clock

Doanh Nghiệp

06:03 04-05-2016

HẬU M&A Doanh nghiệp Việt còn lại gì?

Tiếp nối với xu thế của năm trước, trong quý 1 năm nay, các hoạt động M&A tại Việt Nam lại tiếp tục nhộn nhịp giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Điều đặc biệt là các thương vụ M&A diễn ra trên nhiều lĩnh vực, từ bất động sản, tài chính đến bán lẻ tiêu dùng, ngành hàng sản xuất, thậm chí cả dược phẩm và hệ thống bệnh viện.

Thị trường nóng với các thương vụ lớn

Điển hình trong lĩnh vực bán lẻ là việc hệ thống siêu thị Big C hay chuỗi bán lẻ điện thoại của FPT (chuỗi FPT Shop) đang rao bán mình. Họ đang nhận được sự quan tâm của khá nhiều các nhà đầu tư trong và ngoài nước với giá trị chuyển nhượng ước tính có thể lên đến hàng trăm triệu USD.

Trong khi đó, lĩnh vực bất động sản tiếp tục nóng khi nhà đầu tư Nhật – Tập đoàn bất động sản Creed Group – mua lại dự án Everich 2 của Công ty Phát Đạt thì nhà đầu tư đến từ Singapore là Keppel Land cũng thâu tóm 20% cổ phần của Công ty Quốc Lộc Phát hay 40% cổ phần của Liên doanh Empire City.

Các “kẻ đi săn” trong nước như Novaland, Vingroup hay Đất xanh cũng tiếp thêm sức nóng khi tiếp tục thâu tóm nhiều mảnh đất vàng có giá trị tại các vị trí đắc địa ở trung tâm các thành phố lớn. Tại đại hội cổ đông mới đây, Sacomreal cho biết sẽ tìm mọi cách để M&A và gia tăng quỹ đất lên 1.000 ha trong các năm tới.

Nhưng ấn tượng nhất là các thương vụ M&A diễn ra trên thị trường chăm sóc sức khỏe sau nhiều năm vắng bóng dù đây là một trong những thị trường tiềm năng của Việt Nam. Đầu năm nay, Quỹ đầu tư ngoại là SAM đã thâu tóm 15% cổ phần của hệ thống nhà thuốc Mỹ Châu. Trong khi một quỹ ngoại khác là VOF (do VinaCapital quản lí) cuối tháng 3 vừa qua cũng đã đầu tư 9 triệu USD vào Bệnh viện quốc tế Thái Hòa.

Theo đánh giá của VOF, hệ thống Bệnh viện Thái Hòa được thành lập năm 2008 với mục tiêu cung cấp dịch vụ sức khỏe cao cấp và các thiết bị y tế tiên tiến tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Bệnh viện Thái Hòa hiện có 200 giường và có khả năng mở rộng lên 300 giường nằm tại phía Nam, TP.HCM. Quỹ VOF đầu tư vào Thái Hòa khi bệnh viện này có thể xử lý được 300.000 lượt khám một năm và cho rằng con số này có thể tăng lên vào năm 2016 và 2017 thông qua chương trình của Chính phủ để thiết lập quan hệ đối tác công tư (PPP) giữa các bệnh viện, cũng như việc nới lỏng quy định bảo hiểm y tế có hiệu lực vào nửa cuối năm 2016.

Ngoài ra, theo đánh giá của hãng tin tài chính Bloomberg, trong 3 tháng đầu năm 2016, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu về quy mô phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại khu vực Đông Nam Á. Theo đó, đã có tới 35 công ty ở Việt Nam tiến hành IPO và thu về số tiền hơn 170 triệu USD. Đứng thứ hai sau Việt Nam là Malaysia với gần 100 triệu USD, rồi đến Thái Lan với khoảng hơn 30 triệu USD.

Bloomberg cũng nhận định Việt Nam hiện có nguồn hàng IPO dồi dào nhờ vào số lượng lớn các công ty Nhà nước đang lên kế hoạch IPO, với 177 công ty dự kiến phát hành từ đây đến năm 2020, bao gồm MobiFone và Tổng Công ty Hàng hải VN (Vinalines)- theo số liệu từ Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn (SSI).

 

Doanh nghiệp Việt trong vòng xoáy M&A

Từ kết quả M&A quý 1, cho thấy rằng làn sóng bán một phần hay hoàn toàn công ty dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra sôi động từ đây đến cuối năm. Nhưng liệu viễn cảnh này có mang lại những kết quả tích cực cho các doanh nghiệp trong nước?

Rất khó để có câu trả lời chính xác cho dự đoán này. Một số thương vụ đầu tư của các quỹ vào các nhà thuốc hay bệnh viện sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước có thêm tiềm lực để mở rộng nhanh hệ thống, tương tự như thành công hợp tác kinh điển giữa Thế Giới Di động và Quỹ đầu tư Mekong Capital cách đây hơn chục năm. Tuy vậy, trong một số trường hợp M&A khác, nhất là ở lĩnh vực bán lẻ khi ngày càng nhiều các chuỗi bán lẻ nước ngoài xuất hiện tại Việt Nam thì nỗi lo ngại về khả năng cạnh tranh của các chuỗi bán lẻ nội địa so với nước ngoài ngày càng một hiện rõ.

Bởi bên cạnh sử dụng công cụ thâu tóm như các tập đoàn bán lẻ Thái Lan đang thực hiện, một số nhà đầu tư khác như Aeon (Nhật), Emart (Hàn Quốc) hay Lotte cũng tích cực tự mình “săn” các vị trí đẹp, để mở rộng nhanh hệ thống trong 2 năm qua. Họ đang gây sức ép cực lớn đối với người dẫn dầu trong nước và dường như cũng là chuỗi duy nhất có khả năng cạnh tranh lại là chuỗi Co.op mart.  Nếu không có chiến lược cạnh tranh đúng đắn cùng sự hỗ trợ của Nhà nước thì khả năng chuỗi siêu thị này dần thất thế cũng không phải là chuyện khó xảy ra.

Điểm yếu của các doanh nghiệp Việt là gì? Theo các chuyên gia trong ngành, cái thiếu của ta là năng lực quản trị điều hành hệ thống còn yếu, nhất là khi hệ thống mở rộng quá lớn, trong khi các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài sở hữu kinh nghiệm dày dạn trên thị trường toàn cầu.

Điểm yếu thứ hai chính là hạn chế về chuỗi cung ứng logistics. Đặc biệt, khi chi phí logistics ở Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới, khiến chi phí đầu vào của các doanh nghiệp bị đội lên và khó lòng cạnh tranh với các đối tác ngoại.

Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) cùng cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) sẽ mở thêm nhiều cửa vào thị trường bán lẻ của Việt Nam. Các doanh nghiệp nước ngoài đang nhìn thấy cơ hội của thị trường 92 triệu dân ở đây. Một cuộc chiến sống còn đang diễn ra hết sức quyết liệt.

Với nhiều mặt hạn chế về hệ thống quản trị và năng lực tài chính, e rằng các doanh nghiệp nội địa khó có thể thắng được các nhà đầu tư quốc tế ngay trên “sân nhà”.  

 

Bình Minh