clock

Doanh Nghiệp

01:10 04-09-2020

Hình ảnh trái ngược giữa 2 ông lớn hàng không: Trong khi Vietnam Airlines vay thêm hơn 4.000 tỷ đồng thì Vietjet Air lại trả bớt nợ

Vay nợ ngắn hạn trên báo cáo tài chính của Vietnam Airlines tăng hơn 4.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Trong khi đó, vay nợ ngắn hạn của Vietjet Air lại giảm gần 700 tỷ đồng.

2 hãng hàng không Vietnam Airlines và Vietjet Air vừa công bố báo cáo tài chính bán niên 2020. Theo báo cáo của Vietnam Airlines, vay nợ ngắn hạn của hãng hàng không tại thời điểm 30/6/2020 là 9.100 tỷ đồng, tăng hơn 4.000 tỷ đồng so với hồi đầu năm và lên cao nhất từ trước đến nay.

Thuyết minh báo cáo tài chính cho biết, Vietnam Airlines đã vay ngắn hạn hơn 4.600 tỷ đồng từ 7 ngân hàng. Trong đó, lớn nhất là Vietcombank với khoản vay gần 2.600 tỷ đồng, các ngân hàng khác là BIDV hơn 600 tỷ đồng, SeABank 469 tỷ đồng, Techcombank 438 tỷ đồng, Vietinbank 257 tỷ đồng, MSB 185 tỷ đồng và Ngân hàng Bangkok đại chúng 98 tỷ đồng.

Trong số 4.600 tỷ đồng nói trên, có 2.923 tỷ đồng được giải ngân bằng USD và 1.694 tỷ đồng được giải ngân bằng VND. Các khoản vay ngắn hạn đều không được bảo đảm.

Vietnam Airlines phải tăng vay ngắn hạn trong bối cảnh hoạt động hàng không gặp ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh Covid-19. Các chuyến bay quốc tế phải dừng toàn bộ, trong khi các chuyến bay nội địa cũng chưa khôi phục lại được mức bình thường như trước thời điểm dịch bệnh.

Hồi tháng 6, Vietnam Airlines đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp 12.000 tỷ đồng, bởi hãng hàng không quốc gia cho biết sẽ rơi vào trạng thái mất thanh khoản từ tháng 8/2020 nếu không có hỗ trợ về thanh khoản của Chính phủ với vai trò là chủ sở hữu. Năm 2020, Vietnam Airlines dự kiến sẽ lỗ 15.177 tỷ đồng.

Trong khi Vietnam Airlines tăng mạnh vay ngắn hạn để hoạt động, thì khoản mục này trên báo cáo tài chính của hãng hàng không Vietjet Air lại giảm gần 700 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, từ 8.161 tỷ đồng xuống còn 7.475 tỷ đồng.

Trong khi đó, thuyết minh báo cáo tài chính của Vietjet Air cho thấy, tổng giá trị vay nợ tại các ngân hàng đã giảm gần 2.000 tỷ đồng, từ 8.094 tỷ đồng xuống còn 6.126 tỷ đồng.

Hồi đầu tháng 8, Hội đồng quản trị Vietjet Air cho biết có thể sẽ bán toàn bộ 17,77 triệu cổ phiếu quỹ cho nhà đầu tư chiến lược, có thể thu về khoảng gần 1.800 tỷ đồng.

Hình ảnh trái ngược giữa 2 ông lớn hàng không: Trong khi Vietnam Airlines vay thêm hơn 4.000 tỷ đồng thì Vietjet Air lại trả bớt nợ - Ảnh 1.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kiểm toán PWC của Vietjet Air và kiểm toán Deloitte của Vietnam Airlines đều đề cập đến việc khả năng hoạt động liên tục của các hãng hàng không sẽ phụ thuộc nhiều vào tình hình dịch bệnh, khả năng tạo ra dòng tiền từ hoạt động kinh doanh cũng như những hỗ trợ từ các tổ chức tín dụng.

6 tháng đầu năm 2020, hoạt động kinh doanh chính của Vietnam Airlines lỗ gần 5.700 tỷ đồng còn Vietjet Air lỗ gần 2.300 tỷ đồng.