clock

Doanh Nghiệp

05:52 04-04-2016

Hiểu thế nào về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp?

Không phải đến bây giờ, khi đứng trước thực tế hội nhập toàn diện chúng ta mới nói đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, thuật ngữ này đã được nhiều người biết đến từ lâu nhưng với những nội dung chưa thống nhất.

Năm mươi năm trước đây, khái niệm này được hiểu như một lời kêu gọi người quản lý tài sản không làm tổn hại đến quyền và lợi ích của người khác, kêu gọi lòng từ thiện nhằm bồi hoàn các thiệt hại do doanh nghiệp gây ra cho xã hội trong đó có môi trường sống.

Ở Việt Nam những năm gần đây, người ta thường sử dụng định nghĩa của “Nhóm nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân” thuộc Ngân hàng Thế giới, theo đó “trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR: Corporate Social Responsibility) là cam kết của doanh nghiệp đóng góp vào sự phát triển kinh tế bền vững thông qua những hoạt động nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động và gia đình họ, cho cộng đồng và toàn xã hội theo cách có lợi cho cả doanh nghiệp cũng như phát triển chung của xã hội”.

Giải thích dài dòng đó được không ít người vận dụng một cách đơn giản qua các hoạt động từ thiện và bảo vệ môi trường. Thật ra, các khái niệm này rất khác nhau.

Hoạt động từ thiện xuất phát từ lòng tốt và có tính cách nhất thời. Đây là việc làm tự nguyện của nhiều doanh nghiệp và doanh nhân rất đáng tôn vinh, ngoại trừ một số hoạt động từ thiện mang tính chất tiếp thị nhắm đến mục đích vụ lợi.

Trong khi đó trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là một sự cam kết tự nguyện và có tính lâu dài được thực hiện trên nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau, nhằm vào việc phát triển năng lực con người, cải tạo xã hội như mở trường, xây bệnh viện, viện bảo tàng… Hiểu nôm na thì làm từ thiện như cho ai đó con cá trong khi thực hiện trách nhiệm xã hội là cho cái cần câu.

Mười năm trước đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Công thương cùng với hai hiệp hội Da giày và Dệt may cho ra đời giải thưởng “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp hướng tới sự bền vững” nhằm tôn vinh các doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội trong thời kỳ hội nhập. Thế nhưng một cuộc điều tra của Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương thực hiện cách đây 3 năm cho thấy phần đông các doanh nghiệp Việt Nam chưa hiểu đúng về trách nhiệm xã hội mà mình cần tuân thủ và tất nhiên không biết phải làm gì để đáp ứng yêu cầu này.

Do chưa nắm bắt được nội dung khái niệm trách nhiệm xã hội nên hình dung ảnh hưởng của những cam kết có tác động thế nào đến hoạt động của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế Việt Nam là rất khó khăn.

Số liệu do cơ quan nghiên cứu nói trên công bố cho thấy chỉ có 36% doanh nghiệp được hỏi có biết đến bộ phận giám sát thực hiện trách nhiệm xã hội, 28% doanh nghiệp chấp hành bảo vệ môi trường, 5% cho biết có đóng góp cho sự nghiệp chăm sóc y tế.

Những thông tin như vậy không có gì sáng sủa trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới, trong khi hầu hết các đối tác của chúng ta xem trách nhiệm xã hội không chỉ là cam kết mà còn là nghĩa vụ thiêng liêng.

>> Doanh nhân trẻ với trách nhiệm an sinh xã hội

Chúng ta vừa ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong đó một trong những điểm mới là cam kết cao hơn về trách nhiệm xã hội. Trong 14 vấn đề được đàm phán ở các lĩnh vực đã có 2 mục mang nội hàm CSR, chưa kể nội dung này được đề cập rải rác nhiều mục khác.

Cụ thể trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được thể hiện qua các mặt: (1) Bảo vệ môi trường, (2) Đóng góp cho cộng đồng xã hội, (3) Thực hiện tốt trách nhiệm với nhà cung cấp, (4) Bảo đảm an toàn và lợi ích cho người tiêu dùng, (5) Quan hệ tốt với người lao động, (6) Bảo đảm lợi ích cho cổ đông và người lao động trong doanh nghiệp.

Thực chất những cam kết này đều liên quan đến con người và vì con người.

Chẳng hạn như trách nhiệm qua việc ứng xử với người lao động, vốn là một trong những nhân tố quan trọng của doanh nghiệp đồng thời cũng chính là đối tượng chịu tác động của các chính sách xã hội. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng khi tham gia cam kết về lao động trong TPP chúng ta có nhiều thuận lợi về lâu dài cho cả người lao động và sử dụng lao động.

Suy cho cùng, với sự hội nhập toàn diện, khi đối tác quốc tế, các nhà nhập khẩu đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam tuân thủ các chuẩn mực toàn cầu về an toàn lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, bảo vệ môi trường… sẽ giúp chúng ta cải thiện đáng kể năng suất, điều này đồng nghĩa với việc gia tăng lợi thế cạnh tranh trong môi trường hội nhập.

Kết quả khảo sát gần đây do Viện Khoa học Xã hội và Lao động tiến hành trên 24 doanh nghiệp thuộc ngành da giày và dệt may cho thấy nhờ thực hiện các chương trình trách nhiệm xã hội mà doanh thu đã tăng 25%, năng suất cũng tăng từ 34,2 triệu đồng lên đến 35,8 triệu đồng/1 lao động/một năm; tỷ lệ hàng xuất khẩu tăng từ 94% lên 97%. Đó là chưa kể doanh nghiệp đã củng cố niềm tin với khách hàng, tạo được sự gắn bó trong nội bộ đồng thời thu hút lao động có chuyên môn cao.

Hoạt động kinh doanh thời hội nhập, mục đích của doanh nghiệp cũng nhắm đến người tiêu dùng cuối cùng sản phẩm của mình chứ không phải là khách hàng trung gian. Xã hội có bao nhiêu người sử dụng sản phẩm do doanh nghiệp làm ra thì doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm với bấy nhiêu người tiêu dùng. Đây là trách nhiệm lớn nhất vì liên quan đến cộng đồng.

Có thể nói, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong trường hợp này là sự cam kết về chất lượng sản phẩm, tính trung thực trong quảng bá sản phẩm, cũng như bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Không thực hiện được cam kết này thì tổn thất lớn nhất không phải là sự trừng phạt của luật pháp mà là sự quay lưng của cộng đồng với doanh nghiệp.

Lòng tin của người tiêu dùng và cộng đồng trong nhiều trường hợp được xây dựng qua trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và trong lịch sử kinh doanh đã có nhiều doanh nghiệp vượt qua đe dọa phá sản nhờ sự chia sẻ của cộng đồng người tiêu dùng.

Đứng trước ngưỡng cửa hội nhập toàn diện chúng ta thường tỏ ra hào hứng khi nói về những thuận lợi và bi quan khi tiên liệu những thách thức cạnh tranh thị trường của một nền kinh tế đang ở chiếu dưới. Trong khi đó việc tuân thủ những cam kết về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp dường như chưa được thúc đẩy trong quá trình chuẩn bị nhập cuộc. Đây chính là điều rất đáng lo.

 

HOÀNG HẢI/DNSGCT