clock

Bất Động Sản

03:07 29-04-2020

Hé lộ “điểm nóng” mới của bất động sản Đông Sài Gòn

Những cây cầu, tuyến đường lớn đang nằm trong kế hoạch xây dựng nằm ở phía Đông Sài Gòn không những góp phần kết nối giao thông thuận tiện với trung tâm Tp.HCM mà còn mở ra hướng phát triển đô thị mới ở khu vực này.

Hồi đầu tháng 4, TP.HCM đã xin ý kiến Bộ Xây dựng về việc thành lập hồ sơ, đề án phân loại đô thị và chương trình phát triển đô thị cho việc thành lập thành phố trực thuộc Tp.HCM. Khu vực phát triển thành phố này dựa trên việc sáp nhập quận 2, quận 9 và Thủ Đức.

Cùng với việc khu Đông Tp.HCM những năm gần đây phát triển rất mạnh về cơ sở hạ tầng với các tuyến đường giao thông lớn, đã góp phần thay đổi diện mạo đô thị khu vực này cũng như giá trị BĐS được đẩy lên một mặt bằng giá mới.

Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, từng cho rằng giá đất quận 2 và quận 9 tăng rất mạnh, có nơi tăng gấp 2-3 lần do nơi đây được đầu tư giao thông mạnh nhất trong hơn 4 năm qua.. Với nhà đầu tư, chỉ cần chậm giấy tờ, pháp lý thì chi phí vốn bị đội lên rất cao. Từ đó, giá bán sản phẩm cũng sẽ bị đẩy lên.

Không chỉ thu hút được các dự án lớn đầu tư xây dựng ở quận 2, quận 9 và Thủ Đức, gần đây làn sóng phát triển hạ tầng tiếp tục được đẩy mạnh về phía Đông, lan sang cả một số khu vực thuộc Đồng Nai, tạo thành khu vực đô thị mở rộng rất nhiều tiềm năng phát triển.

Xu hướng này theo nhiều chuyên gia sẽ còn diễn ra trong những năm tới, bởi phía Đông đang phát triển rất mạnh về hạ tầng, hơn nữa do quỹ đất tại đô thị này dần khan hiếm. Các đô thị vệ tinh thuộc khu vực phía Đông sẽ kết nối rất thuận tiện với khu trung tâm nhờ việc đầu tư hạ tầng giao thông kết nối với quận 2 và quận 9.

Hàng loạt dự án hạ tầng được UBND TP.HCM phê duyệt thời gian qua như đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đường Vành Đai, hầm Thủ Thiêm, cầu Sài Gòn 2, xa lộ Hà Nội mở rộng, kết hợp với sân bay quốc tế Long Thành, cầu Cát Lái,… góp phần thúc đẩy sự phát triển của khu Đông.

Những khu vực đô thị mới như Nhơn Trạch, Long Thành, Biên Hoà,…đang dần trở thành "thỏi nam châm" hút dòng vốn đầu tư BĐS. Nhiều đại gia BĐS ngoại như Keppel Land (Singapore), Aeon (Nhật), Auchan (Pháp) cũng đã lên kế hoạch xây dựng trung tâm thương mại, cơ sở hạ tầng đô thị…

Những tập đoàn lớn như Vingroup, Hưng Thịnh, Novaland, Đất Xanh…đang mạnh tay đầu tư vào các khu vực này. Đơn cử như Novaland phát triển dự án đô thị sinh thái Aqua City quy mô tới gần 1000ha tại khu vực Long Hưng (Đồng Nai), Đất Xanh Group cũng đang có kế hoạch phát triển đô thị 92ha tại khu vực này.

Theo giới kinh doanh địa ốc, bên cạnh sự đổ bộ của các tập đoàn lớn, vệ tinh đô thị sáng tạo phía Đông Sài Gòn còn là vùng đất mới nhiều tiềm năng gia tăng giá trị BĐS bởi đang được Đồng Nai đầu tư mạnh cơ sở hạ tầng giao thông.

Năm 2020, tỉnh Đồng Nai có kế hoạch xây dựng 3 tuyến đường lớn tại Tp. Biên Hòa với tổng giá trị lên tới 7.700 tỷ đồng. Đó là, tuyến trung tâm TP Biên Hòa là một trong những công trình trọng điểm, đoạn từ đường Võ Thị Sáu đến đường Đặng Văn Trơn - cầu Thống Nhất và đường kết nối 2 đầu cầu.

Tổng mức đầu tư 1.340 tỉ đồng; Tuyến đường ven sông Cái được triển khai xây dựng từ đường Hà Huy Giáp đến đường Trần Quốc Toản. Tổng mức đầu tư hơn 2.762 tỉ đồng; tuyến đường ven sông Đồng Nai được xây dựng từ cầu Hóa An đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu). Tổng mức đầu tư 3.587 tỉ đồng.

Ngoài ra, Đồng Nai cũng đẩy nhanh tiến độ tuyến Hương Lộ 2, tuyến đường quan trọng được đánh giá có thể làm thay đổi diện mạo khu vực. Đây là tuyến đường nối từ quốc lộ 51 đến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đi qua hai xã An Hòa và Long Hưng.

Chiều dài tuyến khoảng 17km kết nối trung tâm hành chính Tp Biên Hòa với các đô thị lớn như Aqua City, Long Hưng, đô thị Nhơn Trạch và KCN An Phước…

Những tuyến đường này khi được xây dựng sẽ làm tăng giá bất động sản của khu vực, gia tăng giá trị cho các dự án. Thực tế cho thấy, thời gian qua giá BĐS ở Đồng Nai không ngừng tăng, chưa thấy dấu hiệu hạ nhiệt.

Giá đất nhiều khu vực đã tăng gấp 2 đến 3 lần trong năm qua. Trong đó, tâm điểm vẫn là TP Biên Hòa và khu vực Hương Lộ 2 chạy qua. Giá đất TP Biên Hòa thậm chí còn tăng lên trên 100 triệu đồng/m2.

Nếu như khu vực Long Thành đầu năm 2018 giá đất dao động 8-10 triệu đồng/m2 thì nay lên 12-15 triệu đồng/m2. Một số khu vực xã lên phường vào tháng 7 năm ngoái như Hiệp Hoà, An Hoà, Phước Tân, Tam Phước hay xã Long Hưng (Đồng Nai) giá BĐS cũng không ngừng tăng cao, gấp 3 đến 4 lần so với vài năm trước.

Theo các chuyên gia, bất động sản Đồng Nai còn nhiều cơ hội để tăng giá, nhất là khu vực giáp ranh với Tp phía Đông của Tp.HCM. Bởi ngay trong bảng giá đất 5 năm tới, giá đất Đồng Nai sẽ tăng trung bình 35%.

Theo đó, giá đất tại các tuyến đường đều tăng, mức tăng phổ biến từ 1,5 đến 3 lần so với giá hiện hành. Mức giá cao nhất là 40 triệu đồng/m2 của đường 30-4 (TP.Biên Hòa). Giá đất tại các tuyến đường khu vực nông thôn đều tăng, ít nhất là 1,2 lần. Mức tăng cao nhất là tuyến Hương lộ 2 - xã Long Hưng (TP.Biên Hòa), tăng 15-18 lần so với giá hiện hành