất khẩu hàng rau quả ước tính đạt 2,45 tỉ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Nông sản chế biến sâu, cấp đông có cơ hội lớn

Trao đổi với Tuổi Trẻ, giám đốc một đơn vị chuyên xuất khẩu trái cây tại TP.HCM cho biết các mặt hàng như sầu riêng, thanh long, xoài cấp đông đang dần được ưa chuộng, đặc biệt sầu riêng cấp đông với hạn sử dụng trên dưới hai năm được khách Mỹ, Canada, Úc... mua khá nhiều.

Bên cạnh đó, lượng xuất các sản phẩm chế biến sâu như dịch chanh dây, trái cây rau củ sấy... đang tăng từng năm.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Việt Nam có khoảng 20 chủng loại trái cây xuất khẩu, nhưng thực tế chỉ tập trung nhiều vào xuất tươi một số chủng loại như thanh long, sầu riêng, xoài, dưa hấu... đi thị trường gần. Do đó, dư địa để phát triển sản phẩm nông nghiệp chế biến sâu, cấp đông còn rất lớn.

Theo Tuổi Trẻ