clock

Trong Nước

05:32 06-10-2015

Hiệp định TPP: "Quyết sách chiến lược từ 1 tầm nhìn chiến lược"

TPP là một hiệp định, thỏa thuận thương mại tự do giữa 12 quốc gia với mục đích hội nhập nền kinh tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

TPP là viết tắt của từ Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement (Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương).

12 thành viên của TPP bao gồm: Australia, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Canada, Peru, Singapore, Vietnam, Mỹ và Nhật Bản.

Thỏa thuận TPP bao gồm 29 chương, trong đó chỉ có 5 chương trực tiếp liên quan đến vấn đề trao đổi hàng hóa, dịch vụ.

Các chương còn lại đề cập nhiều vấn đề liên quan đến các chuẩn mực, tiêu chuẩn khác nhau về môi trường, chất lượng lao động, luật lệ tài chính, thực phẩm và thuốc men…

Theo đại xứ Việt Nam tại Mỹ, ông Phạm Quang Vinh thì “Việt Nam tham gia TPP thực sự là một quyết sách chiến lược từ một tầm nhìn chiến lược và lâu dài".

Việt Nam sẽ “khai thác được cả chiều rộng và chiều sâu của sân chơi mới”

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Việt Nam sẽ là nước có lợi nhiều nhất từ TPP.

Việc tham gia vào TPP sẽ giúp đưa các sản phẩm của Việt Nam sang thị trường rộng lớn của 12 quốc gia thành viên, chiếm 40% sản lượng toàn cầu với các mức thuế quan rất thấp hoặc thậm chí là dỡ bỏ.

Khi tham gia vào TPP sẽ tạo nhiều cơ hội cho các ngành kinh tế Việt Nam phát triển nhưng cũng chứa đựng không ít những thách thức.

Ông Vinh chia sẻ với báo giới: “TPP giúp ta khai thác được cả chiều rộng và chiều sâu của sân chơi mới của thế kỷ, cả về kinh tế, thương mại và chiến lược.

Việt Nam sẽ tiếp cận được một thị trường - không gian kinh tế mới rộng lớn, riêng Mỹ đã là 15.000 tỷ USD, mà không bị các rào cản như trước đây vì bị coi là nền kinh tế phi thị trường.

Đặc biệt, không chỉ hàng hoá - sản phẩm mà cả nền kinh tế Việt Nam có được giấy chứng nhận mới bậc cao, được coi là visa (thị thực) để vào các thị trường khó tính và thu hút nguồn tiền - công nghệ của các nhà đầu tư hàng đầu”.

Việt Nam sẽ hiện thức hóa chiến lược phát triển công nghiệp ô tô

Trong quá trình đàm phán về TPP, 4 quốc gia đạt được thỏa thuận về tỉ lệ sản xuất nội khối để được miễn thuế nhập khẩu đối với ô tô là Mỹ, Nhật Bản, Canada và Mexico.

Với thỏa thuận này, Việt Nam cũng là một quốc gia sẽ có lợi cho sự phát triển của ngành ô tô.

Theo đó, lộ trình cắt giảm thuế quan của Việt Nam đối với mặt hàng ô tô nhập khẩu từ các quốc gia thành viên ASEAN và ASEAN + 3 (gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) sẽ giảm rất nhanh.

Đến năm 2018, mức phổ biến sẽ là 5%, chỉ nhỉnh hơn chút ít so với xe nhập khẩu từ các nước thành viên ASEAN là 0%.

Theo bà Vũ Thị Mai - Thứ trưởng Bộ Tài chính, việc giảm thuế này sẽ giúp Việt Nam hiện thực hoá chiến lược phát triển công nghiệp ô tô.

Việc những dòng xe nhỏ, tỷ lệ nội địa hóa cao sẽ được hưởng mức thuế tiêu thụ đặc biệt thấp sẽ khiến tỉ lệ số xe sản xuất lắp ráp trong nước sẽ chiếm khoảng 78% nhu cầu nội địa và hướng tới xuất khẩu.

"TPP là hiệp định tham vọng, mở ra những cơ hội rất lớn cho Việt Nam"

Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, đây là đàm phán quan trọng số 1 của chúng ta, nó sẽ mở ra nhiều thời cơ cho sự phát triển của nền kinh tế.

“Nếu như WTO trước đây chúng ta tham gia chủ yếu là các hiệp định về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, sở hữu trí tuệ, đầu tư... thì bây giờ TPP đi vào chiều sâu hơn

Bao gồm tất cả các lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế, xã hội ở tất cả 12 quốc gia tham gia đàm phán.

Việc tham gia của các nước đáp ứng sự hội nhập sâu rộng hơn, đồng thời là đáp ứng yêu cầu cạnh tranh gay gắt hơn, chất lượng cao hơn...

Với Việt Nam, khi chúng ta tiến hành đàm phán TPP thì cũng đã phát triển kinh tế xã hội lên một mức cao hơn so với thời kỳ đàm phán WTO, quy mô nền kinh tế cũng lớn hơn và quá trình hội nhập hiện nay sâu, rộng hơn.

Có thể nói rằng, gia nhập Asean là quá trình hội nhập bước 1, gia nhập WTO là bước 2 và đàm phán TPP là bước 3 của Việt Nam”, bà Lan nhấn mạnh.

Đồng quan điểm đó, tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh cho hay, "TPP là hiệp định tham vọng, mở ra những cơ hội rất lớn cho Việt Nam.

Nếu như 10 nước Asean thì Việt Nam chủ yếu là cạnh tranh bởi các nước này cũng sản xuất những mặt hàng tương tự như nông sản, dệt may... nhưng vào TPP thì các nước cạnh tranh chủ yếu với chúng ta không vào.

Chúng ta sẽ ở trong khối với các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada... với cơ cấu nền kinh tế, sản xuất những mặt hàng, trình độ khác hẳn.

Như vậy, chúng ta sẽ bổ sung cho họ và họ sẽ bổ sung cho chúng ta, ví như chúng ta sản xuất nông sản, dệt may xuất khẩu rồi lại mua máy bay Boeing, hàng điện tử".

Bộ trưởng 12 quốc gia tham gia đàm phán TPP tại Maui, Hawaii, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)...

"TPP sẽ giúp GDP Việt Nam tăng thêm 8 – 10%"

Chia sẻ xung quanh việc Việt Nam gia nhập Hiệp định TPP, ông Sandeep Mahajan, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới ( World Bank ) tại Việt Nam cho rằng: “TPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 8 - 10%...

Tăng trưởng GDP thêm 8 – 10% là một mức tăng tương đối thấp mà TPP có thể đem lại cho Việt Nam. Mức tăng này có thể cao hơn đáng kể.

Nó phụ thuộc vào việc Việt Nam năng động thế nào trong việc tận dụng cơ hội này", ông cho hay.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho biết thêm, con số này còn phụ thuộc vào cả vấn đề cải cách của Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam, việc Việt Nam có thể tiếp cận các thị trường lớn khác.

 

(Tổng hợp)

theo Trí Thức Trẻ